TAND cấp cao tại Hà Nội ngày 12/4 xét xử phúc thẩm bị cáo Chu Thị Ngọc Thị Ngà, cựu Trưởng ban Kiểm soát Công ty Đầu tư phát triển nhà và Xây dựng Tây Hồ (Công ty Tây Hồ) do có kháng cáo kêu oan của bị cáo.
Cùng vụ án, có 4 người được xử phúc thẩm vì kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt gồm Đặng Quang Tuấn, cựu Chủ tịch Công ty Tây Hồ; Tân Tú Hải, cựu Tổng Giám đốc Công ty Tây Hồ; Phan Việt Anh cựu Phó tổng GĐ Công ty Tây Hồ và Nguyễn Tấn Hoàng, cựu Trưởng phòng Kinh doanh công ty này.
Theo án sơ thẩm của TAND tỉnh Bắc Ninh tuyên tháng 11/2023, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội có 98% vốn Nhà nước nên đây là doanh nghiệp Nhà nước. Công ty này lại nắm giữ 50,09% (tương ứng hơn 16 tỷ đồng) vốn tại Công ty Tây Hồ.
Năm 2012, Công ty Tây Hồ được UBND tỉnh Bắc Ninh giao đất thực hiện dự án khu đô thị mới Quế Võ nhưng trong các năm tiếp theo, doanh nghiệp trả lại hơn 10ha, chuyển nhượng hơn 28ha… chỉ còn lại 18ha để "phân lô, bán nền". Năm 2016, UBND tỉnh Bắc Ninh cấp 118 sổ đỏ tại Quế Võ cho Công ty Tây Hồ.
Tháng 5/2017, các bị cáo trong vụ thống nhất sẽ "bán buôn" toàn bộ 118 lô đất với giá thấp hơn định giá để có tiền trả nợ ngân hàng và một phần sẽ dùng "lo việc" với người có thẩm quyền, xin lại 10ha đất bị thu hồi trong dự án.
Án sơ thẩm cho rằng, các bị cáo trong vụ có 2 sai phạm, đầu tiền là việc bán 118 lô đất nhưng không xin ý kiến đơn vị sở hữu vốn Nhà nước là Tổng công ty xây dựng Hà Nội. Thứ hai, họ bán với giá 148 tỷ đồng, thấp hơn thực tế nên gây thiệt hại 184 tỷ đồng cho Công ty Tây Hồ và trong đó, Nhà nước bị thiệt hại hơn 91 tỷ đồng, tính theo tỷ lệ vốn điều lệ.
Tòa sơ thẩm do vậy tuyên Chu Thị Ngọc Ngà án 13 năm tù; Đặng Quang Tuấn và Tân Tú Hải cùng mức 9 năm tù; Phan Việt Anh 5 năm tù còn Nguyễn Tấn Hoàng 4 năm tù; đều về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí"
Về dân sự, tòa sơ thẩm buộc các bị cáo bồi thường 184 tỷ đồng cho Công ty Tây Hồ, trong đó bị cáo Hoàng chịu trách nhiệm hơn 4 tỷ đồng; nhóm còn lại mỗi người bồi thường 45 tỷ đồng.
Vốn tăng, bán lãi nhưng vẫn gây thất thoát
Tại tòa phúc thẩm (ngày 12/4), bị cáo Tuấn cho hay trước khi bán 118 lô đất, Công ty Tây Hồ "không vốn, không tiền" nên phải đẩy mạnh bán dự án, bán lô to để cầm cự còn nếu chia nhỏ ra bán từng ô, sẽ khó thu hồi tiền hơn. Dù bán buôn, công ty chắc chắn có lãi nếu trừ số đầu tư ban đầu.
Bị cáo Tân Tú Hải xác nhận lời khai trên, thêm rằng vốn Nhà nước tại Công ty Tây Hồ "chưa bao giờ giảm, chỉ có tăng". Lý do, với hơn 50% cổ phần, Nhà nước có 16 tỷ đồng vốn nhưng doanh nghiệp hiện nay có hơn 50 tỷ đồng.
Ông Hải khai thêm, việc bán 118 lô đất là: "Đúng về pháp luật nhưng về thủ tục hành chính thì chưa đúng". Cụ thể, tháng 5/2017, liên sở Bắc Ninh có họp, xác nhận đủ điều kiện bán nhưng 4 tháng sau, mới có thông báo cho phép Công ty Tây Hồ bán đất.
Các bị cáo cũng khẳng định, số tiền có được từ bán đất, được dùng để "lo việc" giúp Công ty Tây Hồ xin lại 10ha tại dự án và thực tế đã xin lại được. Họ cũng được chia một phần nhưng đều dùng để lo việc chung của công ty như nộp thuế và còn "trả nợ đậy" cho giám đốc đời trước.
Trong 5 bị cáo, có 4 người nhận tội và xin giảm nhẹ, riêng bị cáo Chu Thị Ngọc Ngà giữ kháng cáo kêu oan với lý do bị ép cung tại giai đoạn điều tra. Bị cáo khẳng định không bán đất, thu tiền chênh để chia nhau. Viện kiểm sát đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho 4 người và bác kháng cáo của bị cáo Ngà.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Tân Tú Hải đề nghị Hội đồng xét xử xem xét bối cảnh các bị cáo phạm tội, có sự "giao thoa pháp luật" khi văn bản luật liên quan đang được sửa, trình Quốc hội xem xét trong tháng 5/2024.
Ngoài ra, vốn Nhà nước không hề bị mất, thể hiện trong báo cáo tài chính của Công ty Tây Hồ qua các năm. Với việc bán đất, doanh nghiệp này bỏ ra hơn 40 tỷ đồng đầu tư vào dự án tại Quế Võ nhưng bán ra giá 184 tỷ đồng, lãi hơn 100 tỷ đồng; chưa kể qua việc này, doanh nghiệp có được 10ha đất.
Vấn đề dân sự, luật sư nêu quan điểm, cáo trạng chỉ đề nghị các bị cáo bồi thường 91 tỷ đồng vốn Nhà nước nhưng tòa sơ thẩm tuyên buộc họ bồi thường 184 tỷ đồng, cho tất cả cổ đông nên: "Có vượt quá phạm vi xét xử hay không?".
Ngoài ra, chính các bị cáo là cổ đông nên: "Giờ phải bồi thường cho chính mình, sau lại rút ra hay sao? Việc này không hợp lý".
Trước diễn biến này, chủ tọa quay lại xét hỏi các bị cáo và đại diện Công ty Tây Hồ, thể hiện các nhóm Ngà, Hải, Tuấn đều có cổ phần trong doanh nghiệp; Việt Anh và Hoàng từng có nhưng đã bán năm 2019. Tuy nhiên, giữa các bị cáo và công ty không thống nhất được số cổ phần cụ thể của từng người.
Các luật sư bào chữa cho bị cáo Ngà nêu quan điểm, tiền bán 118 lô đất còn được dùng để "lo lót, chạy chọt người có thẩm quyền" xin lại 10ha đất. Do vậy, cần đối trừ giá trị của 10ha này để tính thiệt hại trong vụ án.
Ngoài ra, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.Hà Nội đang phục hồi xử lý tiếp nhận tin báo tố giác tội pham tại Công ty Tây Hồ. Việc này cho thấy tài liệu, chứng cứ trong vụ án không được thu giữ, trả lại đúng pháp luật. Do vậy, các luật sư đề nghị tuyên 5 bị cáo không phạm tội hoặc cần trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Sau nghị án, Hội đồng xét xử phúc thẩm cho rằng dù các bị cáo có vốn ở Công ty Tây Hồ nhưng việc này có thể xem xét đối trừ ở giai đoạn thi hành án; nếu tranh chấp có thể khởi kiện. Do vậy, cấp phúc thẩm tuyên phần dân sự y án sơ thẩm, mỗi bị cáo bồi thường 45 tỷ đồng; riêng bị cáo Hoàng bồi thường hơn 4 tỷ đồng.
Về hình sự, tòa xác định các bị cáo phạm tội như cấp sơ thẩm đã tuyên. Nhóm 4 bị cáo xin giảm nhẹ đã thành khẩn khai báo; khắc phục một phần nhỏ hậu quả nhưng thể hiện thái độ, trách nhiệm của mình; bị cáo Việt Anh bị tai biến, ngồi xe lăn và không còn nguy hiểm cho xã hội… nên sẽ giảm án cho họ. Riêng bị cáo Ngà bị bác đơn kêu oan và không được giảm nhẹ.
Cấp phúc thẩm đã tuyên Chu Thị Ngọc Ngà y án 13 năm tù; Đặng Quang Tuấn giảm còn 7 năm 6 tháng; Tân Tú Hải 7 năm tù; Phan Việt Anh 3 năm tù; Nguyễn Tấn Hoàng 2 năm 6 tháng tù.