Một hình ảnh do máy tính tạo ra cho thấy hành tinh có thể ở được như thế nào.
Theo Daily Mail, các nhà khoa học tại Đại học London cho biết, hành tinh nằm ngoài hệ Mặt trời của chúng ta có khả năng sinh sống được.
Cụ thể, ngoại hành tinh K2-18b có kích thước gấp đôi và khối lượng lớn gấp 8 lần Trái đất đồng thời thuộc nhóm siêu Trái đất hay còn gọi là tiểu sao Hải Vương. Nó quay xung quanh một ngôi sao lùn đỏ ở cách Trái đất 110 năm ánh sáng trong chòm sao Leo. Hành tinh này được phát hiện lần đầu tiên năm 2015 bởi tàu vũ trụ Kepler của NASA.
K2-18b ở gần sao chủ hơn Trái đất nên nó hoàn thành một vòng quỹ đạo chỉ trong 33 ngày trong khi Trái đất là 365 ngày. Nhưng ngôi sao lùn đỏ cũng lạnh hơn nhiều Mặt Trời. Dựa trên tính toán, nhóm nghiên cứu cho rằng hành tinh nhiều khả năng có nhiệt độ tương tự Trái đất. Tuy nhiên, ngôi sao lùn đỏ đang hoạt động, do đó K2-18b có thể tiếp xúc với nhiều bức xạ hơn Trái đất.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu lưu trữ do kính viễn vọng không gian Hubble thu thập trong hai năm 2016 - 2017, bao gồm ảnh chụp ngoại hành tinh đi qua phía trước ngôi sao chủ và tìm thấy dấu hiệu của hơi nước trong khí quyển khi nhập dữ liệu vào thuật toán. Họ cũng quan sát được hydro và heli, hai nguyên tố dồi dào nhất trong vũ trụ. Nhóm nghiên cứu cho rằng những nguyên tố như nitơ và methane có thể tồn tại trong khí quyển của K2-18b.
Việc phát hiện hơi nước trong khí quyển của K2-18b khiến các nhà nghiên cứu đặc biệt hứng thú do ngoại hành tinh cũng nằm trong khu vực có thể sinh sống tính từ sao chủ với nhiệt độ phù hợp để nước lỏng tồn tại trên bề mặt và hỗ trợ sự sống sinh sôi. Kết quả nghiên cứu được công bố hôm 11/9 trên tạp chí Nature Astronomy.
"Phát hiện của chúng tôi biến K2-18b thành một trong những mục tiêu thú vị nhất để nghiên cứu trong tương lai. Hơn 4.000 ngoại hành tinh đã được phát hiện nhưng chúng tôi không biết nhiều về thành phần cấu tạo và bản chất của chúng. Thông qua quan sát một lượng lớn hành tinh, chúng tôi hy vọng có thể lý giải cấu tạo hóa học, quá trình hình thành và tiến hóa của chúng", Giovanna Tinetti, đồng tác giả nghiên cứu kiêm thành viên dự án ARIEL, cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.