Trước khi bước vào tranh luận, chiều cùng ngày, vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã trình bày quan điểm giải quyết vụ án.
Trong vụ án, có 3 bị cáo kháng cáo gồm: Phạm Thị Thu Hường – Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội; Phạm Thị Kim Tuyến – Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội; Nguyễn Đức Chung – cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội.
Bị cáo Nguyễn Đức Chung bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 3 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; bị cáo Phạm Thị Kim Tuyến bị xử phạt 4 năm 6 tháng tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Cũng với tội danh như bị cáo Tuyến, bị cáo Phạm Thị Thu Hường bị phạt 42 tháng tù.
Theo vị đại diện Viện Kiểm sát, tại tòa phúc thẩm, các bị cáo đã cung cấp một số tài liệu mới để làm căn cứ cho việc kháng cáo.
Với 2 bị cáo bị xét xử tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", Viện Kiểm sát nhận thấy 2 bị cáo đã thực hiện chỉ đạo của cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Tứ, lập hồ sơ khống và can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; hậu quả khiến kết quả đấu thầu bị sai lệch, gây thiệt hại hơn 26 tỷ đồng cho Nhà nước. Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của 2 nữ bị cáo, cơ quan công tố thấy cấp sơ thẩm đã đánh giá, xem xét đúng, tương xứng với hành vi, mức độ hậu quả gây ra.
Ở phiên phúc thẩm, 2 bị cáo này đã tích cực tác động gia đình nộp hơn 3,8 tỷ đồng, trong đó bị cáo Tuyến hơn 2 tỷ đồng, bị cáo Hường 1,8 tỷ đồng, điều này thể hiện sự ăn năn, hối cải của các bị cáo.
Viện Kiểm sát cũng nhận thấy, hồ sơ vụ án xác định sai phạm về đấu thầu của các bị cáo gây thiệt hại hơn 26 tỷ đồng và cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng mức độ sai phạm, từ đó yêu cầu các bị cáo bồi thường dân sự phù hợp.
"Viện Kiểm sát thấy không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của bà Hường và bà Tuyến về dân sự" – vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội nêu quan điểm.
Với kháng cáo kêu oan của ông Nguyễn Đức Chung, phía Viện Kiểm sát cho biết, căn cứ email do Bùi Quang Huy – Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường gửi cho bị cáo Chung đề xuất dừng các gói thầu số hóa để giao cho Nhật Cường thực hiện, sau đó, ông Chung đã 3 lần gọi điện cho cấp dưới, yêu cầu dừng thầu để "ưu ái" cho doanh nghiệp trúng thầu.
Cơ quan công tố cho rằng, Công ty Nhật Cường có mối quan hệ mật thiết với UBND TP.Hà Nội, sau chỉ đạo của ông Chung, đơn vị này trúng thầu, do đó tòa sơ thẩm quy kết ông Chung lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là phù hợp, không oan, mức án 3 năm tù do Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đưa ra cũng phù hợp.
Ở giai đoạn phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Đức Chung và gia đình cung cấp một số tài liệu như hồ sơ bệnh án, hơn 85 bằng khen, giấy khen của bị cáo và người thân để làm tình tiết giảm nhẹ mà chưa trình ra tại cấp sơ thẩm, đây là những tình tiết mới để làm căn cứ xem xét.
Cuối cùng, Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đề nghị HĐXX phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của ông Nguyễn Đức Chung và 2 nữ bị cáo; đề nghị không chấp nhận kháng cáo về phần trách nhiệm dân sự đối với các bị cáo Phạm Thị Thu Hường và Phạm Thị Kim Tuyến.