Những người dũng cảm trên bến Âu Lâu

Thứ ba, ngày 06/05/2014 06:15 AM (GMT+7)
Dù không trực tiếp chiến đấu, nhưng sự dũng cảm của những người chèo đò, lái phà chở quân, vũ khí đạn dược trên bến Âu Lâu lịch sử, đã góp phần đặc biệt vào chiến thắng Điện Biên Phủ.
Bình luận 0
Dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi may mắn gặp lại họ ngay tại bến Âu Lâu.

Chuyện kể năm xưa

Thôn Cửa Ngòi, xã Âu Lâu xưa (nay là phường Nguyễn Phúc, TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái) là nơi tập trung đông đảo những du kích, thanh niên xung phong và dân công đã từng tham gia chuyển quân, vận chuyển lương thực trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Thời gian trôi qua đã quá lâu, những người còn sống đều ở tuổi gần đất xa trời.

img

Ba người lính già gặp nhau trên bến Âu Lâu (ông Tốn đứng giữa).

Chúng tôi gặp ông Lê Văn Đam (SN 1930), một trong những công nhân đầu tiên tham gia lai dắt phà trên bến Âu Lâu. Hồi ấy, khi vào chiến dịch Điện Biên Phủ, trên bến Âu Lâu người dân vùng Cửa Ngòi dùng thuyền nan chuyển quân, còn xe, pháo thì đi bằng phà. Ban đầu, phà ghép bằng những thân gỗ có trọng tải 8 tấn.

Khi phà vượt sông, ông Đam cùng mọi người phải kéo, đẩy bằng sức người ngược lên thượng nguồn một đoạn sau đó mới thả xuôi rồi đẩy bằng những cây sào, mỗi phà có 12 công nhân. Còn khi chở xe và pháo hạng nặng qua sông vào mùa nước lũ, phải huy động thêm dân công và nhân dân hai bên bờ giúp sức. Phà hoạt động bắt đầu từ lúc nhá nhem tối cho đến rạng sáng.

Ông Đam cùng anh em khác được chia làm hai tổ, mỗi tổ làm một tối. “Đêm đến quân Pháp thả pháo sáng, bắn rocket rồi máy bay thường xuyên lượn rà rà mặt nước tìm mục tiêu bắn phá, nhưng không ngăn nổi những chuyến phà chở quân sang sông” - ông Đam kể.

Trên bến Âu Lâu, chúng tôi gặp ông Phạm Trung Tốn - thợ máy trưởng đầu tiên. Đã sang tuổi 87 nhưng gắn bó cả đời với bến phà nên ông Tốn dường như nhớ từng gốc cây, ngọn cỏ nơi đây. Ông vốn quê ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, nhập ngũ và được điều động vào Cục Quân giới chuyên sửa chữa và chế tạo vũ khí, đạn dược cung cấp cho chiến dịch. Cuối năm 1952, ông được điều sang làm thợ máy trên bến Âu Lâu...

Khoảng tháng 3.1953 bến phà Âu Lâu được trang bị thêm một phà gỗ trọng tải 12 tấn có canô lai dắt. Ông Phạm Trung Tốn điều khiển máy nổ, ông Nguyễn Văn Tiến làm thuyền trưởng trực tiếp lái phà. Nhờ có ca nô lai dắt nên mỗi đêm phà chở hàng chục chuyến xe, pháo và bộ đội cùng dân công qua sông. Gian khổ nhất vào mùa nước lũ, dòng sông Hồng trở nên rộng mênh mông, nước chảy xiết, phà đi trong đêm tối nên mọi người phải căng mắt nhìn dòng sông để tránh các cây gỗ bị cuốn trên sông, đồng thời phải canh chừng pháo sáng do máy bay của giặc thả dọc bờ sông.

Giờ gặp lại, ông Tốn bảo, vinh dự lớn nhất của đời ông là năm 1958, ông được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất. Niềm tự hào lớn nhất của đời ông là 2 trong số 8 người con đã nối nghiệp thợ máy của ông.

Cô lái đò dũng cảm

Cùng với những chuyến phà, có hàng chục thuyền nan của nhân dân sống dọc hai bờ sông cũng được huy động chở bộ đội và dân công. Trong đó có bà Phan Thị Thanh, hiện đang cư trú tại tổ 24A, phường Nguyễn Phúc. Ngày ấy, gia đình bà sống ngay bên tả ngạn sông Hồng, sát bến Âu Lâu. Bà Thanh giờ đã ở tuổi 83 nhưng vẫn rất minh mẫn. Bà kể, bà bắt đầu chèo đò từ năm 1947, lúc mới 15 tuổi. Rồi bà được kết nạp vào Phân đoàn thuyền nan trực thuộc Ban quản lý bến Âu Lâu phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Phân đoàn lúc đó có 45 người, với trên 20 chiếc thuyền nan. Bà không nhớ mình đã chở bao nhiêu chuyến vũ khí, đạn dược và bộ đội sang sông. Có đợt bà lại chở súng, đạn từ bến dưới ga Yên Bái ngược theo sông Hồng lên mãi mạn trên. Có lúc thì chở súng đạn sang sông rồi chở thương binh về tuyến sau...

Bến phà Âu Lâu nối thị xã Yên Bái (trước đây) với Quốc lộ 13A (nay là Quốc lộ 32), là điểm trung chuyển quân lương từ các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ lên mặt trận Biện Biên Phủ. Hành trình này được bắt đầu từ Quốc lộ 37 (Yên Bái) qua phà Âu Lâu ra Quốc lộ 13A, đi Ba Khe, vượt đèo Lũng Lô, rồi sang Phù Yên, Thượng Mường La (Sơn La)...

Trong chiến tranh, ở bến Âu Lâu không chỉ qua sông bằng thuyền, bằng phà mà nhân dân trong vùng còn huy động đóng góp và khai thác hàng chục vạn cây tre, nứa, gỗ ghép thành cầu phao bắc qua sông Hồng, tạo điều kiện cho bộ đội hành quân khẩn trương, an toàn.

Trong hơn 200 ngày đêm hoạt động, bến chỉ bị ách tắc có 8 ngày đêm. Bến Âu Lâu vẫn vững vàng dưới bom rơi, đạn lửa của kẻ thù. Để phục vụ tiền tuyến trong chiến dịch lịch sử Ðiện Biên Phủ, người dân Yên Bái còn huy động hơn 31.000 dân công đóng góp hơn 1.600.000 công làm đường và vận chuyển lương thực, 650 xe đạp thồ, 1.840 tấn gạo, 372 con trâu, 489 con lợn và hàng chục tấn rau xanh được cung cấp cho mặt trận, góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Ngày nay, tại bến Âu Lâu có tượng đài khắc họa hình ảnh cô gái cầm mái chèo đứng cạnh người thủy thủ bên mỏ neo sắt, sát cánh cùng anh Bộ đội Cụ Hồ, để thế hệ sau mãi mãi ghi nhớ về một thời máu lửa đã qua.

Minh Chín- Thanh Nghị (Minh Chín- Thanh Nghị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem