“Ông Phụ sáng chế” từ phế liệu...

Thứ năm, ngày 09/01/2014 09:28 AM (GMT+7)
Từ sắt phế liệu, ông thu về tiền tỷ qua việc sáng chế ra hàng loạt máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp và xây dựng có tính năng ưu việt gấp nhiều lần so với các loại máy trên thị trường.
Bình luận 0
img

Ông là Trần Quang Phụ ở xã Quảng An (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế), người dân nơi đây quen gọi ông là “ông Phụ sáng chế”.

Phải sau nhiều lần tìm về thôn An Xuân của xã Quảng An tôi mới gặp được ông, bởi hầu như ngày nào ông cũng bận túi bụi với việc sáng chế. “Không phải tui ham giàu mà vì khách hàng họ “réo” dữ quá, mình cung hàng chậm là gây thiệt hại cho người ta” - ông giải thích.

Ngoài việc sáng chế ra máy móc, ông còn dốc lòng giúp người nghèo khó qua việc truyền nghề, tạo việc làm và cho vay vốn.

Bỏ lương cao để về quê

Ông Phụ sinh năm 1949 trong một gia đình thuộc diện bần cùng nhất ở Quảng An. Cả nhà phải chạy ăn từng bữa, nhưng bố mẹ ông vẫn quyết tâm nuôi ông ăn học. Chăm học, lại thông minh nên ông học rất giỏi. Vậy nhưng, khi mới đến lớp 5 thì ông phải đội tang bố. Bố ông qua đời do bị một trận ốm nhưng không có tiền lo thuốc thang. Cùng thời điểm này, mẹ ông cũng ngã bệnh vì lao lực quá sức. Tình cảnh bi đát đó khiến sự học của ông đứt gánh giữa đường.

Máy bơm nước do ông Phụ chế tạo có nhiều tính năng vượt trội hơn máy bơm nước của Nhật Bản.
Máy bơm nước do ông Phụ chế tạo có nhiều tính năng vượt trội hơn máy bơm nước của Nhật Bản.

Ông quyết định tìm cho mình một nghề kiếm sống. Bao năm chứng kiến sự vất vả của người nông dân quê nhà khi vật lộn với ruộng đồng bằng sức người, ông nghĩ mình phải tìm một nghề vừa có thể làm giàu cho bản thân, vừa giúp ích được người nông dân. Sau một thời gian trằn trọc suy nghĩ, ông quyết định khăn gói lên TP.Huế học nghề cơ khí. Vốn tính thông minh, học một biết mười, chỉ sau một thời gian ngắn theo học, ông đã trở thành một thợ giỏi có biệt tài sáng chế.

Năm 1975, mặc dù đang được chủ trả lương hậu hĩnh, nhưng ông xin về quê để dùng khả năng sáng tạo của mình giúp người nông dân quê nhà. “Lúc đó ông chủ tha thiết xin tôi ở lại và hứa sẽ tăng lương lên gấp nhiều lần. Nhưng nghĩ đến hình ảnh người dân quê bốn mùa khổ cực do không biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tôi đã quyết tâm trở về” - ông kể. Nghĩ là làm, ông trở về quê rồi vay vốn thành lập một xưởng chế tạo cơ khí ngay tại nhà mình và tuyển thợ về làm.

Bậc thầy của kỹ sư giỏi

Ban đầu, ông bắt tay vào sáng chế máy bơm nước để giúp người dân ở xã cũng như trên địa bàn huyện có máy móc đấu úng cho ruộng đồng. Ở thời điểm đó, trên thị trường có bán loại máy bơm nước của Nhật Bản sản xuất nhưng giá rất cao, chỉ nhà rất giàu mới mua được. Trong khi đó, loại máy này đạt năng suất bơm nước thấp, tốn nhiên liệu và mau hỏng. Sau khi tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến những nhược điểm của loại máy bơm trên, ông tiến hành sáng chế ra một loại máy bơm ưu việt hơn rất nhiều lần.

“Máy bơm của tôi làm kích thước và vòng quay của chong chóng đẩy nước lớn hơn, phần vỏ bơm giúp tạo ra một lực nén rất mạnh, nên giúp nén nước lên cao và nhiều hơn. Trong vòng 1 giờ, máy này bơm được khoảng 600m3 nước, cao gấp đôi máy của Nhật, trong khi nhiên liệu tiêu hao chỉ bằng ½ máy của Nhật” - ông Phụ giới thiệu.

Với những tính năng ưu việt trên, lại có giá rẻ hơn máy của Nhật từ 8- 10 lần, nên máy bơm của ông rất được ưa chuộng. Thương hiệu ông Phụ bắt đầu vang xa sau khi loại máy bơm thần kỳ này ra đời. Cho đến thời điểm hiện tại, máy bơm do ông chế tạo vẫn độc quyền và vẫn chưa có loại máy bơm nào trên thị trường ưu việt hơn. Vì vậy loại máy này vẫn bán rất chạy khắp các vùng miền, mỗi năm có đến hàng nghìn máy được xuất xưởng.

Sau máy bơm, ông tiếp tục sáng chế hàng loạt loại máy khác như máy sục khí thủy sản, máy thổi lúa, xay xát, máy múc đất, phà đổ đất tự động... Tất cả những loại máy này đều được làm từ sắt vụn, độ bền cao, tính năng vượt trội và hơn cả là giá thành rẻ hơn nhiều các loại máy khác, nên được khách hàng khắp nơi tin dùng. Trong đó, máy múc đất của ông là loại máy đa năng, có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện. Máy sử dụng được cả trong nông nghiệp và xây dựng, bất kể điều kiện địa hình phức tạp. Có được ưu thế đó là do máy này có cần tự động, có thể múc đất xa nhất là 30m, trong khi máy múc đất của Nhật không có cần tự động và chỉ có thể múc đất trong giới hạn 5m.

Hiện hầu hết các công trình lớn trên địa bàn tỉnh cũng như ở nhiều địa phương khác tại miền Trung đều thuê máy múc đất và phà đổ đất tự động của ông Phụ. Nhiều nơi khác người ta thuê ông đến chế tạo máy phù hợp với yêu cầu của công trình.

Từ lâu, cái tên “ông Phụ sáng chế” đã gắn liền với hàng loạt công trình quan trọng ở khu vực miền Trung, như nạo vét các dòng sông ở Huế, làm dầm móng các cầu Bến Hải (Quảng Trị), cầu sông Gianh (Quảng Bình) cho đến nhiều công trình lớn khác ở Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An... “Tôi vừa bán mấy cái máy múc đất cho nhiều doanh nghiệp ở khu vực miền Trung với giá hơn 300 triệu đồng/chiếc. Hiện tôi đang sản xuất thêm mấy máy nữa theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp”- ông Phụ cho biết thêm.

Ngoài thời gian làm việc tại xưởng cơ khí, ông còn liên tục được các công ty, doanh nghiệp “bắt cóc” khi họ có nhu cầu sửa chữa máy móc hay chế tạo các loại máy đa năng, thông minh.

Ông cũng đã rất nhiều lần được mời ra Nghệ An, Hà Nội và vào tận TP.Hồ Chí Minh sửa chữa các loại máy móc phức tạp mà các kỹ sư giỏi bó tay. Rồi thỉnh thoảng ông bị “làm phiền” bởi các đoàn kỹ sư tìm về xin học hỏi kinh nghiệm chế tạo, sửa chữa máy móc. Năm nào cũng có mấy đoàn kỹ sư ở TP.Hồ Chí Minh ra hay Hà Nội vào học hỏi tay nghề của ông. “Họ được đào tạo bài bản qua trường lớp nhưng khi tận mắt chứng kiến khả năng sáng chế và sửa máy móc của tui ai cũng bất ngờ”- ông Phụ kể.

Giàu để giúp đỡ người nghèo

Với những thành tích xuất sắc trong sáng chế máy móc, ông đã nhiều lần là một trong những gương nông dân có sáng kiến hay, chế tạo giỏi được Trung ương tuyên dương. Ông bảo, được tuyên dương thì ai cũng mừng, nhưng điều ông mừng nhất là những sáng chế của ông đã giúp nhiều cho người dân, nhất là những người nông dân chân lấm tay bùn.

Sau gần 40 năm miệt mài với những sáng chế máy móc từ sắt phế liệu, ông đã trở thành một tỷ phú. Ông tâm sự: “Ở quê mình vẫn còn nhiều người nghèo lắm, mà để giúp đỡ họ không thể chỉ bằng tình cảm thôi được, vì thế tôi tâm niệm mình phải giàu lên, có tiền mới giúp đỡ mọi người được”.

Trong suốt thời gian qua, ông không nhớ nổi mình đã giúp bao nhiêu hoàn cảnh nghèo khó ở quê hương vươn lên thoát nghèo. Hiện xưởng cơ khí của ông đang tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động với thu nhập cao.

Đây cũng là địa chỉ đào tạo nghề miễn phí cho nhiều thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, đã có rất nhiều nông dân trên địa bàn huyện Quảng Điền được ông tận tình giúp đỡ về vốn và kỹ thuật để phát triển sản xuất, nhất là những hộ nuôi trồng thủy sản.

Ông kể, những năm vừa qua, ông đã giúp rất nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn đào và cải tạo hồ nuôi, đến mùa thu hoạch mới nhận tiền công giá rẻ. Trong đó, nhiều hộ nuôi tôm do bị dịch bệnh dẫn đến khó khăn đã được ông xóa nợ. Nhiều hộ ông cho vay vốn đến hàng trăm triệu đồng nhưng khi họ làm ăn không may mắn thì ông không đòi lại tiền. “Mình có điều kiện hơn, không giúp đỡ thêm được họ thì thôi sao đành lòng làm họ thêm khó khăn”- ông giải thích việc làm của mình.
An Sơn (An Sơn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem