“Nỗi oan” cây lúa vùng phóng xạ Fukushima

Minh Nguyệt (từ Fukushima) Thứ hai, ngày 15/09/2014 07:03 AM (GMT+7)
Ba năm sau thảm họa kinh hoàng: Động đất, sóng thần và rò rỉ phóng xạ tại Nhà máy Dai-ichi, nhiều làng quê của tỉnh Fukushima (Nhật Bản) vẫn chưa thoát khỏi bóng “thần chết”. Trong khi đó, những tranh cãi khoa học liên quan tới việc có hay không thực phẩm nông nghiệp bị nhiễm phóng xạ vẫn là câu chuyện được quan tâm nhất lúc này. 
Bình luận 0

Một câu hỏi lớn là: Vì sao các nhà khoa học khẳng định thực phẩm không bị nhiễm phóng xạ, nhưng người dân lại không dùng thực phẩm tự cung? 80% thực phẩm được sản xuất nơi đây được dùng để xuất khẩu trong và ngoài nước.

Thay lúa bằng hoa

Nền nông nghiệp vốn là niềm tự hào của người Fukushima nay đã bị phá hủy hoàn toàn bởi sự tẩy chay của người tiêu dùng. Thảm họa kép đã khiến nền sản xuất lúa gạo tại Fukushima giảm 15% so với trước và tụt xuống vị trí thứ 7 trong ngành sản xuất lúa gạo ở Nhật Bản.

Theo ông Shigeru FUKAYA – nguyên Phó Thị trưởng thị trấn Miharu, (cách Nhà máy Dai-ichi – nơi xảy ra sự cố hơn 100km) cho biết: “Thị trấn có 17 nghìn người, phần lớn là dân cư làm nông nghiệp. Sau thảm họa, mặc dù diện tích canh tác, cũng như sản lượng nông nghiệp không thay đổi nhiều nhưng giá trị sản phẩm bán ra đã giảm 20% so với trước đó”.

Tại trung tâm mua sắm thị trấn Miharu, khung cảnh đã không còn nhộn nhịp. Chỉ có 40% thực phẩm được bày bán, chủ yếu là củ quả, hoa, rong biển…“Một năm trở lại đây, người dân địa phương cũng đã bắt đầu lựa chọn thực phẩm địa phương để tiêu dùng, nhưng số lượng rất ít” – một nhân viên bán hàng tại trung tâm này cho biết.

Theo ông Fukaya, để có thể chống chọi với những khó khăn, người dân đã thay đổi cơ cấu cây trồng, thay vì trồng lúa (cây trồng chủ đạo) chuyển sang trồng hoa, cây có quả.

Anh Kaoru Tanji (29 tuổi) sống cùng cha mẹ tại Minami Sona (Fukushima) nói: “Tôi hoàn toàn không lo ngại về thực phẩm, tôi tin là nó an toàn, nhưng cha mẹ tôi họ không tin vào điều đó. Chính vì vậy, họ buộc tôi phải mua gạo có nguồn gốc từ nơi khác” – Tanji nói.

Không riêng thị trấn Miharu, ngôi làng Idate (cách vành đai nóng 20km) là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Làng có 15.000 dân, sau thảm họa nơi đây trở thành ngôi “làng chết”. Ruộng đất bỏ hoang, xe ô tô vứt đầy đường, các loại máy nông nghiệp phơi xác ngoài mưa nắng… Phần lớn dân ở ngôi làng này đã chết hoặc đi sơ tán. Họ không về vì không tìm được việc làm, bởi sản phẩm nông nghiệp làm ra không bán được do nước, đất và cả không khí bị nhiễm phóng xạ.

Nỗ lực đưa nông dân trở lại ruộng đồng

Ông Ryugo Hayano– giáo sư vật lý ĐH Tokyo đã công bố những nghiên cứu liên quan tới việc ô nhiễm nguồn nước, đất do phóng xạ Cesium 137 gây ra (yếu tố trực tiếp gây ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp). Các nghiên cứu trên chỉ ra rằng ô nhiễm phóng xạ trong nguồn đất, nước, không khí đã giảm so với trước đó. GS Hyano khẳng định, cây trồng và lúa đã không chịu tác động của phóng xạ.

“Chúng tôi lực chọn giải pháp lọc nước, tăng phân bón giàu chất kali để trồng lúa. Nếu cung cấp đủ kali, cây lúa được cung cấp đủ dưỡng chất thì sẽ không cần lấy dưỡng chất từ nguồn đất nhiễm phóng xạ” – ông Hayano nói về các giải pháp làm giảm nguồn phóng xạ. Cũng theo ông này vì nguồn đất của Fukushima là nguồn đất sét nên dù bị nhiễm phóng xạ, nhưng nguồn đất này vẫn rất an toàn cho cây trồng và nguồn nước vì nó có thể giữ được phóng xạ mà không bị rửa trôi. Với những nổ lực trên, nhiều nông dân đã quay lại với ruộng đồng, ngành sản xuất lúa gạo đang dần được phục hồi.

Để chứng minh, GS Hayano đưa ra báo cáo về việc kiểm soát lượng phóng xạ trong gạo. Trong 3 năm Fukushima đã tiến hành kiểm tra phóng xạ trong hơn 10 triệu bao gạo. Kết quả cho thấy, lượng phóng xạ trong các bao gạo chỉ ở mức 71Bq/1kg, thấp hơn nhiều so với mức giới hạn quy định của chính phủ là 100Bq/kg gạo. Bất chấp những khó khăn, cuối tháng 8.2014, 300kg gạo trồng ở Fukushima đã được xuất khẩu sang Singapore- là những lô gạo đầu tiên từ Fukushima được đưa ra thị trường thế giới kể từ sau sự cố tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima tháng 3.2011. Trước đó, tháng 1.2013, Chính phủ quyết định dùng gạo này cho trẻ em ăn. Kết quả kiểm tra nhiễm xạ cho thấy mức độ nhiễm xạ ở trẻ em không hề tăng lên.

“Tôi cảm thấy bớt hoang mang hơn và chúng tôi vẫn sử dụng thực phẩm ở đây vì chồng tôi và các nhà khoa học nói thực phẩm ở đây là an toàn. Chúng tôi sẽ vẫn ở lại đây và không có ý định dời đi”- một người dân tại thị trấn Miharu (Fukushima) nói.

 Tạp chí khoa học SCIENCE, số ra ngày (7.9.2012) công bố bài viết liên quan tới “Xây dựng niềm tin công chúng đối với quyết định của các nhà khoa học” của 2 tác giả là GS Arimoto và GS Yasushi đã cho thấy sự bất đồng sâu sắc trong quan điểm của người dân với nhà khoa học và Chính phủ. Cũng chính bởi lẽ đó, mà người dân đã không còn tin tưởng vào các kết luận khoa học và quay lưng lại với các sản phẩm nông nghiệp. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem