Chiều 17/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Phát biểu tại thảo luận tổ, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng, mục đích ra đời luật này phải là phục vụ nền quản lý hành chính và tư pháp, do đó dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đang phục vụ hành nghề công chứng, còn để nói Luật Công chứng thì chưa toàn diện lắm.
Trước đây, chúng ta không có công chứng vì tất cả giao dịch đều rất đơn giản. Sau này, khi phát triển lên, nhu cầu quản lý hành chính nhà nước và phát triển của tư pháp mới sinh ra công chứng, từ đơn giản là sao y bản chính, chứng thực văn bản, thẩm quyền ban đầu của UBND. Sau đó, xã hội phát triển mới hình thành nên nghề công chứng, giao cho ngành tư pháp nhưng có tính xã hội hóa lớn.
Chủ tịch nước cho rằng, luật này trước hết phải phục vụ cho người dân, nhưng để phục vụ người dân thì phải phục vụ cho nền hành chính quản lý, quản trị xã hội là chính, và liên quan pháp lý, chứng cứ tư pháp, độ chuẩn xác rất lớn.
"Ban hành luật ra để hoạt động công chứng chuẩn, nhưng đọc đi đọc lại, lại thấy không chuẩn, nếu tùy tiện thì rất khó khăn. Nếu gọi là luật hành nghề công chứng thì có vẻ phù hợp hơn", Chủ tịch nước băn khoăn.
Chủ tịch nước cũng cho rằng, hiện nay, chúng ta đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân. Căn cước công dân là giấy tờ duy nhất xác định địa vị pháp lý của người dân, chỉ cần một số định danh đó là giao dịch được trên môi trường điện tử. Có thể khám sức khỏe, xác nhận thuế, bảo hiểm y tế... tích hợp các giấy tờ vào, có thể xác định pháp lý, đủ quyền giao dịch trong xã hội. Do đó, công chứng giảm đi rất nhiều.
Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng, luật phải quy định, trong những trường hợp nào phải công chứng, chứ không phải một cơ quan hay cán bộ nào đặt ra thủ tục buộc người dân phải công chứng.
"Cải cách này dân rất đồng tình, đến mức họ không nghĩ tại sao bây giờ đơn giản thế. Trước đây, để làm các thủ tục phải xếp hàng từ mấy giờ sáng, mang đầy đủ giấy tờ mới được giải quyết. Còn bây giờ chỉ mang căn cước công dân đến là được xem xét, giải quyết rồi. Thậm chí cũng không cần phải đến nữa mà giao dịch điện tử. Cái đó mới là cái quan trọng, mới là cái cần phải cải tiến.", Chủ tịch nước cho hay.
Chủ tịch nước yêu cầu rà soát lại tổng thể để luật đi vào cuộc sống và nhận được sự hưởng ứng rộng rãi. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải vào cuộc để hoạt động công chứng đóng góp vào cải cách hành chính.
Về công chứng bản dịch, dự thảo luật xác định công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch dân sự bằng văn bản; việc chứng nhận bản dịch không còn thuộc phạm vi công chứng mà là hoạt động chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực.
Theo cơ quan soạn thảo, quy định này hạn chế rủi ro và trách nhiệm của công chứng viên đối với việc công chứng bản dịch, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đồng tình với nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng, thay đổi của dự thảo là phù hợp. Thực tiễn trên thế giới cũng như vậy. công chứng viên không thể biết hết các loại ngoại ngữ để xác thực bản dịch, mà nên để người dân được chọn chỗ dịch uy tín, công chứng viên chỉ xác thực chữ ký của người dịch.
Ngược lại, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (đoàn Cần Thơ) lại bày tỏ băn khoăn, công chứng viên chỉ xác thực chữ ký người dịch, vậy ai là người xác thực, chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch?
"Chúng ta tách ra để công chứng viên không chịu rủi ro, vậy ai chịu rủi ro? Đề nghị công chứng phải xác thực cả nội dung bản dịch, tính chính xác của bản dịch. Nếu công chứng viên không đủ trình độ ngoại ngữ thì họ phải có cộng tác viên", ĐB Huỳnh Thanh Phương nêu.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (đoàn Bình Định) cũng cho rằng, công chứng viên phải chịu trách nhiệm với việc chứng thực bản dịch, cả về nội dung, chứ không chỉ là chứng thực chữ ký người dịch.
Còn đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) thống kê trong dự thảo Luật có đến 14 nội dung giao Chính phủ. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu để luật hóa tối đa các nội dung đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả trên thực tế, tránh giao quá nhiều nội dung quy định chi tiết làm giảm tính cụ thể của Luật.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, đánh giá đầy đủ tác động của các thủ tục hành chính trong dự thảo Luật, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, gây khó khăn cho các tổ chức hành nghề công chứng.
Luật Công chứng (sửa đổi) đang được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV (diễn ra vào tháng 10/2024).