Từ sáng đến trưa 11/10, người dân khắp nơi tại TP.HCM đều chật vật với việc đổ xăng. Cuộc sống của nhiều người lao động, nhất là người lao động phổ thông có nhu cầu sử dụng xe máy nhiều gần như bị đảo lộn.
Nếu như tại các quận ngoài trung tâm như quận 12, Gò Vấp, Bình Tân… nhiều cây xăng hết hàng, người dân phải chạy vòng vòng tìm chỗ đổ thì khu vực trung tâm quận 1, quận 3, cảnh xếp hàng kéo dài tại các cây xăng.
Gần trưa 11/10, vừa thoát ra khỏi dòng người chờ đổ xăng tại cây xăng duy nhất trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, anh Tấn Thành - tài xế xe công nghệ hãng Gojek thở phào vì cuối cùng cũng đã đổ được xăng. Mấy hôm nay, anh Thành và các tài xế xe công nghệ đều đau đầu với khoản tìm được cây xăng để đổ đầy bình.
"Chúng tôi chở khách, giao hàng nên phải chạy suốt ngày. Nếu như người bình thường chỉ cần xăng chạy ra ngoài, đến nơi làm việc thôi, đổ một lần chạy được nửa tuần thì chúng tôi mỗi ngày đều phải đổ đầy bình. Bây giờ chờ đổ xăng mỗi ngày là ám ảnh", anh Thành nói.
Nhiều tài xế xe công nghệ khác cũng vừa đến, lắc đầu trước tình cảnh cây xăng quá đông nhưng cũng phải ráng cho xe vào đổ vì miếng cơm manh áo.
"Kinh nghiệm bây giờ là thấy gần hết xăng phải tìm chỗ đổ ngay nếu không muốn phải dắt bộ. Khu quận 12 bây giờ nhiều cây xăng hết hàng lắm, lỡ chạy ra đó mà hết xăng là dắt bộ khờ người luôn", anh Nguyễn Thanh Tân (tài xế GrabBike) nói.
Một nhóm tài xế xe công nghệ ngồi nghỉ trưa trên đường Võ Văn Tần (quận 3) nói thêm, vài ngày nay, các tài xế phản ánh không thể dắt xe ra chạy, không dám nhận cuốc vì… hết xăng, cũng như khó tìm cây xăng khi chạy ngoài đường.
Tình trạng chỉ được đổ 20.000 - 30.000 đồng/lần khiến các tài xế phát nản. Với giới hạn này, mỗi ngày phải đổ 2 lần và tốn nhiều thời gian. "Nếu tình hình không cải thiện, có thể vài ngày tới, nhiều tài xế sẽ càng khó hơn, nhất là các anh chạy Car (xe 4 bánh)", một tài xế đánh giá.
Chị Đ.Lan (nhân viên văn phòng tại quận 1) cho biết tối 10/10, từ cơ quan về nhà tại quận Gò Vấp, chị hoảng hồn khi thấy các cây xăng đông nghịt nên không đủ kiên nhẫn để xếp hàng chờ đổ xăng.
Sáng nay, ngày 11/10, chị Lan quyết định lấy xe đạp ra đi làm. Chị cho biết từ trước đến nay vẫn có thói quen đi xe đạp để rèn luyện sức khỏe. "Xe hết xăng, đổ xăng quá khó khăn thì tôi quay lại đi xe đạp vừa thêm sức khỏe vừa bảo vệ môi trường", chị Lan nói và cho biết nhiều đồng nghiệp cũng chuộng xe điện, việc đi xe điện không bị ảnh hưởng khi xăng dầu hụt nguồn cung.
Nữ nhân viên văn phòng này cho biết sẽ tiếp tục duy trì đi xe đạp từ nhà lên văn phòng làm việc trong tuần này. Tuy nhiên, chị cũng kỳ vọng tình hình kinh doanh xăng dầu trong nước sẽ ổn hơn trong vài ngày tới, nếu không thể ảnh hưởng đến nhiều người.
Tính đến tối 10/10, TP.HCM có 121/550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm thời không còn xăng, chiếm tỷ lệ 22%. Khảo sát của Dân Việt cho thấy, nhiều cửa hàng hết xăng từ hôm qua đã mở bán trở lại, tuy nhiên, chỉ sau vài tiếng mở cửa lại tiếp tục rơi vào tình trạng tạm hết xăng vì lượng khách phải phục vụ quá đông.
Sở Công Thương TP.HCM đã có văn bản đề xuất Sở Giao thông Vận tải, Công an Thành phố xem xét có phương án tạm thời hỗ trợ di chuyển đối với phương tiện vận chuyển xăng trên địa bàn TP.HCM được lưu thông vào giờ cao điểm (trong khung thời gian từ 9h - 16h và từ 18h - 22h).
Cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ phân luồng và tạo điều kiện để các phương tiện vận chuyển xăng dầu có thể tiếp cận, cung ứng nguồn hàng kịp thời cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn. Thời gian đề xuất hỗ trợ phương tiện vận chuyển xăng dầu được lưu thông vào giờ cao điểm từ ngày 11/10 đến hết ngày 1/11.