Dân Việt

Mùa nước nổi miền Tây, lũ về là mừng, theo chân dân đầu nguồn An Giang đánh bắt cá đồng

Hồng Cẩm 19/09/2022 05:35 GMT+7
Sau nhiều năm lũ muộn, năm nay lũ ở vùng thượng nguồn biên giới An Giang tuy không cao như nhiều năm trước nhưng được người dân đánh giá là mùa lũ đẹp. Lũ về sớm, lên chậm, cá đồng có thời gian sinh trưởng, người dân mưu sinh bằng nghề đánh bắt thuỷ sản mùa lũ cũng phấn khởi theo con nước.

Có lũ về là mừng!

Mùa lũ đầu nguồn sông Cửu Long năm nay về sớm, đầu tháng 6 nước bắt đầu tràn đồng, nước về sớm, lên chậm hơn so với cùng kỳ 2 năm gần đây (2 năm trước trước nước lũ về muộn, khoảng tháng 7 mới về và nước lên nhanh, rút cũng nhanh).

Mưu sinh mùa nước lũ - Ảnh 1.

Mùa nước lũ năm nay được đánh giá là mùa lũ đẹp, vì lũ về sớm, lên cao nhưng chậm, cá tôm có thời gian sinh sản và phát triển. Ảnh: Hồng Cẩm

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh An Giang, ngày 14/9, mực nước trên sông Hậu, tại trạm Khánh An đo được là 3.69m, cao hơn 1.27m so với cùng kỳ năm 2021. 

Nước lên cao nhưng lên từ từ, tạo điều kiện thuận lợi cho cá tôm sinh sản và phát triển, bà con ngư dân có một mùa lũ đẹp. Tuy vậy nước vẫn thấp rất nhiều so với nhiều năm trước và thủy sản mùa nước nổi cũng ít dần, nhưng với những bà con mưu sinh dựa vào mùa nước nổi, có nước về sớm là mừng!

Mùa lũ nơi đầu nguồn biên giới An Giang năm nay tuy không bằng nhiều năm trước nhưng được đánh giá là mùa lũ đẹp. Vì  lũ  về sớm nhưng lên chậm, các loài thủy sản, trong đó có các loại cá đồng, đủ thời gian sinh trưởng, phát triển, ngư dân sống nhờ mùa nước lũ cũng phấn khởi theo con nước. Video: Hồng Cẩm.

Khoảng 4h sáng, trên các cánh đồng mênh mông nước thuộc xã biên giới Phú Hội, huyện An Phú, nhiều người dân đã có mặt trên đồng để mưu sinh theo con nước. Người đổ dớn, người đổ đục, đổ lộp, đổ lờ…

Ngồi trên chiếc vỏ lãi chạy nhanh trên cánh đồng bốn bề là nước, từng cơn gió lạnh buốt quất vào người, nhưng xung quanh những người dân đang trầm mình trong nước lạnh buốt để mưu sinh.

Mưu sinh mùa nước lũ - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Hò (81 tuổi), mấy chục năm qua vẫn sống bám vào mùa nước lũ. Ảnh: Hồng Cẩm

Đang cặm cụi một mình kéo từng tấm dớn nặng chịch nước và rong rêu so, ông Nguyễn Văn Hò (81 tuổi, quê ấp Phú Thuận, xã Phú Hội, huyện An Phú), chậm rải kéo từng chiếc dớn đầy rong rêu với vài trăm gam cá các loại. 

Bàn tay già nua, đầy gân guốc của ông run run lựa từng con cá, con tép nhanh để bỏ vào rọ rộng. Ở cái tuổi 81 như ông nhiều người đã an hưởng tuổi già cùng con cháu, nhưng ông Hò vẫn một mình chật vật mưu sinh với con nước.

Dừng tay sau khi lựa xong mớ cá ít ỏi từ cái dớn cũ kĩ, ông Hò chia sẻ, ông có 5 người con nhưng đều khó khăn nên đã bỏ xứ đi làm ăn xa, nhà chỉ còn hai vợ chồng già, bà thì đau ốm suốt nên một mình ông hàng ngày phải đặt 20 cái dớn. 

Vì không có tiền đầu tư mua dớn mới nên ông tận dụng những cái dớn cũ của năm ngoái đặt lại. Do tuổi cao nên ông chỉ đi đánh bắt ở những cánh đồng gần, mỗi ngày may mắn kiếm được 400.000-500.000 đồng, hôm nào thất thì cũng có đủ tiền đong gạo.

"Tôi theo cái nghề đánh bắt thủy sản mùa nước lũ này mấy chục năm nay rồi. Vì gia đình không có ruộng vườn nên hàng năm chỉ mong con nước về sớm để có việc làm kiếm sống. Hồi xưa nước về cao lắm, cá mắm cũng nhiều, mấy tháng lũ tui kiếm tiền sống đủ cả năm. Mấy năm nay lũ kém, cá mắm cũng ít dần, nhưng không ruộng vườn canh tác, có con nước về để kiếm sống là mừng rồi"- ông Hò tâm sự.

Mưu sinh mùa nước lũ - Ảnh 3.

Anh Nguyễn Văn Mía đang xúc cá bán cho chủ ghe đục. Ảnh: Hồng Cẩm

Cùng hoàn cảnh với ông Hò, gia đình anh Nguyễn Văn Mía (39 tuổi, quê ấp Phú nghĩa, xã Phú Hội, huyện An Phú), cũng không có ruộng vườn canh tác. Trước đây nước lũ cao vợ chồng anh Mía cũng sống nhờ vào mùa nước lũ, nhưng khoảng 7-8 năm qua, nước lũ thấp, cá mắm bấp bênh nên hai vợ chồng bỏ nghề đi Bình Dương làm công nhân. 

Khoảng 3 năm gần đây 3 đứa con đến tuổi đi học nên hai vợ chồng đưa nhau về quê sống, cho con được đến trường. Vào những tháng nước chưa về hai vợ chồng anh Mía tranh thủ làm thuê để sống, dù biết giờ nước lũ không còn như xưa nhưng mỗi năm anh vẫn ngóng trông đến mùa nước về để kiếm thêm thu nhập.

"Mấy năm nay lũ bấp bênh nên tui chỉ dám mượn chủ ghe 20 triệu đồng mua 20 cái dớn đặt. Dù sức trẻ, chăm đi đồng xa nhưng mỗi ngày vợ chồng tui cũng kiếm được cao lắm khoảng 500.000 đồng. Không trúng như xưa nhưng dù gì cũng đỡ hơn đi làm mướn"- anh Mía chia sẻ.

Mưu sinh mùa nước lũ - Ảnh 4.

Hai cha con anh Phạm Văn Dìa tranh thủ lựa cá rọng. Ảnh: Hồng Cẩm

Mùa nước nổi ở vùng thượng nguồn biên giới An Giang, ngư dân đánh bắt cá linh là chính. Nhưng đặc thù con cá linh lên khỏi mắt nước không bao lâu sẽ chết, cá linh chết sẽ bán sang cá mòi, giá vài nghìn đồng một ký (cá linh sống 25.000 đồng/kg) . Do đó làm nghề này phải đi 2 người, người đổ, người phân loại cá nhanh tay cho vào rọ rộng. Chính vì thế anh Phạm Văn Dìa (42 tuổi, xã Phú Hội) đành bóp bụng cho đứa con trai mới 10 tuổi nghỉ học theo cha đánh bắt thủy sản khoảng 5 năm nay để vợ ở nhà lo cho 2 đứa con nhỏ.

Anh Dìa cho biết. năm nay nước tràn đồng sớm, rằm tháng 6 âm lịch là có đợt cá đầu mùa về, cá linh non đổ về nhiều, mỗi ngày 10 cái dớn anh đổ được khoảng hơn 20kg cá linh non và vài ký cá các loại cũng được tầm 1 triệu đồng/ngày, sau đó nước chựng lại, có ngày chỉ lèo tèo vài ký cá linh. 

Rằm tháng 8 vừa rồi có cá lại chút đỉnh, mỗi ngày anh đặt tầm 10kg cá các loại, anh hy vọng con nước rằm tháng 9 sắp đến nước lũ sẽ đạt đỉnh, cá về nhiều hơn.

Mưu sinh mùa nước lũ - Ảnh 5.

May mắn đánh bắt được nhiều cá nhất là gia đình anh Lâm Thành Ngân, mỗi ngày anh thu hoạch từ 2-3 triệu đồng. Ảnh: Hồng Cẩm

Phấn khởi hơn những ngư dân khác, anh Lâm Thành Ngân (48 tuổi, quê xã Bình Phú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) đến cánh đồng xã Phú Hội để đánh bắt cá nên thu hoạch khắm khá hơn. 

Anh Ngân cho biết, đầu mùa lũ năm nay anh theo dõi biết được dự báo nước về cao nên quyết định đầu tư 40 triệu đồng làm 20 cái dớn mới. Nhờ chịu khó đi đồng xa, mỗi ngày hai vợ chồng anh Ngân và một đứa cháu đánh bắt được khoảng 70 - 80kg cá linh, cá kết, cá chạch, tép, ốc... thu nhập từ 2-3 triệu đồng.

Từng bước chuyển đổi nghề cho người dân

Ông Nguyễn Văn Ràng (60 tuổi, Phó trưởng ấp Phú Thuận, xã Phú Hội, cũng là người dân sống cố cựu vùng này) nhớ lại, trước đây khi các tỉnh đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp chưa làm hệ thống đê bao trồng lúa vụ 3 như hiện nay, mùa nước nổi về hầu như tất cả các cánh đồng chìm trong biển nước, nước ngập khỏi ngọn cây, kéo dài trên dưới 2 tháng. Khi đó, cá, tôm, cua, ốc, chuột… nhiều vô số kể. 

Người dân vùng này sống chủ yếu nhờ vào mùa nước nổi, 2 tháng lũ về, chịu khó đánh bắt là đầy đủ sống cho một năm.

Mưu sinh mùa nước lũ - Ảnh 6.

Hồi trước tại phiên chợ mùa nước nổi- chợ Kinh Ruột (ấp Phú Thuận, xã Phú Hội, huyện An Phú) tấp nập ghe tàu mua bán thủy sản, thì giờ chủ còn 6 chiếc ghe đục thu mua cá và và chục người dân đi bán cá. Ảnh: Hồng Cẩm

Từ khi đê bao khép kín, cá tôm dần khan hiếm; các loại sản vật mùa nước nổi khác như bông điên điển, bông súng… cũng không nhiều, người dân sốm bám vào nước lũ ngày càng trở nên bấp bênh nên nhiều người dân đành bỏ nghề, bỏ xứ đi mưu sinh tỉnh khác.

Theo ông Ràng, ấp Phú Thuận có 657 hộ dân, thì có 170 đi làm công nhân tại các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM… "Mấy năm trước những hộ không ruộng vườn họ đi làm thuê tới mùa nước lũ là tranh thủ về quê đánh bắt, giờ đánh bắt không như xưa nên mùa lũ họ cũng không về quê nữa"- ông Ràng cho biết.

Ông Đoàn Phú Trí - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hội cho biết, toàn xã có 2.648 hộ dân, trong đó có khoảng 30-40% làm nghề đánh bắt thủy sản vào mùa nước nổi. Hàng năm, Đảng ủy, UBND xã cũng phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội huyện An Phú hỗ trợ những hộ khó khăn vay vốn để mua sắm phương tiện, ngư cụ đánh bắt. Nhưng đánh bắt ngày càng không đủ sống nên hiện nay có khoảng 35% hộ dân có nhân khẩu đi lao động xa quê.

Mưu sinh mùa nước lũ - Ảnh 7.

Nước lũ thấp, thủy sản ngày càng khan hiếm nên người dân sống dựa vào mùa lũ cũng bỏ xứ đi làm ăn dần. Ảnh: Hồng Cẩm

Trao đổi với phóng viên, ông Trương Chí Thông - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú cho biết, so với 2 năm trước thì năm nay nước lũ về sớm, khoảng đầu tháng 6 nước đã tràn đồng. Nước lên cao nhưng dâng từ từ là điều kiện thuận lợi cho nguồn lợi thủy sản sinh sản và phát triển, bà con ngư dân có một mùa nước nổi đẹp. Tuy nhiên so với ngày xưa thì lũ vẫn thấp, thủy sản cũng giảm rất nhiều.

Trước tình hình thực tế trên, những năm gần đây huyện An Phú có nhiều mô hình thích ứng với mùa nước nổi mang lại hiệu quả kinh tế ổn định đời sống cho người dân, như: Mô hình 3 "Phát triển màu Đông Xuân - Màu Xuân Hè - Lúa nổi kết hợp với khai thác thủy sản dựa trên cộng đồng" ở ấp Phú Thạnh (xã Phú Hữu); mô hình nuôi cua đồng của Tổ hợp tác sản xuất Vĩnh Hội Đông; mô hình nuôi lươn trên hồ phủ bạc của Hợp tác xã Vĩnh Ngữ (xã Vĩnh Hậu)…