Một tuần công chiếu ở rạp Kim Đồng và Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (Hà Nội), các suất chiếu của “Người trở về” - phim lấy nước mắt khán giả của đạo diễn thế hệ 8X Đặng Thái Huyền - đều chật kín người xem. Thậm chí, trong ngày cuối cùng, suất chiếu khó có người xem là lúc 8 giờ cũng không còn một ghế trống. Thế nhưng, hỏi đến việc bao giờ phim sẽ ra mắt rộng rãi khán giả cả nước, câu trả lời dường như là quá khó với những người làm phim.
Chiếu một buổi rồi mất hút
Sự khó khăn ấy không phải chỉ dành riêng cho ê-kíp làm phim “Người trở về”. Trước đó, bộ phim “Trung úy” của đạo diễn Hà Sơn cũng chỉ trình chiếu một buổi trong khuôn khổ Liên hoan Phim (LHP) Quốc tế Hà Nội lần thứ nhất năm 2010 rồi mất hút. Cha đẻ của “Trung úy” đã vài lần tuyên bố sẽ tìm mọi cách để phim có thể ra rạp nhưng đến nay, sau 5 năm, bộ phim này vẫn nằm trong kho, không biết đến bao giờ khán giả mới được xem.
Cảnh trong phim “Ngày trở về”. (Ảnh do đoàn phim cung cấp)
“Tôi vẫn không hiểu tại sao phim của mình dù đã có giấy phép phát hành mà lại không được chiếu. Tôi đi hỏi nhiều nơi nhưng không nhận được câu trả lời” - đạo diễn Hà Sơn băn khoăn. Ông cho biết rất buồn vì đứa con tinh thần của mình không được ra mắt khán giả, để có thể nghe những lời nhận xét hay - dở khách quan nhất từ chính người xem. Ở buổi chiếu trong khuôn khổ LHP Quốc tế Hà Nội 2010, phòng chiếu phim “Trung úy” đông nghẹt người xem.
Đạo diễn Đặng Thái Huyền cho rằng nếu không có lòng yêu nghề, tâm huyết với dòng phim chiến tranh như là một sự tri ân đối với thế hệ đi trước thì ít ai muốn theo đuổi nó. “Nếu bộ phim làm ra lại không được đến với đông đảo khán giả, tôi nghĩ không chỉ là tiếc mà đúng hơn là buồn và đau lòng” - Đặng Thái Huyền bày tỏ.
Ra rạp: Con đường gian nan
Rất nhiều phim do nhà nước đặt hàng đã rơi vào tình trạng bi đát là không phát hành được. Không kể những phim quá dở, nhiều bộ phim được đánh giá cao cũng lâm vào tình cảnh này, gây lãng phí ngân sách vì nhà nước tài trợ, đặt hàng.
Một câu hỏi được đặt ra lâu nay: Phải chăng đây là hậu quả của cách làm phim cũ? Tức là phim do nhà nước tài trợ, đặt hàng chưa quen với việc tìm đường phát hành. Hay là vì phim nhà nước đặt hàng, làm bằng tiền ngân sách nên không quan tâm đến chiếu thương mại để thu hồi vốn?
Đạo diễn Đặng Thái Huyền cho rằng những bộ phim được nhà nước đặt hàng để phát hành nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm được làm từ tiền ngân sách nên đương nhiên không thể chiếu thương mại để thu tiền. Đấy là sứ mệnh của những bộ phim khi được làm là để phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, việc không đến được với khán giả có nhiều nguyên nhân, như: phim quá khô cứng, nặng tính tuyên truyền, giáo dục nên người xem khó tiếp nhận; cách kể quá cũ, sáo mòn…, đặc biệt khâu quảng bá cho phim của các hãng nhà nước làm bằng vốn tài trợ, đặt hàng quá kém; nói đúng hơn là không có, không hiệu quả. Người dân không nắm được thông tin về bộ phim ngay cả khi nó đã hoặc đang công chiếu. Trong thời buổi truyền thông phát triển như hiện nay, đó là thiệt thòi quá lớn của dòng phim này.
“Khán giả luôn là những giám khảo công tâm và công bằng nhất. Con đường tiếp cận khán giả có thể vất vả, gian nan nhưng ít nhất chúng tôi cũng không để bộ phim đã đổ biết bao tâm huyết, công sức của cả tập thể nghệ sĩ lại rơi vào quên lãng hoặc không được nhiều người biết tới” - đạo diễn phim “Mười ba bến nước” quả quyết.
Giao phim phải tính đến phát hành?
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đặt vấn đề: Khi giao phim cho các hãng sản xuất, nhà nước cần phải tính đến cả hiệu quả phát hành thay vì đạo diễn phải đi liên hệ với các nhà phát hành một cách khổ sở như lâu nay. Rõ ràng, chức năng của đạo diễn là làm phim chứ không phải là phát hành - một công việc quá khó so với họ.
Đạo diễn Đặng Thái Huyền cho rằng vì quá yêu đứa con tinh thần của mình, khao khát muốn giới thiệu đến công chúng nên nhiều đạo diễn đã chủ động, tích cực trong việc liên hệ, tổ chức buổi chiếu. Tuy nhiên, đó là cách làm không có hiệu quả lâu bền.
Đồng tình với đạo diễn đàn anh, Đặng Thái Huyền chia sẻ quan điểm khi sản xuất phim, nhà nước nên tính tới khâu phát hành và những lợi ích kinh tế có được nếu phim được phát hành rộng rãi. “Nói là như vậy nhưng để thực hiện là cả một chặng đường rất dài vì rất nhiều vấn đề liên quan” - đạo diễn phim “Người trở về” nhận xét.
Trên thực tế, dù nhận được những phản hồi tích cực từ báo giới và khán giả sau 6 buổi chiếu tại Hà Nội nhưng mong muốn được giới thiệu bộ phim “Người trở về” tới khán giả và công chúng cả nước vẫn đang là khao khát của ê-kíp làm phim cũng như trăn trở từ phía lãnh đạo điện ảnh quân đội.
Đạo diễn tự lo phát hành
“Những người viết huyền thoại”, bộ phim giành đến 6 giải quan trọng ở LHP Quốc gia lần thứ 18 (Bông sen vàng cho phim, giải nam nữ diễn viên xuất sắc nhất, kịch bản, bối cảnh xuất sắc nhất và giải khán giả bình chọn) của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, cũng gặp không ít trắc trở trên con đường đi tìm khán giả. Đạo diễn bộ phim đã phải chủ động gặp gỡ các nhà tài trợ để có tiền đem phim vào TP HCM chiếu 2 buổi dành cho báo chí, các đối tác phát hành, đồng nghiệp bởi Hãng phim Truyện Việt Nam, đơn vị sản xuất, không có kinh phí cho việc này. Chính nhờ có 2 buổi chiếu này cộng với những nhận xét rất thiện cảm từ báo chí, đạo diễn Bùi Tiến Dũng và nhà phát hành BHD đã gặp nhau.
Rõ ràng, nếu đạo diễn không chủ động mang sản phẩm đi chào hàng các nhà phát hành, phim chiến tranh cách mạng rất khó có thể đến được với khán giả dù sự chủ động ấy từng được đạo diễn Bùi Tuấn Dũng gọi là “vô duyên” vì qua mặt cơ quan chủ quản. Dù sao thì nếu có vô duyên một chút vẫn còn hơn nhìn đứa con tinh thần có nguy cơ chiếu vài buổi là thôi. Sau khi “Những người viết huyền thoại” ra rạp trong khoảng 2 tuần, bộ phim đã được chính đạo diễn đẩy lên YouTube, như một kênh phát hành để đến được với khán giả.
Hoàng Lan Anh (Người Lao Động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.