Phòng vé xe tết dời lên Facebook!

Chủ nhật, ngày 04/02/2018 06:50 AM (GMT+7)
Vé xe tết tại các bến xe trên địa bàn TP.HCM không thiếu, nhưng những hãng xe có chất lượng cao lại không nhiều. Thực trạng trên dẫn đến việc hàng loạt hãng xe bên ngoài núp bóng kinh doanh dưới dạng hợp đồng thi nhau trục lợi. Đặc biệt, đã xuất hiện tình trạng mua bán vé xe thương hiệu trên mạng với giá vé tăng vô tội vạ. Hành khách bị bắt chẹt, Nhà nước thất thu thuế.
Bình luận 0

Chiêu mới đẩy giá thương hiệu

Đến chiều 28.1 (tức chỉ còn hơn nửa tháng nữa là đến tết Nguyên đán), chúng tôi tìm đến bến xe Miền Đông hỏi mua vé tết từ TP.HCM về Quảng Ngãi và Phú Yên ngày 26 tháng chạp, nhưng tại các quầy vé của các hãng xe thương hiệu đều thông báo không còn. Năn nỉ miết, bất ngờ nhận được lời khuyên của một nhân viên bán vé nhà xe thương hiệu: “Lên mạng coi biết đâu lại tìm được vé”.

img

Nên quy định vé xe như vé tàu hay vé máy bay; khi đi xe, hành khách có vé phải đúng thông tin cá nhân mới được đi. Không làm vậy, năm nào cũng như năm nào, nhà xe thương hiệu luôn thủ sẵn “một bài”: Mới mở bán vé tết đã hết!

Thật vậy, có nhiều tài khoản rao bán rất nhiều vé trên trang mạng xã hội, thậm chí nhiều tài khoản còn khẳng định, vé tết ngày nào cũng có. Khi liên lạc qua số điện thoại 0974.23x.xxx từ một trang mạng, người phụ nữ xưng mình tên Tr., con của một chủ đại lý bán lẻ vé xe ở Phú Yên, mời chào: “Bên em vé ngày nào cũng có nhưng giá cao hơn giá in trên vé 250.000 đồng, bởi phải mua đi, bán lại”. Tr. đề nghị chúng tôi nếu muốn nhận được vé, phải nhờ người thân gửi tiền trực tiếp ở đại lý hoặc chuyển khoản. Trước nghi ngờ vé hiện đang bán là giả, vì các hãng xe lớn tại bến đều thông báo “cháy” vé, người này phân bua: “Bên em là đại lý có địa chỉ rõ ràng nên không kinh doanh kiểu này. Trước khi mở bán đã chuẩn bị cả trăm vé rồi”.

Tương tự, liên hệ với một tài khoản khác rao bán vé tết xe thương hiệu TP.HCM – Quảng Ngãi, chúng tôi được khẳng định mua một chứ mua mười vé cũng có, tuy nhiên giá vé thì cứ cộng 300.000 đồng vào vé gốc là xong… Các thông tin trên đã khẳng định nghi ngờ của chúng tôi liên quan đến việc nhà xe thương hiệu “bơm vé cho người thân, người nhà hay đại lý ruột” trước khi mở bán cho khách tại bến hay tại quầy, nên đã tạo ra tình trạng khan vé, hết vé khi mở bán là có cơ sở. Bởi trước đó, thông qua người thân tại Phú Yên, chúng tôi đã có thể mua vé tết từ đầu tháng 11.2017 từ những người làm trong nhà xe, dù thời điểm này chưa công bố bán vé tết. Sau khi mua một vé từ TP.HCM về Phú Yên ngày 26 tháng chạp với giá 435.000 đồng, chúng tôi lên mạng rao bán lại, thì chỉ trong vòng 10 phút đã có người hỏi mua với giá 780.000 đồng. “Hiện giờ đi đâu hỏi vé cũng hết và phải chấp nhận mua vé cao”, một người đòi mua lại vé nêu.

Tương tự, trong suốt ba ngày từ 21 – 24.1, chúng tôi gọi đến điểm bán vé tết của hãng xe X.T nằm trên đường Đồng Đen (phường 14, quận Tân Bình) hỏi mua vé về Quảng Ngãi. Chưa kịp dứt lời, một nhân viên nữ của nhà xe này đáp qua điện thoại: “Ngày mô cũng có! Tôi không tiếp chuyện qua đây, muốn mua thì đến trực tiếp mà hỏi!”. Khi có mặt tại điểm bán vé của nhà xe này, các nhân viên tại đây đang sửa lại bảng thông tin viết tay về lịch trình, thời gian của từng loại xe tuyến TP.HCM đi Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng. Chúng tôi hỏi vé về Quảng Ngãi ngày 27 tháng chạp (tức ngày 12.2), nhân viên hãng xe này “nhiệt tình” hơn lúc gọi điện, báo giá 1.150.000 đồng đối với giường nằm. Thắc mắc tại sao giá vé tăng gần gấp ba ngày thường và cao hơn nhiều so với trong bến, nhân viên này thản nhiên: “Tết mà em! Giá như vậy là nhẹ rồi”.

Bất lực!

Bức xúc trước thực trạng xe tết bị làm giá vô tội vạ, anh Nguyễn Thanh Bình, ngụ quận Tân Bình, nói: nên quy định vé xe như vé tàu hay vé máy bay; khi đi xe, hành khách có vé phải đúng thông tin cá nhân mới được đi. Không làm vậy, năm nào cũng như năm nào, nhà xe thương hiệu luôn thủ sẵn “một bài”: Mới mở bán vé tết đã hết!

Trong khi đó, lãnh đạo bến xe Miền Đông thì lại cho rằng, do nhu cầu của đa số hành khách đều muốn đi xe chất lượng cao, khiến nhiều nhà xe hết vé vì lượng khách dồn trong dịp tết. Ngược lại, xe uỷ thác trong bến dù vẫn đáp ứng các tiêu chuẩn về điều kiện kỹ thuật, nhưng do chất lượng thấp nên ít người lựa chọn. Thực trạng này dẫn tới nhiều hành khách chấp nhận giá cao để mua vé của các nhà xe hoạt động bên ngoài. Trước hiện tượng đầu cơ vé xe thương hiệu rồi bán lại với giá cao, lãnh đạo bến xe Miền Đông cho rằng các ngành chức năng cần nhanh chóng chấn chỉnh.

Đề cập đến việc xe kinh doanh dưới dạng du lịch, hợp đồng lại vô tư bán vé cố định, hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, nói các nhà xe hoạt động ngoài bến kinh doanh dưới dạng du lịch, hợp đồng nên mức giá do nhà xe thoả thuận với hành khách, và cũng do yếu tố cung – cầu trên thị trường quyết định. Lãnh đạo hiệp hội này nói thêm, các doanh nghiệp tổ chức bán vé trước tết khá nhiều ngày nên tình trạng đầu cơ vé có thể có, nhưng khả năng không nhiều.

Trong khi đó, sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, nhấn mạnh: để khắc phục một phần việc khan hiếm vé xe thương hiệu, các bến xe cần chủ động tìm phương án cải thiện xe uỷ thác. Sở GTVT TP sẽ nghiên cứu để đưa ra những tiêu chí mới đối với các xe uỷ thác nhằm đáp ứng nhu cầu của hành khách. “Ngoài những yêu cầu bắt buộc như đăng kiểm, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh trên xe... để quy định cụ thể hơn cần xác định trên từng tuyến đường như xe chạy chặng dài hay chặng ngắn, nhu cầu đi lại thế nào”, lãnh đạo sở GTVT TP.HCM nhấn mạnh, và cho biết thêm hiện Sở đang lên kế hoạch tổng thể dựa trên cơ sở đánh giá về lưu lượng xe đi lại trong dịp tết, giá vé từng nhà xe... để công bố cho người dân biết thông tin cụ thể.

Giang Thanh – Đằng Giang (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem