Loạn thu đầu năm học (bài 2): Các khoản nào nhà trường được và không được thu của học sinh?

Tào Nga Thứ ba, ngày 19/09/2023 06:00 AM (GMT+7)
Vấn đề loạn thu các khoản đầu năm trong trường học luôn gây bức xúc cho phụ huynh, vậy đâu là những khoản được thu và không được thu trong nhà trường?
Bình luận 0

BÀI TRƯỚC: Phụ huynh suýt ngất vì tiền mua máy tính cho giáo viên, cùng 20 khoản khác

Những khoản được thu và không được thu trong nhà trường

Theo quy định, các trường được phép thu những khoản tiền sau: học phí; bảo hiểm y tế; quần áo, đồng phục học sinh.

Theo khoản 4 Điều 10 Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT, Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học 8 khoản tiền sau: Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện và các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh bao gồm Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Những khoản được thu, không được thu đầu năm học: "Cần công bằng, công khai, minh bạch" - Ảnh 1.

Phụ huynh cần nắm rõ những khoản được thu và không được thu đầu năm học. Ảnh: Tào Nga

Ngoài ra, các khoản thu theo thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh ở từng địa phương hoặc thu theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân từng tỉnh/thành như: Tiền ăn, chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú; học 2 buổi/ngày; học phẩm cho trẻ mầm non; nước uống học sinh; dạy thêm, học thêm trong nhà trường… sẽ được áp dụng theo tùy từng địa phương, đơn vị.

Theo Sở GDĐT Hà Nội, 9 khoản tiền được phép thu đầu năm học 2023 - 2024 gồm: Thu, chi phục vụ bán trú; thu, chi học 2 buổi/ngày; thu, chi học phẩm; thu, chi nước uống học sinh; thu Bảo hiểm y tế học sinh; thu chi dạy thêm, học thêm trong nhà trường; thu chi viện trợ, quà biếu, tặng, cho; thu chi tài trợ; các khoản thu về quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu.

Năm học 2023-2024, Sở GDĐT TP.HCM cũng quy định 26 khoản thu, thuộc 4 nhóm chính, bao gồm: Các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục ngoài giờ học chính khóa theo quy định; các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục thực hiện theo các đề án được phê duyệt; các khoản thu dịch vụ phục vụ cho hoạt động bán trú; các khoản thu hỗ trợ cho cá nhân học sinh.

Sở GDĐT Bạc Liêu quy định đối với các cơ sở giáo dục công lập, khoản thu mức trần thấp nhất 5.000 đồng, cao nhất 100.000 đồng như: Tiền ăn; giữ, chăm sóc trẻ ngoài giờ, thứ bảy, chủ nhật; học sinh làm quen với tiếng Anh; dạy các môn năng khiếu cho trẻ ngoài giờ chính khóa; thuê lao động vệ sinh trường lớp; dạy thêm, học thêm trong nhà trường…

Đối với các khoản thu không quy định mức trần, các cơ sở giáo dục thỏa thuận với phụ huynh có nhu cầu (bằng văn bản) trên tinh thần tự nguyện, thống nhất mức thu như: Tiền ăn; bồi dưỡng người trực tiếp chăm sóc; mua sắm thiết bị, đồ dùng, dụng cụ học tập; thực hiện chương trình hoạt động giáo dục bổ trợ, tăng cường, bồi dưỡng năng khiếu học sinh ngoài giờ học chính khóa...

Ngoài các khoản thu được quy định, các cơ sở giáo dục không được thỏa thuận với phụ huynh học sinh để thu thêm các khoản thu khác.

Mặc dù các thông tư, văn bản chỉ đạo của các Bộ, Sở, Phòng GDĐT, UBND các tỉnh, các quận đã quán triệt rõ những khoản thu được phép và không được phép này, tuy nhiên, thực tế nhiều trường vẫn thu sai quy định. Thậm chí nhiều người còn khiến phụ huynh bức xúc khi quá "lạm thu". Cụ thể như ở Trường THPT Thanh Miện 3, Hải Dương hay vụ yêu cầu phụ huynh phải đóng góp để mua máy tính cho giáo viên sử dụng mới đây.

Các khoản thu phải theo quy định và tự nguyện

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, TS Đặng Văn Cường, giảng viên khoa Luật, Trường Đại học Thủy lợi cho hay: "Trong bối cảnh đời sống kinh tế xã hội ở Việt Nam còn nhiều khó khăn. Nhà nước không thể có đủ kinh phí để trang bị, xây dựng các trường công lập trên cả nước một cách khang trang, hiện đại, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học.

Việc chung tay, ủng hộ, tiếp nhận sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, các phụ huynh học sinh là điều cần thiết, đặc biệt là các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên việc ủng hộ, tiếp nhận vật chất để xây dựng nhà trường phải tuân thủ các quy định của pháp luật phải trên cơ sở các nguyên tắc để đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch".

Cô Phạm Thanh Thủy, Phó hiệu trưởng một trường THPT trên địa bàn Hà Nội chia sẻ, với những phụ huynh đang chật vật với cơm áo thì các khoản phí đầu năm trên tinh thần "tự nguyện" thật sự là gánh nặng. Hay thậm chí một số nhà có điều kiện kinh tế cũng không hài lòng khi đọc bảng phí. Không phải vì họ tiếc tiền cho con hay không thương con mà các khoản thu chưa hợp lý khiến phụ huynh càng thêm phần băn khoăn.

"Xã hội hóa là tốt, nhưng các khoản thu đầu năm khiến nhiều gia đình gặp khó khăn vì không phải phụ huynh nào cũng có thu nhập tốt", cô Thủy nói.

Những khoản được thu, không được thu đầu năm học: "Cần công bằng, công khai, minh bạch" - Ảnh 2.

Học sinh Hà Nội trong ngày đầu năm học. Ảnh: Tào Nga

Liên quan đến việc quán triệt các trường học trong việc thu chi các khoản đầu năm học, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GDĐT quận Hà Đông, Hà Nội cho hay: "Sau khi nhận được văn bản của Sở GDĐT, Phòng GDĐT đã tham mưu với UBND và ban hành văn bản hướng dẫn. Đồng thời tiến hành họp với các hiệu trưởng để quán triệt nội dung tới các trường ngay từ đầu năm. Từ nay đến hết tháng 9, các trường đang tiến hành họp phụ huynh để triển khai nội dung.

Văn bản đã hướng dẫn và các trường đã nắm rõ quy định của Sở và UBND quận. Trong quá trình triển khai vẫn luôn lắng nghe ý kiến của phụ huynh".

Theo bà Hằng, với các khoản xã hội hóa cần có sự bàn bạc chi tiết, cụ thể và cần có sự đồng thuận lớn của phụ huynh mới triển khai, tuyệt đối không cào bằng. Xã hội hóa rất cần thiết cho nhà trường vì ngân sách có hạn. Tuy nhiên phải thực hiện theo đúng quy định về các khoản trao quà tặng.

Chia sẻ với phụ huynh về việc lo ngại không dám lên tiếng với các khoản thu sai quy định, bà Hằng cho biết: "Phụ huynh cần nắm rõ quy định, thông tư của Bộ, các hướng dẫn chỉ đạo của thành phố và Phòng GDĐT để có chính kiến, ý kiến của bản thân với nhà trường, Phòng, Sở.

Các khoản thu đều trên nguyên tắc tự nguyện, các thầy cô nắm rõ việc này nên sẽ không có tình trạng phân biệt đối xử với học sinh. Thậm chí, nhiều gia đình khó khăn ở các quận nói chung và địa bàn quận Hà Đông nói riêng, các em đều được ủng hộ các khoản như bảo hiểm thân thể, đồng phục, sách giáo khoa... Vì vậy, các phụ huynh hoàn toàn có thể đưa ra ý kiến riêng khi thấy không phù hợp".

Về vấn đề lạm thu trong trường học luôn gây bức xúc cho phụ huynh, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Sở GDĐT Hà Nội luôn có chỉ đạo rõ ràng, đồng thời quán triệt rõ trách nhiệm trước tiên thuộc về người đứng đầu cơ sở giáo dục.

Ngay đầu năm học, Sở GDĐT phối hợp với Sở Tài chính có các văn bản hướng dẫn thu, chi trong trường học các cấp, sao cho công khai, minh bạch, thu đúng, thu đủ, những khoản nào không được phép sẽ không được thu.

Vấn đề thu chi liên quan đến các hoạt động trải nghiệm hoặc các khoản thu mang tính xã hội hóa, nhà trường phải có đề án, được thông qua tập thể sư phạm nhà trường và cấp có thẩm quyền quyết định mới thực hiện. "Hiệu trưởng hoặc lãnh đạo cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm trước đơn vị quản lý, thậm chí sẽ bị chuyển cơ quan điều tra để xử lý nếu phát hiện sai phạm hoặc để xảy ra lạm thu trong trường học", Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội khẳng định.

(Còn tiếp)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem