Tỏi tăng giá trở lại
Vụ đông xuân 2012 - 2013, như NTNN đã thông tin, tình trạng nắng nóng kéo dài khiến người trồng tỏi ở Lý Sơn thêm phần vất vả và phải tăng chi phí do phải liên tục chạy máy bơm tưới nước cho các khu ruộng. Một nỗi lo nữa của nông dân là vụ tỏi đông xuân vẫn chưa trị dứt điểm tình trạng rầy đã tàn phá vụ tỏi trước, nên có thể năng suất đạt không cao, khiến thu nhập của bà con giảm theo.
“Vụ tỏi vừa rồi ở Lý Sơn chỉ đạt năng suất 28 tạ/ha. Tình hình sản xuất vụ đông xuân 2012 - 2013 vẫn còn nhiều khó khăn nên dự tính sản lượng cũng tương tự vụ trước. Vụ này nông dân toàn huyện chúng tôi sản xuất 296ha tỏi” - bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho NTNN biết.
|
Nông dân xã An Vĩnh chăm sóc tỏi vụ đông xuân 2012 - 2013. |
Ông Võ Thành Xuân ở xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn - người đang trồng 5 sào tỏi, cho biết, dù sản xuất vụ này vẫn còn khó khăn do dịch bệnh, thời tiết bất lợi nhưng ông và các hộ khác cũng được “an ủi” phần nào nhờ giá tỏi đã tăng trở lại. Tỏi tăng giá một phần do nguồn cung sụt giảm, nhưng quan trọng là việc các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc ngăn chặn tình trạng tỏi được trồng ở đất liền rồi mang ra đảo trộn chung với tỏi Lý Sơn bán cho người tiêu dùng... Chị Dương Thị Ngoa (xã An Vĩnh) cho hay, hiện tỏi tươi bán được 70.000 đồng/kg, còn tỏi khô là 120.000 đồng/kg (giữa năm 2012, 1kg tỏi khô loại 1 chỉ bán được 60.000 - 65.000 đồng, loại 2 và 3 từ 45.000 - 55.000 đồng).
Giữ gìn, phát huy thương hiệu
Tỏi Lý Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận thương hiệu tập thể từ năm 2009. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương, nhờ có thương hiệu, tỏi Lý Sơn đã được tiêu thụ mạnh hơn, kéo theo giá bán tăng nhanh. “Chúng tôi đang nỗ lực quảng bá sản phẩm đặc sản này rộng rãi hơn trong nước và cả nước ngoài” - bà Hương cho biết.
“Có thương hiệu, chính quyền và nông dân cũng ý thức hơn trong việc quản lý chặt chẽ khâu sản xuất, tiêu thụ, bảo vệ thương hiệu Tỏi Lý Sơn”.
Bà Phạm Thị Hương
Trò chuyện với nhiều nông dân trồng tỏi cũng khẳng định quyết tâm gìn giữ, bảo vệ và phát huy thương hiệu “Tỏi Lý Sơn”, bởi đó chính là nguồn sống của gia đình họ. Mong muốn của bà con là được chính quyền hỗ trợ khâu chế biến và bảo quản sản phẩm để có thể bán tỏi được đều trong năm, thay vì thu hoạch và phơi khô rồi bán đồng loạt vào một thời điểm như hiện nay.
Về vấn đề này, bà Phạm Thị Hương cho biết: Mới đây, huyện cùng Hội Sản xuất, kinh doanh và chế biến hành tỏi Lý Sơn đã đề xuất tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ thiết bị hoặc xây dựng nhà máy sấy, chế biến nhằm tăng thời gian bảo quản tỏi lên 1 năm hoặc lâu hơn, từ đó tăng giá trị sản phẩm.
Nhật Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.