Nhớ về Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Từ "Chủ tịch gạo" đến "tướng xé rào"

Bạch Dương Thứ bảy, ngày 19/11/2022 08:46 AM (GMT+7)
Trong dấu chân những người mở đường của công cuộc đổi mới đất nước, không thể không kể đến cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - ông Sáu Dân, người lãnh đạo của đổi mới và đột phá.
Bình luận 0
Nhớ về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, từ "Chủ tịch gạo" đến "tướng xé rào" - Ảnh 1.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với người dân. Ảnh: Tư liệu

Từ quyết tâm cứu đói cho dân

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Sáu Dân - Võ Văn Kiệt được phân công làm Bí thư Thành ủy TP.HCM. Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM chia sẻ, điều làm bà ấn tượng nhất là vai trò của Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt với những quyết sách đầy táo bạo và quyết đoán.

Một câu chuyện được lưu truyền qua nhiều thế hệ, đó là việc "vượt rào cứu đói cho dân". Tại TP.HCM sau hơn một năm giải phóng, tình hình kinh tế TP bước vào khủng hoảng, việc xóa bỏ toàn bộ khâu buôn bán lúa gạo ở miền Nam, thay bằng mậu dịch quốc doanh đã khiến tình hình lương thực trở nên vô cùng căng thẳng. 

Tình cảnh lúc bấy giờ được nhà nghiên cứu lịch sử kinh tế, GS Đặng Phong mô tả lại: Đến mùa thu hoạch, đồng lúa miền Nam chín vàng nhưng dân thành phố lại ngấp nghé nạn đói, bởi Nhà nước áp giá thu mua chỉ 5,2 hào/kg, trong khi giá thị trường là 1,5 đồng, nông dân không chịu bán.

Lần đầu tiên, nhân dân Sài Gòn phải ăn độn hạt bo bo, khoai, sắn. Không cam tâm để dân đói, cả Thành ủy, đứng đầu là Bí thư Võ Văn Kiệt phải lo "chạy gạo". Ông đã mời lãnh đạo ngân hàng, Công ty Lương thực, Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải đến giao nhiệm vụ cụ thể, xuống các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mua lúa theo giá sát thị trường, gấp 3 lần giá nhà nước, để cứu đói cho dân.

Việc ấy được tiến hành rốt ráo, và rồi vấp phải sự phản ứng. Ủy ban Vật giá "kiện" lên trung ương rằng ông Võ Văn Kiệt phá rào. Bà Ba Thi, Giám đốc Công ty Lương thực thành phố, bị triệu ra trung ương kiểm điểm. Nhưng sau khi ông Sáu Dân ra báo cáo, thuyết phục, được Tổng Bí thư Lê Duẩn ủng hộ, tình hình lương thực đã được giải quyết cơ bản.

Đến "tướng xé rào" đổi mới

Bà Phạm Phương Thảo nhớ lại: "Đó là người dám đương đầu với thử thách, rất sâu sát với cơ sở. Ông luôn động viên các tầng lớp nhân dân vượt qua khó khăn, nhất là thanh niên luôn xung kích trong các phong trào hành động cách mạng. Đồng chí Võ Văn Kiệt là một nhà lãnh đạo rất tin dân và được dân tin, trong khó khăn như vậy vẫn có phong trào, vẫn có khí thế, lấn át được khó khăn". 

Nếu trong những năm 1978-1979, ông Võ Văn Kiệt được mệnh danh là "Chủ tịch gạo" vì đã giải quyết nhanh vấn đề giải quyết lương thực trầm trọng của thành phố thì những năm 1980-1981, ông được gọi là "Tướng xé rào" vì đã vượt qua lối tư duy mòn cũ, đi sâu tìm hiểu và đề ra những biện pháp sáng tạo để tháo gỡ khó khăn cho thành phố.

Nhớ về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, từ "Chủ tịch gạo" đến "tướng xé rào" - Ảnh 3.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Văn Kiệt thăm Nhà máy dệt Việt Thắng. Ảnh: Tư liệu

Một quyết sách "xé rào" của ông Sáu Dân vẫn được kể lại, đó là giúp "cứu" Xí nghiệp Dệt Thành Công, mở đường cho sản xuất. Khi ấy, xí nghiệp thiếu vật tư, sản xuất đình trệ, Nhà nước không lo nổi vật tư, nguyên liệu. Doanh nghiệp không có ngoại tệ để tự lo, trong khi ngân hàng có nhiều USD lại không được tự ý cho vay. Ông Sáu Dân chỉ đạo ngân hàng phải cho vay, gỡ nút thắt cho doanh nghiệp. Nhờ vậy, doanh nghiệp nhập được nguyên liệu về sản xuất, có hàng hóa phục vụ dân, có lãi, từ chỗ "hấp hối" trở thành "ngọn cờ đầu".

Ở vào thời điểm khó khăn, nhưng bấy giờ TP.HCM luôn có phong trào quần chúng: Phong trào "Bàn tay vàng" của công nhân trong sản xuất; Phong trào thanh niên tình nguyện đi thanh niên xung phong, tình nguyện đi bảo vệ biên giới; Phong trào "Kế hoạch nhỏ" của thiếu nhi; Các phong trào ở khu dân cư như "Ánh sáng văn hóa", "lớp học tình thương",… đã đi vào cuộc sống, cuốn hút sức trẻ, sức dân. Mọi người làm việc không đòi hỏi thiệt hơn và rất tự giác.

Tiếp sau những đột phá xé rào ban đầu, ở những cương vị như Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Thủ tướng, ông Sáu Dân - Võ Văn Kiệt vẫn giữ vẹn nguyên tinh thần đổi mới, đột phá quyết liệt như ngày đầu. Những công trình được thực hiện dưới thời ông làm lãnh đạo Chính phủ đã ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển của kinh tế Việt Nam từ thời điểm đó cho đến ngày hôm nay. Đó là chương trình khai phá vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, ngọt hóa bán đảo Cà Mau. Vùng đất nhiễm phèn, mặn nhờ đó được cải tạo trở nên màu mỡ, trù phú.

Nhớ về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, từ "Chủ tịch gạo" đến "tướng xé rào" - Ảnh 4.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt và công nhân trên công trường xây dựng trạm biến thế 500kv Pleiku ngày 3/11/1993. Ảnh: Nguyễn Công Thành

Đó là việc xây dựng đường dây tải điện Bắc-Nam 500KV, đưa điện từ Nhà máy thủy điện Hòa Bình vào miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam. Đường điện đã tạo cú hích mạnh mẽ cho khu vực phía Nam, vốn trước đó thiếu điện nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất. Đó là chủ trương xây dựng đường Hồ Chí Minh, quyết định thành lập Đại học Quốc gia với chủ trương xã hội hóa giáo dục, đánh dấu sự đổi mới sâu sắc trong giáo dục đại học Việt Nam… Bên cạnh đó còn là Thủy điện Trị An; đường Bắc Thăng Long - Nội Bài; Nhà máy lọc dầu Dung Quất và phát triển ngành dầu khí, viễn thông, hàng không, xây dựng các Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Công viên phần mềm Quang Trung; Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam...

Bà Thảo chia sẻ, có 3 bài học rất tâm đắc về ông Sáu Dân, đó là bài học gần dân, sâu sát thực tiễn; bài học về sự lắng nghe; và ra quyết định. Gần dân, sâu sát thực tiễn là phong cách của ông. Chính vì vậy, ông là một nhà lãnh đạo rất giỏi về chỉ đạo thực tiễn, luôn phát hiện vấn đề, cái mới, cách giải quyết những bài toán khó.

Dù ở vị trí nào, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn có mặt ở tuyến đầu, luôn có những đóng góp sắc sảo, tạo bước đột phá lớn, đưa ra nhiều quyết sách năng động, như trao quyền tự chủ kinh doanh cho xí nghiệp quốc doanh; xóa bỏ chế độ thu mua nghĩa vụ áp đặt với nông dân, bãi bỏ ngăn sông cấm chợ, thực hiện tự do lưu thông hàng hóa trong cả nước..., chuyển dần nền kinh tế từ bao cấp sang kinh tế thị trường, đưa nền kinh tế của đất nước dần ổn định và phát triển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem