Tuy nhiên, nguồn giống ca cao không được đảm bảo, người dân chưa có kinh nghiệm cũng như kỹ thuật trồng nên năng suất, sản lượng không như mong muốn.
Bên cạnh đó, phần lớn diện tích ca cao ở các huyện Chơn Thành, Đồng Phú được chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Điều này khiến diện tích ca cao trên địa bàn giảm mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo nhiều nhà nông, cây trồng này vẫn rất hiệu quả vì có thêm nguồn thu nhập đáng kể trên cùng một đơn vị diện tích.
Sau vụ thu hoạch điều, hiện nhiều hộ nông dân trồng ca cao xen trong vườn điều lại bước vào mùa thu hoạch ca cao.
Có được 2 nguồn thu liên tiếp trên một đơn vị diện tích khiến các hộ rất phấn khởi. Càng phấn khởi hơn khi những năm gần đây giá bán ca cao luôn ở mức cao và ổn định vì được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Chính vì vậy, cây ca cao đang mang lại hiệu quả kinh tế khá cho người nông dân.
Với khoảng 300 cây ca cao trồng xen canh dưới tán điều trên diện tích 1 ha, hằng năm gia đình ông Nguyễn Văn Tất ở thôn 7, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng thu hoạch trên 1 tấn ca cao khô. Toàn bộ sản lượng ca cao đều được ký hợp đồng bao tiêu nên ông Tất không phải lo lắng về đầu ra.
Từ cây trồng này, mỗi năm gia đình ông có thêm nguồn thu khoảng 70 triệu đồng, ngoài 2 tấn hạt điều thu hoạch được như năm nay.
Ông Tất chia sẻ: “Nhờ gắn bó với cây ca cao, gia đình tôi đã cải thiện cuộc sống hằng ngày. Cây ca cao cho thu nhập lâu dài. Như vườn nhà tôi mới thu điều xong, bây giờ chuyển sang thu hoạch ca cao, từ đó giải quyết thêm được nhiều khó khăn. Trước đây không trồng ca cao thì hết mùa điều là hết tiền, bây giờ có ca cao thì cuộc sống gia đình rất ổn định”.
Do mang lại lợi ích kép nên có thời điểm diện tích cây ca cao trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, lên đến hơn 2.600 ha, nhất là tại huyện Bù Đăng.
Riêng xã Đức Liễu có đến hơn 50% hộ nông dân chọn cây trồng này xen canh dưới tán điều. Cây ca cao rất thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Bình Phước, lại dễ trồng, dễ chăm sóc nên nhiều hộ vẫn duy trì diện tích xen canh để có thêm thu nhập.
Gắn bó với cây ca cao từ năm 2006, ông Hồ Đức Thảo, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn 10, xã Đức Liễu có 2 ha ca cao trồng xen trong vườn điều, mỗi năm cũng có thêm thu nhập từ 120-150 triệu đồng ngoài số thu từ cây điều.
Không chỉ có 2 nguồn thu trên một diện tích mà điều quan trọng là khi tưới nước và bón phân cho cây ca cao thì cây điều cũng hưởng lợi nên xanh tốt, đậu trái nhiều hơn, cho năng suất cao hơn so với những vườn không trồng xen canh.
Ông Thảo cho biết: Trồng ca cao đòi hỏi phải có nước tưới và mỗi năm phải bón 2 lần phân, thuốc chi phí khoảng 8 triệu đồng cho mỗi ha xen canh nhưng hiệu quả kinh tế thu về khá cao.
Trên địa bàn Bình Phước hiện còn khoảng hơn 300 ha ca cao. Toàn bộ diện tích ca cao của người dân đã được các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá ổn định, thấp nhất là 60 ngàn đồng/kg.
Ngoài ra, người trồng còn được cộng thêm điểm thưởng với mức 3.600 đồng/kg nếu đạt chất lượng tốt. Năm nay, các doanh nghiệp đang thu mua ca cao với giá từ 65-70 ngàn đồng/kg tùy theo chất lượng.
Ông Đồng Tiến Hùng, Giám đốc Công ty thu mua ca cao A1, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng cho biết: “Về bao tiêu sản phẩm ca cao, công ty đã ký hợp đồng với nông dân, đảm bảo mức giá tối thiểu có lời cho người trồng trên diện tích canh tác. Ngoài ra, công ty còn tư vấn kỹ thuật, tập huấn cách tỉa cành, tạo tán, cách thu hoạch, sơ chế và bảo quản sau thu hoạch, phun thuốc, bón phân cho nông dân trồng ca cao trên địa bàn tỉnh Bình Phước”.
Bình Phước có diện tích điều khá lớn và rất có điều kiện để phát triển cây ca cao. Điều quan trọng là các cơ quan chức năng cần phải quy hoạch và định hướng chiến lược cho loại cây trồng này, tránh tình trạng phát triển tự phát như trước để rồi rơi vào điệp khúc “trồng - chặt, chặt - trồng” gây thiệt hại về kinh tế cho người dân.
"Trước đây, các dự án đưa ra cho dân trồng rất nhiều ca cao nhưng người dân không nắm được kỹ thuật chăm sóc nên họ bỏ, còn gia đình tôi vẫn duy trì và có hiệu quả. Đối với những hộ có ý định đầu tư trồng lại ca cao, tôi đề xuất cơ quan nhà nước mở các lớp tập huấn, đúc kết kinh nghiệm những nhà vườn trồng lâu năm. Cây ca cao chỉ khó giai đoạn mới trồng nhưng nếu biết cách thì lại rất dễ...", ông Hồ Đức Thảo, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn 10, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.