Theo báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), năm 2022 xuất khẩu dăm gỗ tăng rất mạnh, đạt gần 15,81 triệu tấn, kim ngạch đạt gần 2,8 tỉ USD. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ của 6 tháng đầu năm 2023 đã giảm gần 19% về lượng (đạt 6,17 triệu tấn) và hơn 15% về giá trị (đạt hơn 1 tỷ USD).
Trong giai đoạn 2013-2021, giá xuất dăm gỗ trung bình ổn định trong khoảng 130-140 USD/tấn (FOB Việt Nam). Tuy nhiên, sang năm 2022, giá tăng vọt hơn 40%, lên mức 176,2 bình quân USD/tấn do cầu thế giới tăng, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc. Sang năm 2023, giá xuất khẩu đã hạ nhiệt. Trung bình 6 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu dăm gỗ đạt mức 162,9 USD/tấn.
Các chuyên gia của VIFOREST nhận định, Trung Quốc và Nhật Bản là hai thị trường nhập khẩu dăm gỗ nhiều nhất của Việt Nam. Lượng và kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vào Trung Quốc và Nhật Bản chiếm gần 95% tổng lượng và giá trị xuất khẩu từ Việt Nam từ tất cả các thị trường trong năm 2022 và hơn 90% trong 6 tháng đầu năm 2023. Trong đó Trung Quốc luôn chiếm trên dưới 60% kim ngạch xuất khẩu.
Ngoài hai thị trường này, Hàn Quốc và Đài Loan cũng có lượng nhập dăm gỗ từ Việt Nam tương đối lớn. Năm 2022, Hàn Quốc nhập khẩu gần 500.000 tấn dăm gỗ với giá trị gần 93 triệu USD còn Đài Loan nhập khẩu hơn 105.000 tấn, đạt giá trị hơn 17 triệu USD.
Đáng chú ý, theo các chuyên gia của VIFOREST, các tháng đầu năm 2023 ghi nhận sự tăng trưởng bất thường tại thị trường Indonesia. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, Indonesia đã nhập khẩu gần 235.000 tấn dăm từ Việt Nam và chỉ xếp thứ tư sau Hàn Quốc (nhập khẩu hơn 288.000 tấn).
Do nhu cầu từ thị trường thế giới hạ nhiệt nên số doanh nghiệp dăm gỗ tham gia thị trường có xu hướng giảm. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, số doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ tại Việt Nam đã giảm từ 91 doanh nghiệp năm 2021 xuống 77 doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023.
VIFOREST nhận định, hiện dăm gỗ từ Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đang có dấu hiệu tăng trở lại, kể cả về lượng và giá xuất khẩu. Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của ngành dăm gỗ Việt Nam trong tương lai. Một số tín hiệu cho thấy cầu về dăm gỗ cho nguyên liệu đầu vào để sản xuất giấy tại Trung Quốc sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Đây sẽ tiếp tục là cơ hội cho các doanh nghiệp dăm của Việt Nam.
Xuất khẩu sang Nhật và Hàn Quốc sẽ không có nhiều biến động. Với sự gia tăng đột biến về lượng nhập vào Indonesia trong thời gian gần đây, Indonesia có thể là một thị trường tiềm năng trong việc nhập khẩu dăm gỗ từ Việt Nam.
Với một số nhà máy điện than đang vận hành tại Việt Nam đang thử nghiệm việc chuyển đổi một phần sang sử dụng dăm gỗ (và viên nén), trong tương lai, cầu viên nén tại thị trường nội địa (Việt Nam) có thể được hình thành và mở rộng.
Cầu sẽ tăng mạnh trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang có những nỗ lực rất lớn trong thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, đưa mức phát thải ròng về 0 cho tới năm 2050.
Chính phủ có thể tạo ra những cơ chế đặc biệt, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng than với mức phát thải cao chuyển đổi sang sử dụng nguồn nguyên liệu sạch hơn, bao gồm dăm gỗ và viên nén.
Điều này xảy ra sẽ dẫn đến cầu viên nén tại nội địa sẽ mở rộng rất lớn trong tương lai. Nguyên liệu đầu vào cho sản xuất dăm gỗ phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước sẽ có thể sẽ có cạnh tranh lớn, không chỉ giữa các doanh nghiệp dăm mà còn giữa các doanh nghiệp ngành dăm với các doanh nghiệp cùng sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào là gỗ rừng trồng, bao gồm viên nén, MDF và ván bóng.
Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo, cần có những nghiên cứu chi tiết về các khía cạnh cạnh tranh này nhằm cân bằng và ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào cho các hợp phần này.