Từ bao giờ kỳ nghỉ hè của con trẻ trở thành gánh nặng của phụ huynh?

Lang Minh – Nhà giáo Thứ ba, ngày 18/06/2024 14:00 PM (GMT+7)
Hình ảnh mùa hè giờ đây không khỏi làm các bậc phụ huynh "hoang mang", hóa ra nó còn nặng nề hơn cả mùa thi. Từ bao giờ mùa hè từ chỗ là thiên đường của tuổi thơ lại trở thành một gánh nặng trầm trọng với gia đình?
Bình luận 0

Lúc con bùi ngùi chia tay các bạn trong lễ bế giảng cũng là lúc vợ chồng tôi loay hoay lên kế hoạch nghỉ hè cho con. Làm sao con có một mùa hè ý nghĩa khi bố mẹ vẫn phải duy trì công việc trở thành nỗi lo lắng thường trực của phụ huynh thời nay - chứ không phải như thời điểm 20 năm về trước, khi tôi còn là trẻ con.

Khi ấy, tôi sẽ phải thay mẹ đi chợ nấu cơm rồi mới được lê la cùng tụi trẻ hàng xóm đi vặt quả bàng, xem cá chọi. Rồi chiều tối thì bọn trẻ rồng rắn sang mỗi nhà hàng xóm chơi một chút hoặc tụ tập ở một nhà giàu có để xem tivi, đọc truyện cùng nhau. 

Trong truyện, hè về là thám tử Conan hay mèo máy Doraemon được đi du lịch đến vùng đất lạ, làm nhiệm vụ anh hùng. Mùa hè trở thành thánh đường của trí tưởng tượng và nỗi khát khao được thành cái gì đó lớn lao trong lòng mỗi đứa trẻ.

Thật khó mà lặp lại kiểu nghỉ hè an nhàn và bay bổng ấy nữa. Ở thành phố, trẻ dần xa lạ với mối quan hệ hàng xóm láng giềng. Sách truyện dù nhiều nhưng cũng không hấp dẫn bằng video ngắn trên mạng xã hội. Bê tông hóa mọi nơi khiến sân chơi chung thành nơi vừa chật hẹp vừa nóng bức dù là chiều tối. Trẻ vừa thụ động vừa chủ động chọn ở nhà với bốn bức tường và thiết bị điện tử.

Từ bao giờ kỳ nghỉ hè của con trẻ trở thành gánh nặng của phụ huynh?- Ảnh 1.

Một trại hè bóng rổ được tổ chức ở Đà Lạt dành cho các học sinh cấp THCS và THPT tập luyện trong những ngày nghỉ hè. Ảnh: K.L

Còn phải kể đến sự bủa vây của các khóa học hè, trải nghiệm hè. Học hè giờ không chỉ là các môn năng khiếu như mỹ thuật, múa hát hay tiếng Anh nữa; mà đủ các lĩnh vực: Công nghệ, thể lực, kỹ năng lãnh đạo...

Trải nghiệm hè còn rộng lớn hơn nữa: Từ hướng nghiệp, tiếng Anh tại nước ngoài đến tu thiền, kỷ luật quân đội, hòa vào thiên nhiên, hướng về truyền thống... Lời mời gọi hấp dẫn ấy đủ để phụ huynh không khỏi ham muốn mong con tham gia tất thảy để có thêm những năng lực vượt trội. Một “vòng xoáy học tập” lại vô hình xuất hiện.

Ở nông thôn, cũng ít dần cảnh “tuổi thơ con thả trên đồng”. Ruộng lúa ít dần, đường làng cũng dần được bê tông hóa. Triền đê, bờ sông trở thành nỗi ám ảnh khi hè về lại có tin tức trẻ thiệt mạng vì đuối nước.

Hình ảnh hè bây giờ không khỏi làm các bậc làm cha làm mẹ "hoang mang", hóa ra nó còn nặng nề hơn cả mùa thi! Từ bao giờ mùa hè từ chỗ là thiên đường của tuổi thơ thành một gánh nặng trầm trọng với gia đình?

Tôi nghĩ rằng sự việc không trầm trọng đến vậy. Cấu trúc xã hội biến đổi dẫn đến sinh hoạt hè của trẻ cũng biến đổi theo, không thể coi những mùa hè xưa như chuẩn mực để phán xét mùa hè nay. Điều cần làm là có những biện pháp thích nghi và duy trì các giá trị thiết yếu của kỳ nghỉ hè.

Một là, hè đến, rời khỏi môi trường nhà trường - một xã hội thu nhỏ được thiết kế kỹ càng - trẻ hòa mình hoàn toàn vào cộng đồng thực xung quanh: Gia đình, họ hàng, hàng xóm, khu phố/thôn xã... 

Vậy cộng đồng cần tạo lập các hoạt động nào để hỗ trợ việc “học tập” tự nhiên của trẻ, cũng như giúp trẻ thực sự kết nối và tìm thấy ý nghĩa trong cộng đồng (nhất là trong bối cảnh đô thị hiện đại đang dần đứt gãy các kết nối liên cá nhân)?

Hai là, cộng đồng ấy đảm bảo an toàn cho trẻ tự do khám phá ra sao khi kết cấu hạ tầng đang thu hẹp dần các khu vực công cộng an toàn cho trẻ?

Ba là, trẻ cần các trải nghiệm vươn ra khỏi khung khổ thường ngày. Vậy các khóa học được “đóng gói” quá kỹ càng có phải lựa chọn tối ưu?

Về vấn đề đầu tiên, vẫn tồn tại giao lưu cộng đồng giữa các em qua sinh hoạt Đoàn - Đội ở cấp phường/xã với hình thức chủ yếu là lao động thiện nguyện hoặc văn nghệ tập thể. Tuy nhiên, hoạt động chưa thực sự hiệu quả và hấp dẫn bởi các cơ sở chưa thiết kế nó như một hoạt động sư phạm có tính cộng đồng.

Thêm nữa, nhiệm vụ này gần như được khoán cho Đoàn - Đội mà thiếu vắng sự tham gia của những thiết chế cộng đồng: thư viện công cộng, khu du tích văn hóa, tổ chức - doanh nghiệp địa phương... Chính người lớn còn thiếu vắng tính cộng đồng thì khó mà xây dựng điều đó cho các em.

Về vấn đề đảm bảo an toàn, cần phải đầu tư thêm nhân lực và vật lực để đảm bảo trẻ được thỏa mãn nhu cầu khám phá. Trồng thêm cây xanh tại các khu vui chơi công cộng, mở rộng/xây mới công viên với đa dạng các loại thực vật và trò chơi vận động, tổ chức các khóa học bơi và sơ cứu miễn phí cho mọi trẻ em... 

Những việc trên nghe có vẻ bất khả thi, nhưng nó cũng phản ánh sự bất lực trong tổ chức không gian sống của toàn cộng đồng, không riêng gì cho trẻ.

Từ bao giờ kỳ nghỉ hè của con trẻ trở thành gánh nặng của phụ huynh?- Ảnh 3.

Tác giả bài viết, nhà giáo Lang Minh. Ảnh: DV

Về vấn đề trải nghiệm, trẻ không chỉ cần trải qua những gì mới lạ, kỳ thú như những khóa trải nghiệm vẫn quảng bá mà trẻ còn cần được phát triển nội tâm.

Mùa hè là quãng thời gian đủ dài để các em thử: viết thư trao đổi với người bạn phương xa, tham quan bảo tàng, dành nhiều thời gian để đọc tiểu thuyết, tìm hiểu thực địa kỹ càng một di tích địa phương, khám phá lịch sử con phố mình đang sống cùng bạn thân dưới sự hướng dẫn và đề ý của hàng xóm, tập làm mọi việc nhà theo kiểu thủ công,... là những cách đơn giản và hữu dụng để thân thể, tri thức, giác quan, cảm xúc hòa vào làm một để cảm nhận sự vận động bên trong. 

Đó cũng là mong muốn mà người lớn cũng phải chật vật mới có được, hoặc tạm có bằng cách tham gia một khóa “chữa lành”.

Tựu chung, “khủng hoảng mùa hè” vẫn hiện hữu trên truyền thông nhiều năm trở lại đây, không phải vấn đề ở con trẻ, mà khủng hoảng ở cách người lớn chúng ta đang tổ chức xã hội, cách trải nghiệm thế giới và cách gắn kết cộng đồng.

Một mùa hè ý nghĩa hơn cần sự chung tay của tất cả, để xã hội thật sự là nơi trẻ có thể tự khám phá thêm nhiều bài học từ cuộc sống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem