Người dân đồng tình ủng hộ phong trào NTM
Xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp (tỉnh Kiên Giang) là một trong những xã đầu tiên đạt chuẩn NTM của tỉnh, năm 2023 xã tiếp tục được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Từ tiền đề đó xã phấn đấu đến cuối năm 2024 sẽ đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, trở thành xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Kiên Giang.
Đường giao thông nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp của xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp (tỉnh Kiên Giang). Ảnh: Hồng Cẩm.
Theo ông Nguyễn Minh Lành, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp B cho biết, tính đến ngày 15/10 xã Tân Hiệp B đã thực hiện hoàn thành cơ bản đạt 10/10 tiêu chí NTM kiểu mẫu. Hiện 100% đường giao thông nông thôn xã đã được cứng hóa và được bảo trì hàng năm, trong đó có 95% tuyến đường rộng từ 3,5m trở lên, xe ô tô đi lại thuận tiện; 100% tuyến đường đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp và có các hạng mục camera giám sát, biển báo, biển chỉ dẫn, cây xanh…
100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã đã được đê bao khép kín, tưới tiêu chủ động, từ đó tình hình sản xuất của bà con thuận lợi, năng suất lúa vụ Đông Xuân lên đến 9,2 tấn/ha/vụ. 100% hộ dân có điện sử dụng; 99% hộ có nước sạch sử dụng; 70% hộ dân đã chủ động thu gom, phân loại và xử lý rác thải cứng đúng quy định.
Thu nhập bình quân tăng đầu người đạt 84,8 triệu đồng/năm/người; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 2% (phấn đấu đến cuối năm giảm còn 1,5%).
Cùng với đó, hệ thống trường học, trạm y tế đều đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao giúp việc học hành, chăm sóc sức khỏe nhân dân được tốt hơn.
Hiện toàn xã có 5 HTX, trong đó có 2 HTX liên kết, bao tiêu sản phẩm (Tân An và Tân Phước); 2 tổ hợp tác và 2 phẩm đạt OCOP 3 sao...
Ông Cao Hiền Hữu (76 tuổi), người dân ấp Tân An, xã Tân Hiệp B, cho biết: Mấy năm nay nhờ phong trào xây dựng NTM mà đời sống bà con nhân dân ở đây thay đổi rõ rệt.
Nhà nước đầu tư mở rộng đường giao thông từ 2m lên 4m, thuận tiện cho việc đi lại, giao thương mua bán cho người dân.
Từ đó mà người dân tự ý thức tham gia dọn dẹp cảnh quan môi trường, trồng cây xanh, làm hàng rào, xây hố rác.... tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.
Bên cạnh đó, bà con cũng đóng góp kinh phí 50-50 cùng Nhà nước lắp đặt đèn chiếu sáng, camera an ninh... từ tình hình an ninh trật tự đảm bảo hơn, bà con rất yên tâm.
Về thủ tục hành chính, theo ông Hữu, người dân cần làm giấy tờ lên xã được cán bộ hướng dẫn tận tình, đến hẹn là đến nhận kết quả.
"Chúng tôi người già cả, làm gì biết sử dụng điện thoại thông minh, công điện tử là đăng ký dịch vụ công, nhưng nhờ các cán bộ xã hỗ trợ, hướng dân nhiệt tình mà hồ sơ, giấy tờ gì cũng xong nhanh chóng hết"- Ông Hữu chia sẻ.
Đời sống người dân được nâng lên rõ rệt
Cũng nằm trong nhóm xã đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh Kiên Giang (vào năm 2017), đến năm 2023 xã Thới Quản, huyện Gò Quao được công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Đây là xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, với hơn 1.500 người, chiếm trên 30% dân số của xã.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thới Quản cho biết: Nếu trước năm 2015, hầu hết các tuyến đường trong xã là lộ bê tông có chiều ngang từ 1,5-2 m, còn lại là lô đất nên việc đi lại cũng như giao thương hàng hóa của người dân hết sức khó khăn.
Đến nay ngoài tuyến đường liên xã, 100% trục đường liên ấp của xã đã được nhựa hoặc bê tông hóa với chiều rộng từ 3-4m, đảm bảo xe ô tô con, xe tải nhỏ đến tận nhà, vườn của nông dân để thu mua nông sản cũng như trao đổi hàng hóa của bà con.
Hệ thống trường học, trạm y tế đều đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao giúp việc học hành, chăm sóc sức khỏe nhân dân được tốt hơn. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt trên 99%...
Bà Thị Đào, chủ cơ sở dịch vụ đám tiệc ở xã Thới Quản chia sẻ, trước năm 2018, gia đình chủ yếu sử dụng vỏ lãi để chở rạp cưới, bàn tiệc… đi phục vụ đám tiệc. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây khi hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ bà Đào chuyển sang vận chuyển bằng xe tải thuận tiện hơn trước rất nhiều.
Đường giao thông nông thôn ở ở xã Thới Quản, huyện Gò Qua, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Hồng Cẩm.
"Các tuyến đường và cầu trên địa bàn xã cho phép xe tải từ 1 tấn đến 2,5 tấn lưu thông giúp gia đình tôi tiết kiệm chi phí, vận chuyển đồ nhanh hơn.
Ngoài ra, nhờ mở rộng các trục đường nên khu vực nhà tôi có đông đúc người qua lại nên gia đình tôi mở bán quán ăn, nước giải khát giúp tăng thu nhập gia đình khoản 1,5 tỷ đồng/năm và sau khi trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng.
Cuộc sống khấm khá hơn nên gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân trong xóm đã đầu tư hàng rào, trồng thêm cây xanh, hoa kiểng tạo cảnh quan sáng xanh, sạch đẹp nên chất lượng cuộc sống nâng cao hơn trước rất nhiều ", bà Đào nói.
Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, Phó Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Kiên Giang cho biết, qua hơn 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng".
Qua đó, giúp cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn như: cầu, đường giao thông, trạm y tế, trường học… được đầu tư đồng bộ tạo điều kiện người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đến nay, 100% xã trong đất liền, các đường liên ấp, liên xã được nhựa hóa, bê-tông hóa, tổng chiều dài hơn 6.800/9.565 km, đạt tỷ lệ trên 71%. Hạ tầng điện, trường học, trạm y tế được đầu tư. Đời sống dân cư nông thôn ngày càng cải thiện, nâng lên, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn từ 46,7 triệu đồng/người (năm 2020) đến cuối năm 2013 tăng lên 57,8 triệu đồng/người/năm.
"Trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng NTM tỉnh luôn quán triệt tinh thần "xây dựng NTM có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc". Trên tinh thần đó, ban chỉ đạo các cấp tuyệt đối không chủ quan, bằng lòng với kết quả đạt được mà phải quyết tâm cao, đổi mới sáng tạo để duy trì, nâng cao các tiêu chí NTM. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương để tiếp tục đẩy mạnh phát triển phong trào xây dựng NTM thiết thực, hiệu quả hơn" - ông Lê Hữu Toàn nhấn mạnh.
Hệ thống đèn chiếu sáng 100% các tuyến đường ở xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp (tỉnh Kiên Giang) là do nhân dân và Nhà nước cùng làm. Ảnh: Hồng Cẩm