Nước mắt hòa trong lũ
Từ thị trấn Thất Khê, mất khoảng 30 phút, tôi có mặt tại Nà Ao 2, xã Đề Thám (Tràng Định). Dấu vết cơn lũ lịch sử để lại vẫn còn in rõ trên tường nhà của từng hộ dân, trên cột điện và trên những ngọn cây chuối. Tất cả vẫn còn một màu vàng nâu của đất bùn bám lại…
Trong căn nhà chưa đầy 20m2, nóng hầm hập, ông Long Văn Tít (66 tuổi), bản Nà Oa 2 đang nằm chỏng khoeo trên cái giường ọp ẹp, vì ngâm mấy ngày trong nước, chăn màn vẫn còn ẩm ướt bốc mùi hôi hôi rất khó chịu. Bà Đường Minh Phương vợ ông Tít đang loay hoay dọn dẹp những vật dụng còn sót lại.
Bà Phương nước mắt ngắn nước mắt dài kể: “Gia đình tôi thuộc hộ nghèo nhiều năm nay, ông ấy thì bị tai biến liệt 5 năm rồi, chỉ con tôi lao động nuôi chồng, bố chồng 90 tuổi và hai đứa cháu nội vì bố cháu mất sớm, mẹ cháu đi làm ăn xa. Vụ này cả thảy được 8 bao lúa, tôi vừa phơi khô xong đang để ở góc nhà. Hôm lũ về, tôi chỉ kịp gọi con cháu đến cõng nhà tôi và bố chồng đi. Nhà cửa tạm bợ, lũ ập vào phá tan, 8 bao lúa trôi mất 5, may còn 3 bao mắc lại sau nhà. Trắng tay rồi chú ơi”.
Không nằm trong diện hộ nghèo như gia đình ông Tít, bà Phương, nhưng gia đình ông Hoàng Văn Thi (thôn Nà Chùa, xã Hùng Sơn, Tràng Định) cũng có hoàn cảnh khá đặc biệt. Ông Thi là thương binh 1/4, gia cảnh dù khó khăn, nhưng ông vẫn cố gắng nuôi hai con ăn học. Để có tiền cho con ăn học, ông đã nhận thầu với thôn một mẫu ao để thả cả. “Đầu năm tôi vay 20 triệu đồng ngân hàng để mua cá giống thả, khi cá đang chuẩn bị xuất thì gặp lũ. Kể cũng lạ, ở đây chỉ mưa lất phất, nhưng không hiểu sau nước lũ về nhanh thế. Chỉ nửa buổi sáng ngày 20.7 nước đã ngập trắng làng. Đứng trên gò cao, nhìn đàn cá tràn qua bờ theo lũ mà tôi không sao cầm được nước mắt”.
Ông Thi lo lắng rồi đây sẽ lấy tiền đâu để trả ngân hàng, để mua giống thả lứa mới và khổ tâm hơn là lấy tiền đâu để nuôi hai đứa con đang học đại học. “Vợ tôi nhiều đêm cứ ngồi khóc. Có lẽ bà ấy lo sắp đến ngày gửi tiền học cho con rồi, nhưng chưa biết xoay xở nguồn nào” – ông Thi nói rồi trầm ngâm vò trán.
Nhà giàu cũng… khóc
Đó chỉ là vài hộ trong số hàng chục, hàng trăm hộ có hoàn cảnh khó khăn gặp hoạn trong cơn bão “Thần Sấm” đáng sợ này. Tuy nhiên, nhiều gia đình có kinh tế khá giả cũng đang đứt từng khúc ruột khi bị mưa lũ tàn phá bao của cải, lương thực của họ.
Đang loay hoay thau lại giếng nước, ông Nguyễn Văn Kính, thôn Keo Lày, xã Đề Thám (Tràng Định), một trong những người chịu thiệt hại lớn nhất về thủy sản ở xã Đề Thám buồn rầu: “Với 1.100m2 ao, tôi nuôi hơn 6.000 con cá, trong đó đa số là cá chiết giá trị cao (160.000 đồng/kg), 2.000 cá chép đỏ, 200 cá vược… hầu hết đều đến kỳ thu hoạch, đạt trung bình khoảng 1 – 2 kg/con, ước thiệt hại khoảng 250 – 300 triệu đồng”. Không chỉ vậy, ông Kính còn mất trắng 4 sào ngô và nhiều vật dụng khác bị ngập trong nước.
Mặc dù cơ sở đồ gỗ, két sắt của anh Phạm Quốc Oai nằm giữa thị trấn Thất Khê (Tràng Định) tưởng chừng nước lũ sẽ không “ghé thăm”, nhưng do nước lên quá nhanh làm anh Oai trở tay không kịp. Anh Oai cho biết, cơ sở của anh có hai kho, một kho đệm mút và một kho đồ gỗ nội thất, két sắt. Do số lượng hàng nhiều, khi nước lên mặc dù anh đã huy động tới 20 người, nhưng cũng chỉ cứu được kho đệm mút, còn nguyên kho đồ gỗ nội thất bị ngập sâu trong nước lũ.
Chỉ tay vào những bộ bàn ghế, tủ đã bị nước lũ phá hỏng, anh Oai xót xa cho hay: “Trận lụt năm 2008, nước cũng ngập đến thị trấn Thất Khê, tuy nhiên khi đó gia đình tôi đã sơ tán kịp. Lần này mọi thứ đều rất bất ngờ, một phần vì Lạng Sơn không phải tâm bão, ở đây lại mưa rất nhỏ, nên khi nước lũ về mọi người trở tại không kịp. Hơn 100 tủ gỗ ép, 40 bàn phấn, giá sách, 40 két sắt, 10 cái kệ kính và hàng chục bộ bàn ghế khác đều hỏng hết”.
Anh Oai cho biết, vợ chồng anh tiếc nhất là bộ bàn ghế gỗ hương trị giá tới 31 triệu đồng. “Đây là bộ đắt nhất, còn các bộ khác trung bình từ 1,5 – 5 triệu đồng, tính ra trận này tôi mất toi 500 triệu đồng” – anh Oai nhẩm tính.
Lũ các sông đang rút
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, đến ngày 22.7 do các tỉnh trời ngớt mưa, nước trên các sông đang rút nên hầu như không có phát sinh thiệt hại về người và của. Hiện công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 2 vẫn đang được các địa phương tích cực triển khai. Tại Lạng Sơn hiện còn tỉnh lộ lên Mẫu Sơn vẫn tắc; tại Lai Châu, tỉnh lộ 129 bị sạt lở gây ách tắc giao thông, hiện chưa thông xe. Trưa 23.7, từ xã biên giới Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên), thiếu tá Phương Công Quý- Đồn trưởng Đồn biên phòng Nà Hỳ cho biết, do mưa lũ quá lớn nên cây cầu treo Sam Lang đã bị hư hỏng không thể đi lại được. Thanh Xuân
Công điện của Thủ tướng Chính phủ: Không để người dân nào bị đói, khát
Trong ngày 23.7, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 2. Để khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại; hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng người thiệt mạng; cứu trợ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị mất nhà cửa, đảm bảo không để người dân nào bị đói, khát; tiếp tục rà soát, chủ động di dời các hộ dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét để đảm bảo an toàn tính mạng; chỉ đạo lực lượng cán bộ y tế hỗ trợ nhân dân đảm bảo vệ sinh môi trường sau khi lũ rút… T.Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.