Đây là thông tin từ ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý SHTP, cung cấp cho phóng viên Dân Việt ngày 10/11/2023 sau khi báo chí quốc tế thông tin Intel tạm ngưng kế hoạch mở rộng nhà máy này.
Về phía Intel, tập đoàn chưa bao giờ công bố chính thức sẽ đầu tư thêm để mở rộng nhà máy của công ty Intel Products Vietnam (IPV) tại SHTP. Tập đoàn nhiều lần khẳng định dự án nhà máy này là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tháng 6/2023, tại buổi gặp gỡ với giới truyền thông tại TP.HCM, Intel cho biết đã đầu tư tổng cộng 1,5 tỷ USD vào nhà máy tại SHTP, cung cấp khoảng 6.500 việc làm trong lĩnh vực công nghệ cao, với khoảng 2.400 nhân sự chính thức trực thuộc Intel. Dự án đã tạo ra giá trị xuất khẩu 76,3 tỷ USD từ năm 2010 đến nay.
Quý I/2023, Intel chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của SHTP, 15% kim ngạch xuất khẩu ngành điện tử của cả nước và khoảng 18% kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM. Nhà máy IPV được tập đoàn Intel khánh thành ngày 29/10/2010, và đến nay, IPV đã xuất xưởng hơn 3,5 tỷ đơn vị sản phẩm, sản xuất bộ vi xử lý Intel Core thế hệ 13 mới nhất và sẽ tham gia quy trình sản xuất bộ vi xử lý Meteor Lake vào cuối năm 2023.
Hiện tại, nhà máy chip của Intel tại SHTP đang hoạt động và sản xuất bình thường, ông Nguyễn Anh Thi cho biết.
Về thu hút đầu tư, ông Thi khẳng định trong giai đoạn tới, SHTP vẫn sẽ tập trung thu hút đầu tư, xây dựng hệ sinh thái ngành mạnh trong lĩnh vực công nghệ điện tử, vi mạch bán dẫn và công nghệ thông tin.
"SHTP là một trong ba khu công nghệ cao tầm quốc gia, có sứ mệnh góp phần trực tiếp vào xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn cho đất nước, qua đó giúp thúc đẩy việc thực hiện mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghệ cao", ông Thi nói.
Đơn cử trong lĩnh vực bán dẫn, SHTP khai trương Trung tâm Đào tạo Điện tử, Vi mạch bán dẫn (Electronics and Semiconductor Center - ESC) trong tháng 9 vừa qua.
ESC được hình thành từ 2 trung tâm có tên Đào tạo thiết kế vi mạch SHTP (SHTP Chip Design Center - SCDC) và Đào tạo điện tử quốc tế (International Electronics Training Center - IETC). Vào tháng 8/2022, SHTP hợp tác với Synopsys của Mỹ thành lập SCDC. Trong đó, Synopsys tài trợ các phần mềm của Synopsys trong 3 năm trị giá hàng chục triệu USD để thúc đẩy đào tạo nhân lực trong lĩnh vực điện tử. Tháng 3/2023, SHTP và công ty Sun Electronics có trụ sở tại TP.HCM thành lập IETC để cung cấp các chương trình đào tạo quản lý, vận hành nhà máy sản xuất điện tử theo tiêu chuẩn quốc tế.
Ngày 2/11 tại Hà Nội, SHTP trao giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy sản xuất chip bán dẫn tại SHTP cho công ty BE Semiconductor Industries của Hà Lan. Tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu của nhà máy này hơn 115 tỷ đồng, tương đương 4,9 triệu USD.
Đến nay, chưa nghe ý kiến của các nhà đầu tư trong SHTP về thiếu các nguồn cung cấp điện và khu công nghệ cao này vẫn tiếp tục là nơi được các công ty công nghệ quan tâm khi muốn tại đầu tư tại TP.HCM.
Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của SHTP những năm gần đây vẫn tăng đều. Cụ thể, năm 2021 đạt 20,9 tỷ USD, năm 2022 đạt 23 tỷ USD và ước tính năm 2023 sẽ đạt 26 tỷ USD.
Liên quan đến thủ tục đầu tư và pháp lý, đến nay SHTP đã thực hiện cơ chế "một cửa một dấu" để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án trong SHTP.