Các nhà thám hiểm hang động đã tình cờ phát hiện ra một khu rừng thời tiền sử dưới đáy một hố sụt khổng lồ ở Nam Trung Quốc vào đầu tháng này. Những hố sụt như vậy còn được gọi bằng tiếng Trung Quốc là Tiankeng, hay "Hố trời".
Đây là 1 trong những hố sụt, hay thường được nhắc đến là hố tử thần lớn nhất tại huyện Leye, với độ dài khoảng 306m, rộng 150m và cao 192m. Dưới đáy hố có một khu rừng cổ thụ dài gần ba sân bóng, với những cây cao hơn 100 mét. Và theo chính phủ Trung Quốc, nó là một trong 30 hố sụt khổng lồ tại nước này.
Hố sụt được các nhà thám hiểm hang động phát hiện bên ngoài làng Ping'e ở huyện Leye, khu tự trị Choang Quảng Tây, Nam Trung Quốc. Một nhóm các nhà thám hiểm đã đi xuống hố vào ngày 6/5, nơi họ tìm thấy những cây cổ thụ và các loài thực vật khác, theo một bản tin Quảng Tây.
Theo kỹ sư địa chất Zhang Yuanhai thuộc học viện Karst Geology chia sẻ với báo chí, hố sụt này có 3 hang riêng biệt ở trên vách và ở dưới đáy là một khu rừng nguyên thuỷ. Nhóm các nhà địa chất đã mất hàng giờ để đi từ trên mặt đất xuống dưới và cho biết ở dưới có rất nhiều dạng thực vật, họ cũng cho rằng rất có thể sẽ phát hiện ra được những loài động thực vật mới ở đây.
Khu vực này được xác định là khu địa hình karst, là dạng địa chất dễ có các hố sụt hay các hang động ngầm dưới đất. Lý do là nền địa chất này được tạo ra bởi sự phân tán của nền đá, cùng với đó do nước mưa tại đây có lượng axit cao hơn những nơi khác, tạo nên lượng carbon dioxide cao và thấm dần xuống đất, làm rỗng đất dần dần. Đến một thời điểm nhất định khoảng rỗng trong đất đủ lớn để dẫn đến việc sụt đất, tạo nên các hố sụt mà chúng ta vẫn biết.
Karst là một dạng địa hình, lý tưởng cho các kỳ quan địa chất như hố sụt ở hạt Leye, được tạo ra bởi nước ngầm hòa tan đá vôi bên dưới bề mặt, theo cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ. Khoảng 20% diện tích Hoa Kỳ được tạo thành từ cảnh quan núi đá vôi, bao gồm các điểm tham quan như Hang động Carlsbad ở New Mexico và Hang Mammoth ở Kentucky.
Theo NASA, khoảng 13% diện tích Trung Quốc được bao phủ bởi địa hình karst, với khu vực Quảng Tây là một ví dụ điển hình về vẻ đẹp của nó.
George Veni, giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Hang động và Karst Quốc gia, nói với Live Science, các cảnh quan có kích thước và hình dạng khác nhau tùy thuộc vào khí hậu xung quanh.
Veni nói: "Ở Trung Quốc, có một vùng núi đá vôi vô cùng kỳ vĩ với những hố sụt khổng lồ và những lối vào hang động khổng lồ. Ở những nơi khác trên thế giới, bạn bước ra khỏi núi đá vôi và bạn thực sự không nhận thấy bất cứ điều gì. Các hố sụt có thể khá khuất, đường kính chỉ một hoặc hai mét. Các lối vào hang động có thể rất nhỏ, vì vậy bạn phải cố gắng tìm đường vào chúng".