Những người phụ nữ chăm lo cho “người lạ”

Thứ ba, ngày 14/03/2023 06:09 AM (GMT+7)
"Chăm sóc người già, trẻ mồ côi vừa là công việc mưu sinh vừa là cái tâm, tình người, cứ nghĩ đó là cha, mẹ, con cái của mình mà chăm lo", những "bảo mẫu" ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Bạc Liêu bày tỏ.
Bình luận 0

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bạc Liêu có 14 chị em phụ nữ làm công việc trực tiếp chăm sóc mấy chục người già neo đơn và trẻ em mồi côi, khuyết tật sinh sống tại đây

Đó là công việc mà nhiều người hay nói "lo nhà người ta còn nhiều hơn lo nhà mình".

Làm việc có tâm, bản thân mới an vui

Hơn 5 năm qua, chị Trần Thị Thúy (52 tuổi, quê tỉnh Cà Mau) xem trung tâm như là nhà và những cụ già tại đây như người thân ruột thịt.

Những người phụ nữ chăm lo cho “người lạ” - Ảnh 1.

Chị Trần Thị Thúy đút từng muỗng cơm cho cụ bà đã nhiều năm sống tại trung tâm. Ảnh: Huỳnh Hải

Chị Thúy kể, cha mẹ chị đã mất, còn lại mấy anh chị em ở Cà Mau. Chị không có gia đình riêng nên rời quê lên Bạc Liêu mưu sinh. Được người quen giới thiệu vào trung tâm, công việc là chăm sóc người già neo đơn, chị nghĩ bản thân không còn cha mẹ để phụng dưỡng nên xin vào làm.

Vào trung tâm, thấy cảnh nhiều cụ già không còn con cái, gia đình bên cạnh chăm sóc, rồi chị lại nghĩ bản thân mình, chị không khỏi bùi ngùi.

"Có cụ 70-80 tuổi sức yếu, không tự đi lại hay ăn uống được, thấy thương lắm. Hàng ngày, tôi đút từng muỗng cơm cho một bà cụ 92 tuổi, do cụ tuổi cao ăn hơi lâu. Mỗi khi hỏi ăn ngon không, cụ gật đầu là tôi cứ ứa nước mắt", chị Thúy kể.

Có cụ bà bị lẫn, mỗi khi chị Thúy tắm rửa vệ sinh cho, cụ đều rất khó tính, hay cào cấu chị. "Nói thật là có lúc đau lắm, cũng giận lắm nhưng rồi cứ nghĩ đó là cha, là mẹ của mình thì tôi lại nhẹ lòng", chị Thúy chia sẻ.

Những người phụ nữ chăm lo cho “người lạ” - Ảnh 2.

Mấy năm qua, bà Thúy xem trung tâm là nhà, các cụ già ở đây như cha, mẹ. Ảnh: Huỳnh Hải

Đó là những câu chuyện của chị Thúy và cũng là của nhiều chị em phụ nữ khác ở trung tâm này. Những "bảo mẫu" tại đây bày tỏ, ai cũng có gia đình, cha, mẹ, mỗi người mỗi cảnh, mỗi công việc riêng, nhưng đều cần cái tâm để hoàn thành tốt nhiệm vụ và bản thân cũng sống an vui.

Lo cho "con người ta" nhiều hơn con mình

Chị Bùi Diễm Phúc (37 tuổi, quê phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) đã có hơn 10 năm làm ở trung tâm. Từng đứa trẻ mồ côi, khuyết tật bị bỏ rơi vào đây chừng ấy năm chị đều nhớ.

"Mẹ Phúc" là danh xưng quen thuộc mà nhiều trẻ ở trung tâm gọi chị. "Tôi cũng có con, tôi hiểu được tình mẫu tử dành cho con mình thế nào và tâm niệm cố gắng cũng dành điều đó cho những đứa trẻ có cuộc đời không may ở đây", chị Phúc tâm niệm.

Chị Phúc bày tỏ thật lòng, nếu không bằng tình thương có lẽ chị không thể gắn bó, chăm lo "con người ta" cả chục năm như thế. Gia đình chị rất khó khăn với bao nỗi lo toan chuyện cơm áo gạo tiền, đã nhiều lần định xin nghỉ việc mà rồi chị lại không đành lòng.

Những người phụ nữ chăm lo cho “người lạ” - Ảnh 3.

Chị Bùi Diễm Phúc gắn bó với trung tâm hơn 10 năm qua để chăm sóc những đứa trẻ mồ côi, khuyết tật. Ảnh: Huỳnh Hải

"Lương và chế độ ở trung tâm theo quy định thì khá thấp, người có thâm niên, làm hơn 10 năm cũng chỉ khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Chính vì thế, hầu hết chị em ở đây gắn bó lâu dài với công việc bằng chính tấm lòng, tình thương của mình", bà Dương Thị Mây - Phó Giám đốc trung tâm nói.

Con chị Phúc nay 15 tuổi thì chị đã có 11 năm làm ở trung tâm. Trong 11 năm đó, vì tính chất công việc, chị gặp "con người ta" nhiều hơn gặp con mình ở nhà.

Do khó khăn, không có điều kiện ở trọ nên chị Phúc phải sắp xếp thời gian đi về giữa trung tâm và nhà, cách nhau hơn 30km.

"Hôm nào không trực thì tôi tranh thủ về nhà với gia đình. Về nhà có khi chỉ gặp con được 1-2 tiếng, chưa chăm lo được gì là lại phải đi nên nhiều lúc tôi thấy mình chưa trọn trách nhiệm với con, cũng áy náy, thương con lắm", chị bộc bạch.

Chị kể, gần 2 năm trước, có một bé trai sơ sinh bị bỏ rơi ở bệnh viện trong tình trạng viêm phổi, hở hàm ếch. Chị là người trực tiếp vào bệnh viện tiếp nhận bé, đưa về trung tâm.

"Thấy bé tội lắm, có khiếm khuyết ở miệng, sức khỏe yếu ớt, có lúc cứ tưởng bé không qua khỏi, cứ nghĩ là nước mắt lại tự nhiên rơi. Mới đây, khi bé được phẫu thuật vá hàm ếch, tôi cũng là người đưa đi, chăm sóc.

Thấy cả người thằng bé gắn dây nhợ tùm lum, xót xa lắm. Sau khi được vá môi xong, bé khỏe lại, mở mắt ra cứ kêu "Phúc ơi, Phúc ơi…", tôi lặng người đi vì xúc động. Sao mà không thương, không mến, sao mà bỏ đi cho được", chị Phúc kể về đứa trẻ mà chị xem như con ruột của mình.

Những người phụ nữ chăm lo cho “người lạ” - Ảnh 4.

Chị Phúc xem những đứa trẻ bất hạnh như con của mình, gắn bó thế nên bỏ việc cũng không đành. Ảnh: Huỳnh Hải

Trao đổi với PV Dân trí, bà Dương Thị Mây - Phó giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bạc Liêu cho biết, các chị em phụ nữ ở đây làm rất tốt công việc của mình.

"Việc chăm sóc người già, trẻ em vất vả mà dù không phải là cha mẹ, con cái của mình nhưng các chị em đều rất có trách nhiệm. Những cụ già thường bệnh tật phải vào viện, các chị em cũng đi theo nuôi bệnh, có lúc 3-4 ngày mới về.

Thậm chí, khi cha mẹ ruột ở nhà bị bệnh, có chị em phải nhờ người thân lo giúp, để lo các cụ ở đây", bà Mây chia sẻ.

Vì công việc đặc thù là "lo chuyện xã hội, chăm sóc cha mẹ, con cái người ta", trong khi chế độ thấp, lại làm 24/24h nên theo bà Mây, việc tìm người làm tại trung tâm rất khó.

"Thời gian qua, có vài người khi xin vào làm nhưng chỉ 1-2 tháng lại báo nghỉ. Bởi vậy, hầu hết chị em làm ở đây đến lúc này đều lâu năm, phải có cái tâm mới có thể làm được", bà Mây nhận định.

Lãnh đạo trung tâm cũng mong muốn tỉnh quan tâm hơn, đặc biệt là có thêm chế độ ưu đãi nào đó để nhân viên ở đây có thêm thu nhập lo cho gia đình, ổn định cuộc sống, để mỗi người an tâm gắn bó với công việc.

* Bài có sự biên tập ở title

Huỳnh Hải (Dân Trí)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem