Nhóm PV Tây Bắc
Thứ ba, ngày 10/09/2024 13:21 PM (GMT+7)
Chúng tôi - những phóng viên thường trú - phụ trách theo dõi địa bàn tỉnh Lào Cai, lần đầu tiên bị cô lập ngay trong vùng lũ bởi ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 3.
Vừa mới cách đây khoảng vài hôm (6/9/2024), giữa tiết trời se se lạnh của đầu mùa thu ùa về cùng ánh nắng vàng, với sắc màu mùa lúa chín đẹp lung linh trên khắp rẻo cao Lào Cai, chúng tôi còn tranh thủ thời gian tác nghiệp ở nhiều địa bàn trong tỉnh Lào Cai; đưa những hình ảnh đẹp nhất mùa lúa chín cho bạn đọc, du khách gần xa biết đến một Lào Cai yên bình, thơ mộng với những ruộng bậc thang trải vàng lúa chín; những nương vườn xanh mướt, trái ngọt đong đưa...
Nhưng siêu bão Yagi đổ vào đất liền và cuốn các phóng viên vào những nhiệm vụ gấp gáp, không kém phần gian nan và nguy hiểm.
Tại các xã vùng cao Y Tý, A Lù huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, nơi chúng tôi (PV) ghi nhận hình ảnh bà con đang tấp nập thu hoạch lúa chín khi trời vẫn nắng oi ả nhưng bỗng chốc mưa dông ập về, dự là mưa to sẽ kéo đến, chợt nghĩ hay là ngủ lại vùng cao nơi đây?
Thế rồi trời như doạ chúng tôi, một lúc sau, bầu trời sáng rực, những đám mây đen tan dần như không có chuyện gì. Bằng kinh nghiệm sống và thông tin trên báo đài, chúng tôi hiểu rằng mưa bão sắp đến và nhanh chóng di chuyển về thành phố Lào Cai.
Về tới thành phố, ngay khi chúng tôi mới nhập tin, bài về những cánh đồng ruộng bậc thang rực vàng lúa chín thì cơn mưa ập tới. Mưa giăng giăng khắp mọi nơi, lúc to, lúc nhỏ; cứ thế kéo dài từ đêm (7/9) cho đến nay. Ngoài cập nhập tình hình mưa lũ, thiệt hại chúng tôi còn chia nhau thành các nhóm nhó, bươn trong mưa lũ, đến các địa phương đang gặp ngập úng, sạt lở đất... để có những tin tức nóng hổi, chính xác, kịp thời mang hơi thở cuộc sống cho bạn đọc.
Mưa và nước lũ tại các địa phương của tỉnh Lào Cai mỗi lúc một tăng cao. Nhiều tuyến đường giao thông liên xã, huyện, thị xã... bị chia cắt do sạt lở đất, đá. Nhiều nơi ở vùng sâu, vùng xa như xã Sàng Ma Sáo, A Lù, Trung Lèng Hồ, huyện Bát Xát và một số xã tại các huyện Bắc Hà, Bảo Yên, thị xã Sa Pa bị mất hết sóng điện thoại liên lạc.
Còn chúng tôi, những phóng viên thường trú, phụ trách địa bàn Lào Cai cũng bị cô lập giữa lòng thành phố. Nước dâng mỗi lúc một nhiều, nơi ồn ào phố thị bỗng chốc vắng bóng người, thiếu tiếng còi ô tô, tiếng xe máy, chỉ còn tiếng mưa rơi tý tách trên mái nhà. Ai cũng nhói lòng khi bất chợt nghe thấy tiếng còi xe cấp cứu hay xe cứu hoả, xe công vụ của cán bộ, chiến sĩ Công an, quân đội hỗ trợ người dân di chuyển nhà cửa, tài sản và phân luồng giao thông...
Anh An Kiên, phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam Khu vực Tây Bắc (VOV), thường trú tại Lào Cai chia sẻ: Gần 10 năm công tác ở Lào Cai, chưa bao giờ chúng tôi bị cô lập nơi rốn lũ như thế này. Không chỉ các tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ đi các huyện, thị xã bị chia cắt mà ngay lòng thành phố Lào Cai mực nước sông Hồng dâng cao tràn qua bờ kè đường An Dương Vương ngập vào nhà các hộ dân. Nhiều nơi, mực nước lũ nguy hiểm và đã được lực lượng chức năng cắm chốt, ngăn chặn vì rất nguy hiểm.
Các thông tin thiệt hại nặng nề về người, tài sản, hoa màu liên tục đổ về, như: Bắc Hà, Si Ma Cai, Bảo Yên, Sa Pa, Bát Xát... làm chúng tôi nóng lòng, muốn xuống cơ sở để ghi nhận lắm chứ nhưng các tuyến đường vào xã, huyện đều bị sạt lở chia cắt rất khó tiếp cận.
Theo anh An Kiên, đều may mắn nhất đối với những phóng viên thường trú đó chính là bây giờ công nghệ 4.0 phát triển, công nghệ thông tin phủ sóng khắp nơi. Hình ảnh, thông tin có thể lấy từ người dân, lãnh đạo, anh, em phóng viên ở huyện, thị, thành phố cung cấp nên cũng thuận tiện hơn so với trước đây.
Nhà báo Đinh Quốc Hồng từng công tác qua nhiều cơ quan Báo chí Trung ương, địa phương, như ở Báo Lào Cai rồi Báo Nhân Dân, Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học. Với hơn 30 năm gắn bó với nghề làm báo ở Lào Cai, từng trải trong hoạt động báo chí, đi qua nhiều vùng gian khó khi tác nghiệp ở miền núi, nhà báo Đinh Quốc Hồng luôn thấu hiểu những vùng đất gian khó, những cung đường gập ghềnh nơi đây, nhất là vào mùa mưa lũ.
Nhà báo Đinh Quốc Hồng bộc bạch: Mặc dù tôi đã nghỉ hưu ở Báo Nhân Dân nhưng còn sức khoẻ là còn phải cống hiến cho quê hương. Hiện nay, mưa lũ khắp nơi làm phóng viên là phải nắm bắt kịp thời để đưa thông tin trung thực, khách quan, nhanh nhất, chính xác nhất.
Những địa phương nào đi được là phải lên xe và lên đường tác nghiệp ngay, những nơi bị cô lập do sạt lở ách tắc giao thông thì có lãnh đạo các địa phương gửi thông tin, hình ảnh qua zalo để nắm được. Đồng thời, kịp thời phản bác những thông tin xuyên tạc về mưa lũ để tránh gây hoang mang cho dư luận. Tuân thủ chỉ dẫn của các lực lượng chức năng về cảnh báo khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét... Bên cạnh đó, phải phát hiện những câu chuyện hay, xúc động từ những nơi bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Một người đồng nghiệp của tôi ở Lai Châu, anh Nguyễn Tuấn Hùng, phóng viên Báo Nông thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt trong lúc Lào Cai đang gặp muôn vàn khó khăn khi gồng mình chống lũ muốn sang để hỗ trợ tôi tác nghiệp. Nhưng tuyến đường quốc lộ 4D Sa Pa – Lai Châu đang bị sạt lở tại đèo Ô Quý Hồ và nhiều điểm khác chưa thể thông tuyến do mưa vẫn chưa tạnh.
Anh Nguyễn Tuấn Hùng tâm sự: Muốn sang Lào Cai hỗ trợ tác nghiệp lắm chứ nhưng hiện tại đường từ Lai Châu sang Sa Pa xuống TP. Lào đang ách tắc nên phải mất nhiều tiếng đồng hồ mới sang được.
Chúng tôi chỉ mong hoàn lưu cơn bão số 3 sớm qua đi, trời hửng nắng trở lại để bà con đỡ vất vả, yên tâm lao động sản xuất, ổn định đời sống.
Còn những phóng viên thường trú, phụ trách địa bàn như chúng tôi sẽ tiếp tục hành trình công việc của mình viết lên những câu chuyện hay, xúc động vùng rốn lũ... đến cho bạn đọc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.