Càn Long tên thật là Ái Tân Giác La Hoằng Lịch, sinh năm 1711. Ông là con của hoàng đế Ung Chính (Thanh Thế Tông). Khi Hoằng Lịch chào đời, những người anh của ông, trước đó là Hoằng Huy, Hoằng Quân, đều đã sớm qua đời vì bệnh tật.
Hoằng Thời - anh trai của Hoằng Lịch, bấy giờ là người con trai lớn nhất của Ung Chính. Như vậy, Càn Long trên thực tế chỉ là con thứ của Ung Chính. Mẹ của Hoằng Lịch, ban đầu cũng không được lập làm hoàng hậu. Vậy, vì sao người được chọn kế vị không phải là người anh Hoằng Thời, mà lại là người con thứ Hoằng Lịch (Càn Long)?
Nguyên nhân của vấn đề này đến từ hoàng đế Khang Hy. Ngay từ khi còn nhỏ, Càn Long đã là đứa cháu nội được Khang Hy yêu quý nhất. Thanh sử chép, từ nhỏ, Hoằng Lịch tư chất thông minh hơn người, học đâu nhớ đó.
Năm Khang Hy thứ 60 (năm 1721), hoàng đế Khang Hy nghe nói cháu nội Hoằng Lịch ở Ung Thân vương phủ rất lanh lợi, bèn cho triệu đến. Khi đó, Hoằng Lịch mới 10 tuổi.
Càn Long tuy còn nhỏ nhưng ứng đối trôi chảy, dung mạo, cử chỉ lại rất anh tuấn, khiến cho Khang Hy vô cùng hài lòng. Bản thân Khang Hy vốn lên làm hoàng đế từ khi còn rất nhỏ (8 tuổi), nên ông rất yêu thích những đứa trẻ thông minh, bản lĩnh.
Khang Hy sau đó lệnh cho Hoằng Lịch phải vào học tập trong nội cung, lại thường xuyên cho đi theo để đích thân dạy bảo. Vì yêu quý đứa cháu nội, nên Khang Hy cũng tỏ ra rất sủng ái Ung Chính, cha của Hoằng Lịch.
Nhờ cảm tình Khang Hy dành cho Càn Long, mà Ung Chính là người làm cha cũng được “thơm lây”. Dựa vào con trai, Ung Chính đã thuận lợi từng bước lên ngôi hoàng đế.
Trở lại năm Khang Hy thứ 47 (năm 1708), thái tử Dận Nhưng bị phế truất. Ung Chính bấy giờ là hoàng tử thứ tư đã ra sức khuyên Khang Hy khôi phục ngôi vị thái tử cho Dận Nhưng.
Năm Khang Hy thứ 48 (năm 1709), Khang Hy lại cho Dận Nhưng trở lại làm thái tử. Dận Nhưng không biết sửa sai, lại kéo bè phái nhằm củng cố vị trí cho mình. Điều này đã khiến Khang Hy vô cùng thất vọng.
Năm thứ 50 Khang Hy (1711), Khang Hy quyết định tiếp tục phế truất ngôi vị thái tử của Dận Nhưng và hạ lệnh bất kì ai khuyên can đều sẽ bị trị tội. Bắt đầu từ đây, các hoàng tử kéo bè cánh, tranh đoạt ngôi vị thái tử.
Tuy nhiên, vào những năm cuối đời, Khang Hy lại tỏ ra vô cùng sủng ái con trai của Ung Chính – Hoằng Lịch. Điều này đã khiến cho địa vị của Ung Chính trong cuộc chạy đua lên ngôi hoàng đế với các anh em của mình, trở nên thuận lợi hơn rất nhiều.
Năm Khang Hy thứ 60 (năm 1721) dù chưa định ngôi thái tử, Ung Chính đã được Khang Hy cho làm lễ tế cáo tổ lăng. Mùa đông cùng năm, Ung Chính lại được thay Khang Hy làm lễ tế trời tại đàn Nam Giao. Điều này thể hiện, Khang Hy đã ngầm chọn Ung Chính lên ngôi hoàng đế.
Năm 1772, Khang Hy qua đời, Ung Chính được lên ngôi. Người con trưởng của ông là Hoằng Thời, tư chất vốn kém cỏi, hành vi lại phóng túng, rất không được lòng Ung Chính. Vì vậy, Ung Chính quyết định bỏ Hoằng Thời mà lập Hoằng Lịch làm Trữ quân (thời nhà Thanh, người kế vị hoàng đế thường được gọi là Trữ quân).
Tên của Càn Long được viết trong chỉ dụ truyền ngôi, cất trong một chiếc hộp, giấu sau tấm biển “chính đại quang minh”, phía trên ngai vàng của Càn Thanh cung. Đây cũng là cách thức chọn người kế vị được xem là chính thống của triều Thanh.
Càn Long cũng hiểu được rằng, tuy chỉ là con thứ, nhưng bản thân lại được lên ngôi hoàng đế là dựa vào phúc phần của ông nội Khang Hy. Vì thế, trong suốt cuộc đời làm hoàng đế, ông luôn tỏ ra vô cùng sùng bái Khang Hy.
Cũng theo ghi chép của “Thanh Thực Lục”, mùa xuân năm Khang Hy thứ 61 (năm 1722), Ung Chính mời Khang Hy đến thưởng hoa. Ung Chính tâu:
- Hai cháu trai của ngài vẫn chưa được thấy thánh nhan.
Khang Hy liền cho gọi hai cháu đến. Vừa thấy Hoằng Lịch, Khang Hy đã tỏ ra vô cùng yêu thích, sau đó, cho người đến lấy bát tự sinh thần (giấy ghi chi tiết ngày sinh tháng đẻ) của Hoằng Lịch tới.
Vốn trong cung có một vị quan chiêm bốc (chức quan làm nhiệm vụ bói toán, xem xét ngày giờ, thiên văn cho hoàng đế) rất giỏi, biệt danh La Hạt Tử.
Khang Hy yêu cầu La Hạt Tử xem số mệnh cho Hoằng Lịch, nhưng lại giấu không nói đứa trẻ là trai hay gái. La Hạt Tử nói:
- Sinh Tân Mão, Đinh Dậu, Canh Ngọ, Bính Tý. Nếu là nữ thì mệnh đào hoa. Nếu là nam thì số mạng rất hiếm gặp, là số đại quý, người này thọ mệnh dồi dào, con cháu đông đúc. Vậy, nếu chủ nhân của bát tự này là nữ thì lớn lên làm kỹ nữ, còn nếu là nam thì thần không dám nói.
Khang Hy nghe vậy tỏ ra rất hài lòng, bèn triệu Hoằng Lịch vào cung để đích thân dạy dỗ.
Có thể thấy, dù các tài liệu lịch sử thể hiện khác nhau, nhưng đều tổng kết được rằng, ngay từ khi còn nhỏ, Càn Long đã được ông nội là Khang Hy vô cùng sủng ái. Chính điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới quyết định lập Càn Long làm hoàng đế kế vị của Ung Chính sau này.
Về thân thế của Càn Long, có một số thuyết cho rằng, Càn Long chính là con đẻ của Khang Hy đế. Một số tác phẩm đời sau thể hiện, mẹ ruột của Càn Long là Tiền thị. Trước khi làm vợ của Ung Chính, bà đã từng tiến cung hầu hạ Khang Hy, nhưng không được sắc phong bất kỳ danh vị nào.
Mấy năm sau, Tiền thị được đưa vào Ung vương phủ của tứ hoàng tử - Ung Chính. Sau khi Ung Chính lên ngôi, bà được phong làm Hy phi. Sau cùng, Hy phi mới được phong làm Hiếu Thánh Hiến Hoàng hậu.
Càn Long lại thường thể hiện sự tôn trọng đối với Khang Hy chứ không hay nhắc đến cha là Ung Chính. Vì vậy, việc truyền ngôi cho Ung Chính chẳng qua chỉ là một nước cờ “trung gian”, để Khang Hy có thể giúp Càn Long kế vị.
Tuy nhiên, quan điểm này không hề có cơ sở lịch sử nào chứng minh. Mặt khác, Khang Hy cũng không đời nào thực hiện một kế hoạch kém cỏi như vậy. Đơn giản bởi lẽ, không có gì đảm bảo được rằng, sau khi Khang Hy mất, Ung Chính sẽ lập Hoằng Lịch lên ngôi mà không phải người con trưởng là Hoằng Thời.
Một giả thuyết khác lại cho rằng, Càn Long vốn là người Hán. Chuyện kể rằng năm Khang Hi thứ 50 (năm 1711), vương phi của Ung Chính sinh con. Cũng trong ngày hôm đó, nhà họ Trần ở Hải Ninh có thêm một đứa trẻ.
Nhà họ Trần ở đây chính là Trần Thế Quán, hay còn gọi là "Trần Các Lão", một người từng làm quan dưới thời Khang Hy và có quan hệ cực kỳ thân thiết với Ung Chính.
Vương phi của Ung Chính sinh ra một bé gái, còn vợ của Trần Thế Quán lại sinh ra một bé trai. Ung Chính nghe nói hai đứa trẻ sinh cùng ngày, bèn lệnh cho Trần Thế Quán mang con trai đến xem mặt.
Khi đứa bé được trả về cho nhà họ Trần, vốn ban đầu là con trai lại trở thành con gái. Đứa con trai nhà họ Trần đã bị đánh tráo vào phủ Ung Chính sau này chính là vua Càn Long .
Tuy nhiên, đây thực chất chỉ là một sản phẩm hư cấu, thường được sử dụng trong các tiểu thuyết kiếm hiệp, thể hiện niềm mong ước, tự an ủi của người Hán, khi đất nước bị người Mãn Châu đô hộ mà thôi.