Đó là câu chuyện của thương binh Phạm Đức Hùng (SN 1945) ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội. Trong phòng bệnh tại khoa Tim mạch – Lão khoa của Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội, ông Hùng dần nhớ lại sự hồi sinh kỳ diệu của trái tim mình.
Khoảng 2h sáng ngày 17/7/2024, ông Hùng nhập viện trong tình trạng nguy kịch với các biểu hiện đau tức lồng ngực, khó thở. Với chẩn đoán ban đầu ông Hùng bị nhồi máu cơ tim cấp, tắc mạch vành trái.
Mối nguy hiểm của ông Hùng trong phòng cấp cứu cũng đè nặng lên những người con đang ở phía ngoài. “Khi bố tôi nhập viện tình trạng khó thở mỗi lúc càng nặng hơn. Tôi như lửa đốt khi nghe tin bố đã ngừng tim” – chị Phạm Thị Cẩm Nhung, con gái ông Hùng nhớ lại.
Trước ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, ông Hùng đã được các bác sĩ kịp thời cấp cứu và trái tim đã được hồi sinh. Ngay sau đó, ông được chuyển lên phòng can thiệp với đội ngũ y bác sĩ lên tới 8 người túc trực bên giường bệnh.
Là bác sĩ chính trong ca cấp cứu, Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Kim Linh – Trưởng khoa Tim mạch – Lão khoa (Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội) không quên được những giây phút “đấu tranh với tử thần” để cứu chữa cho thương binh Phạm Đức Hùng.
Từng khoảnh khắc trong phòng bệnh là cuộc chiến sinh tử với muôn vàn khó khăn. “Khi bệnh nhân lên phòng can thiệp, bệnh nhân bắt đầu tỉnh nhưng liên tục nôn ra máu do tổn thương ung thư vòm họng, tiên lượng xấu. Để điều trị nhồi máu cơ tim, thông tắc mạch vành nếu dùng thuốc chống đông máu thì việc chảy máu tổn thương do ung thư sẽ không cầm được, nhưng nếu không xử lý tắc mạch vành trái thì bệnh nhân sẽ nguy kịch” – bác sĩ Linh chia sẻ.
Không một phút chần chừ, các bác sĩ đã quyết định nong bóng để mở mạch vành, thông tắc dòng máu. Với sự nỗ lực lớn lao ấy, điều kỳ diệu đã đến, với phương pháp này giúp ông Hùng vượt qua cơn nguy kịch. Trong vòng chưa đầy 1 giờ đồng hồ, thương binh Phạm Đức Hùng đã được hồi sinh như một kỳ tích.
Nhớ lại khoảnh khắc cấp cứu thành công, bác sĩ Linh không giấu nổi sự xúc động: “Khi phương pháp nong bóng mở mạch vành trong cơ thể bệnh nhân đáp ứng, chúng tôi đã vui mừng khôn xiết, ê kíp thở phào nhẹ nhõm. Điều đáng nhắc đến ở đây chính là sự kiên cường của ông Hùng - người lính cụ Hồ. Dù đang phải trải qua những cơn đau thập tử nhất sinh nhưng ông không một lời kêu than, ngược lại, ông còn động viên bác y bác sĩ. Đó chính là động lực để chúng tôi càng thêm cố gắng”.
Giờ đây, sau một tuần điều trị, tình trạng sức khỏe của ông Hùng đang tiến triển tốt hơn và đã có thể đi lại, sinh hoạt bình thường.
Là con của liệt sĩ trong kháng chiến chống Pháp, ông Hùng là “hạt giống đỏ” của cách mạng. Tháng 12/1967, bằng dòng máu đỏ của mình, ông Hùng đã viết đơn xung để trở thành người lính của đơn vị D35, Binh trạm 33, Đoàn 559. Trong lúc làm nhiệm vụ ở đèo Tha Mé (Lào) ông và rất nhiều đồng đội bị thương vì bị địch rải thảm bom. Vì vậy, ông đã bị điếc hoàn toàn tai phải, chấn thương cột sống, lệch mỏm tim sang phải.
Trong cuộc chiến đấu với kẻ thù để bảo vệ Tổ quốc, ông đã vinh quang trở về dù trên mình mang nhiều di chứng chiến tranh. Giờ đây, trong cuộc chiến với tử thần ông tiếp tục chiến thắng nhờ những lương y.
Nắm chặt đôi tay của bác sĩ Linh, ông Hùng khó khăn nói những lời cảm ơn tận trái tim gửi tới các bác sĩ: “Tôi trở về được từ chiến trường là nhờ may mắn, còn tôi được sống lại lần 2 là nhờ các bác sĩ ở đây cứu chữa nhiệt tâm”.