"Gió phóng túng thổi trên đồng bát ngát
Gốc rạ phơi vàng nghệ giữa trời
Ai châm lửa cho cánh đồng bốc cháy
Dựng giữa chiều từng cột sóng rong chơi".
Đó là những dòng thơ mở đầu ở bài thơ "Mùa đốt đồng" của tác giả Diệp Minh Tuyền. Vừa đọc qua như đã gợi cho chúng ta biết bao kí ức ngọt ngào của chốn đồng quê miền Tây Nam bộ ngày trước.
Khói đốt đồng. (ảnh tác giả)
Nông dân miền Tây được trời phú cho những cánh đồng màu mỡ cò bay thẳng cánh, nhưng cấy trồng thời kinh tế tự túc ngày xưa, mỗi năm chỉ một vụ lúa. Gieo sạ khi trời đổ hạt mưa dầm khoảng tháng Năm tháng Sáu hàng năm. Tháng Chạp mới gặt hái. Lúa hột ví bồ, ngoài đồng trơ gốc rạ vàng sẫm bởi màu phèn pha lẫn. Cũng từ đây, mùa nắng chói chang, đất ruộng nứt nẻ, xa xa là những rặng trâm bầu hay bình bát mọc hoang thi nhau chống chọi với nắng nóng.
Tết nhứt xong, ra giêng, người ta băng đồng tìm đào chuột hay móc cua, ngoéo ếch cặp theo các bờ ranh ruộng. Trời nắng oi bức như cỏ ống mọc đầy và xanh um. Đợi qua Thanh minh, đến giữa tháng Tư, bà con bắt đầu chuẩn bị phơi đất để chuẩn bị mua vụ mới. Đây cũng la lúc mùa đốt đồng bắt đầu.
Ruộng nào ít rạ thì người ta ôm rơm ra rải thêm, ruộng nào có nhiều rạ nhiều thì không cần tốn thêm công đoạn này. Chiều chiều xách con cúi cũng dấn từ rơm ra đồng để đốt. Mỗi mẫu ruộng châm vài mồi lửa, gió bùng lên, lửa chảy rực đỏ đồng. Trẻ con chạy theo coi đốt đồng là một thú vui ở chốn miền quê này.
Ruộng đất trong mùa đốt đồng. (ảnh tác giả)
Hết rạ, lửa tắt, để lại một lớp tro đen trở thành thứ phân bón tự nhiên cho đất. Những loại sâu bọ hay mầm bệnh cũng bị tẩy trừ. Mùi rơm rạ khô cháy, những làn khói phảng phất sự chân chất gắn liền với biết bao nỗi niềm của người nông dân.
Đồng đốt xong chừng nửa tháng hai mươi ngày là trời đổ mưa. Nước ngập lỗ nẻ, đất ngấm nước và mềm ra. Một hai cơn mưa nữa là nước lên, người ta bắt trâu cày, một mùa vụ mới dần bắt đầu, …
Ngày nay, lúa làm luân canh tăng vụ, không khí đốt đồng không diễn ra nhộn nhịp như trước. Hơn thế, các nhà khoa học đã chứng minh việc đốt đồng là lợi bất cập hại. Dần dần một tập quán canh tác xưa đã đi vào dĩ vãng, nhưng cũng để lại cho người dân quê nhiều ký ức…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.