Dân Việt

'Sự hài lòng của dân là thước đo uy tín cán bộ' và chuyện 'Ngày thứ 5 không hẹn, không viết' ở Bình Định

Dũ Tuấn 13/12/2023 13:00 GMT+7
"Ngày thứ 5 không hẹn, không viết" tại xã An Tân, huyện miền núi An Lão (Bình Định), thể hiện tinh thần "vì dân, nghe dân, giúp dân và trọng dân". Mức độ hài lòng của người dân, từ sự đổi mới mang tính "đột phá, tiên phong" của mô hình này tại Bình Định, cũng là thước đo năng lực, uy tín cán bộ, đảng viên với dân.

"Ngày thứ 5 không hẹn, không viết"

Ngày 1/3/2022, UBND xã An Tân, huyện miền núi An Lão, Bình Định bắt tay vào việc thực hiện mô hình "Ngày thứ 5 không hẹn, không viết". 

"Không hẹn" là khi tổ chức, cá nhân đến thực hiện các thủ tục hành chính vào ngày thứ năm hằng tuần, nếu đầy đủ thành phần hồ sơ theo quy định, công chức tiếp nhận xử lý hồ sơ, trình lãnh đạo ký và trả kết quả ngay trong ngày, không viết giấy tiếp nhận và hẹn trả kết quả. 

Còn "không viết" là khi tổ chức, người dân có yêu cầu, công chức tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của xã tiến hành viết hộ các loại giấy tờ, hồ sơ (trừ một số thủ tục hành chính, đặc thù theo quy định pháp luật không được viết hộ). 

Việc này góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính của xã, gắn với phương châm lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân và lợi ích của nhân dân, làm trung tâm.

'Sự hài lòng của dân là thước đo uy tín cán bộ' và chuyện 'Ngày thứ 5 không hẹn, không viết' ở Bình Định - Ảnh 1.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao biểu trưng cho bà Hoàng Mỹ Tâm, tác giả mô hình Ngày thứ 5 không hẹn, không viết. Ảnh: chụp màn hình, MT.

An Tân là một trong những xã của huyện miền núi nghèo nhất Bình Định. Mô hình "Ngày thứ 5 không hẹn, không viết" đã nhanh chóng phát huy nhiều tác dụng, khiến người dân cảm thấy hài lòng vì tiết kiệm thời gian.

Thể hiện đúng tinh thần "Để củng cố niềm tin của người dân thì Đảng phải trong sạch, cán bộ phải gần dân, hiểu dân, hiện thực hóa mục tiêu dân được thụ hưởng, trong phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng của Đại hội XIII của Đảng".

Bà Đinh Thị Húc (người H're, ở thôn Gò Đồn, xã An Tân) cho hay, ban đầu bà rất bỡ ngỡ khi đến thực hiện thủ tục cấp bản sao trích lục hộ tịch, tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của xã. 

Tuy nhiên, bà Húc được công chức xã nhiệt tình hướng dẫn, hỗ trợ kê khai thông tin theo mẫu quy định và trả kết quả ngay chứ không hứa hẹn. Điều này, khiến bà rất bất ngờ và "ưng cái bụng", cảm thấy thoái mái, gần gũi với công chức, cán bộ xã.

"Ngày thứ 5 không hẹn, không viết" đã đáp ứng sự hài lòng của người dân, đối với các dịch vụ công, do cơ quan nhà nước cung cấp. 

Đây là mô hình mới, giúp người dân giải quyết nhanh một số thủ tục hành chính, mang lại hiệu quả cao và đem lại sự hài lòng nhất cho người dân.

Xã miền núi được Trung ương tôn vinh vì "cán bộ làm dân hài lòng"

"Ngày thứ 5 không hẹn, không viết" của xã An Tân vinh dự là 1 trong 67 điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu được tôn vinh tại Chương trình "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2023".

Bà Hoàng Mỹ Tâm (32 tuổi), công chức phụ trách lĩnh vực cải cách hành chính của bộ phận một cửa UBND xã An Tân, là người đã tham mưu xây dựng, triển khai "Ngày thứ 5 không hẹn, không viết" cho hay, ý tưởng này xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương và có tham khảo bài học mô hình từ các địa phương khác, để đưa ra phương án phù hợp nhất có thể. 

Mô hình này bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 1/3/2022, đến nay bộ phận một cửa của xã đã giải quyết được 1.562 hồ sơ áp dụng vào ngày thứ 5 hàng tuần.

Qua quá trình triển khai, nhân dân rất đồng tình ủng hộ và đánh giá mô hình đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. Đặc biệt, những người có hạn chế về học vấn, bà con đồng bào dân tộc thiểu số, người cao tuổi gặp khó khăn trong nắm bắt quy định, thực hiện thủ tục hành chính.

Theo bà Tâm, việc áp dụng thực hiện mô hình đã rút ngắn đáng kể thời gian thực hiện thủ tục hành chính so với trước đây, vì được cán bộ hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện kê khai các loại biểu mẫu giấy tờ, thủ tục được tiếp nhận và trả kết quả ngay trong ngày nên rất thuận lợi.

Khi mô hình được đông đảo người dân biết đến, bà con đã quan tâm và lựa chọn ngày thứ 5 để thực hiện thủ tục hành chính. Do vậy, vào ngày thứ 5 hàng tuần, áp lực công việc nhiều hơn nên đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động cũng gặp một số khó khăn.

'Sự hài lòng của dân là thước đo uy tín cán bộ' và chuyện 'Ngày thứ 5 không hẹn, không viết' ở Bình Định - Ảnh 2.

Trụ sở làm việc của UBND xã An Tân, huyện miền núi An Lão, Bình Định. Ảnh: MT.

"Tuy nhiên, với tinh thần hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, tập thể cán bộ công chức tại bộ phận một cửa UBND xã An Tân đã cố gắng tìm tòi, nghiên cứu, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để thực hiện thành công mô hình. Góp phần đáp ứng được yêu cầu của nhân dân, nâng cao chất lượng phục vụ của bộ phận giải quyết thủ tục hành chính", bà Tâm chia sẻ.

Việc xây dựng, triển khai "Ngày thứ 5 không hẹn, không viết", ngay từ ban đầu, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ phục vụ nhân dân, của bộ phận một cửa UBND xã An Tân. 

Qua thực tiễn thực hiện nhiệm vụ, có điều kiện tiếp xúc, gần gũi với nhân dân, cán bộ đã nắm bắt được bà con có những khó khăn, trở ngại khi đi thực hiện thủ tục hành chính.

Từ đó, việc xây dựng mô hình để giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho nhân dân. Kinh nghiệm cho thấy, mỗi cán bộ trước hết cần có sự nhận thức đúng đắn, đầy đủ về phận sự phục vụ nhân dân của bản thân. 

Nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, lấy lợi ích của nhân dân làm mục tiêu trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ. Rèn luyện phong cách làm việc quần chúng, gần gũi, sâu sát với nhân dân. 

'Sự hài lòng của dân là thước đo uy tín cán bộ' và chuyện 'Ngày thứ 5 không hẹn, không viết' ở Bình Định - Ảnh 3.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2023” và tặng hoa cho bà Hoàng Mỹ Tâm. Ảnh: chụp màn hình, MT.

"Có như vậy mới có thể hiểu được tâm tư, nguyện vọng, phát hiện những vấn đề khó khăn, vướng mắc, trở ngại của nhân dân, từ đó nghiên cứu, triển khai những giải pháp có hiệu quả", bà Tâm cho hay.

Ngoài ra, cán bộ phải thường xuyên trau dồi trình độ chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, ứng xử để có đủ khả năng nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các mô hình phục vụ nhân dân.

"Ngày thứ 5 không hẹn, không viết" được Ban Tuyên giáo Trung ương tôn vinh điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chính Minh, là niềm vinh dự, tự hào và là kết quả nỗ lực của cả tập thể bộ phận một cửa xã An Tân. Đây cũng là nguồn động lực to lớn để cán bộ ở xã miền núi, tiếp tục trên hành trình cố gắng phục vụ nhân dân.

Quét mã QR… đo sự hài lòng của dân với cán bộ

Từ kinh nghiệm "Ngày thứ 5 không hẹn, không viết", thời gian vừa qua, bà Hoàng Mỹ Tâm đã tìm tòi, xây dựng và đề xuất lãnh đạo UBND xã An Tân triển khai mô hình "Khảo sát mức độ hài lòng của công dân khi thực hiện thủ tục hành chính, qua việc sử dụng ứng dụng quét mã QR". 

Đây là sự cụ thể hóa tinh thần tiếp thu, lắng nghe ý kiến của nhân dân và cũng là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nội dung của mô hình này, công dân khi đến thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của UBND xã, sẽ sử dụng thiết bị di động thông minh để quét mã QR. Truy cập vào hệ thống khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của công dân về sự phục vụ của bộ phận giải quyết thủ tục hành chính.

Các nội dung tiêu chí đánh giá trong hệ thống được xây dựng, bố trí khoa học, chặt chẽ và chi tiết với mục tiêu phân tích, tổng hợp một cách chính xác, khách quan, toàn diện về sự hài lòng của công dân.

Vẫn theo bà Hoàng Mỹ Tâm, mô hình này có tính khả thi và giá trị thực tiễn rất lớn như cung cấp cho công dân một công cụ rất thân thiện, tiện lợi, hữu ích để công dân có thể đánh giá mức độ hài lòng của bản thân đối với sự phục vụ của bộ phận giải quyết thủ tục hành chính.

Ngoài ra, có thể góp ý, phản ánh những vấn đề còn tồn tại, bất cập để cơ quan hành chính tiếp thu, điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân.

Đối với cơ quan chính quyền, mô hình này sẽ cung cấp một nguồn dữ liệu quan trọng, khách quan, chính xác. Làm cơ sở để đánh giá hiệu quả làm việc, chất lượng phục vụ của bộ phận giải quyết thủ tục hành chính, cũng như cán bộ trực tiếp làm công tác giải quyết thủ tục hành chính.

'Sự hài lòng của dân là thước đo uy tín cán bộ' và chuyện 'Ngày thứ 5 không hẹn, không viết' ở Bình Định - Ảnh 4.

"Ngày thứ 5 không hẹn, không viết" đã đáp ứng sự hài lòng của người dân, đối với các dịch vụ công, do cơ quan nhà nước cung cấp. Ảnh: MT.

"Nhờ vậy, phát huy ưu điểm đã đạt được; kịp thời có giải pháp điều chỉnh, khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác giải quyết thủ tục hành chính cho công dân. Chấn chỉnh nề nếp, đạo đức công vụ của cán bộ công chức", bà Tâm nói.

Đối với cán bộ công chức trực tiếp làm công tác giải quyết thủ tục hành chính, dữ liệu từ mô hình là một trong những cơ sở giúp cán bộ đánh giá, nhìn nhận chính xác, khách quan hiệu quả công tác của bản thân.

Từ đó, cố gắng nỗ lực hơn nữa trong công tác, trau dồi trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác, kỹ năng giao tiếp, ứng xử với nhân dân, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả công tác bản thân.

Ngoài việc đo sự hài lòng của người dân bằng cách khảo sát trên giấy, thì mô hình khảo sát quét mã QR cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân, với hàng trăm ý kiến phản hồi.

Ông Đỗ Tùng Lâm – Quyền Chủ tịch UBND huyện An Lão, Bình Định đánh giá, "Ngày thứ năm không hẹn, không viết" là mô hình mới, mang lại tính đột phát, tiên phong trong việc phục vụ người dân. Quá trình triển khai, đã tạo ra sự hài lòng và được người dân phản hồi rất tích cực.

"An Tân đang là điểm sáng của huyện về giải quyết thủ tục hành chính. Nhờ vậy, xã này không có hồ sơ trễ hẹn, không gây phiền hà cho dân trong giải quyết công việc. Với thành công của "Ngày thứ năm không hẹn, không viết", hiện nay chúng tôi đang cho lan toả mô hình này tại các xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện", Quyền Chủ tịch UBND huyện An Lão nói.