Quan Vũ (? - 220), tự Vân Trường, quê ở Vận Thành, tỉnh Sơn Tây, miền bắc của Trung Quốc ngày nay. Ông là một trong những nhân vật lịch sử của Trung Quốc được biết đến nhiều nhất ở khu vực Đông Á, hình tượng của ông đã được tiểu thuyết hóa trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung và sau này được khắc họa trong các dạng hình nghệ thuật như kịch, chèo, tuồng, phim ảnh...
Quan Vũ là một trong Ngũ hổ tướng nhà Thục Hán cùng với Trương Phi, Triệu Vân, Hoàng Trung, Mã Siêu.
Quan Vũ được miêu tả có khuôn mặt đỏ như gấc, mắt phượng mày tằm, râu dài hai thước, tay cầm Thanh long yển nguyệt đao cưỡi trên ngựa Xích Thố, dáng vẻ oai phong lẫm liệt, tính tình hào hiệp, trượng nghĩa, sức chiến đấu mạnh mẽ địch vạn người.
Trong lịch sử Trung Quốc, Quan Vũ là danh tướng có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với hậu thế. Các nhà thống trị phong kiến xem ông là biểu tượng "trung dũng thần vũ" và tinh thần "vì nước quên thân".
Trong khi đó, đối với dân gian, Quan Vũ được xem như sự hiện hữu của khái niệm "nghĩa khí vân thiên".
Quan Vũ được liệt đại Hoàng đế Trung Quốc truy phong, trong toàn bộ chiều dài lịch sử văn hóa và tôn giáo nước này, ông cũng là nhân vật duy nhất được cả Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo phong làm thần linh.
Quan Vũ được phong là Võ thánh sánh ngang với Văn thánh Khổng Tử.
Chính vì Quan Vũ được tôn là bậc thần nhân nên có rất nhiều truyền thuyết kỳ bí cũng như nhiều giai thoại về cuộc đời ông. Trong đó khi nói về khả năng chịu đựng và dũng khí của Quan Vũ thì phải kể đến giai thoại khoét thịt cạo xương mà không hề nhau mày kêu đau của ông.
Trong Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung cũng đưa sự việc này vào truyện để nêu bật dũng khí của Quan Vũ. Tuy nhiên, La Quán Trung hư cấu thêm tình tiết Quan Vũ chịu khoét thịt trong lúc đánh cờ, còn người thầy thuốc chính là Hoa Đà. Theo đó, trong một lần giao chiến, Quan Vũ bị một mũi tên độc bắn trúng cánh tay phải. Thầy thuốc nổi tiếng nhất thời đó là Hoa Đà đã rạch một vết mổ ở cánh tay phải của ông và nạo độc ra khỏi cơ và xương. Trong tiếng cạo xương ken két, Quan Vũ vẫn uống rượu và chơi cờ khiến bao người nể phục.
Ông điềm tĩnh nói chuyện và cười đùa vui vẻ như không có gì xảy ra trước sự chứng kiến của các tướng lĩnh và binh sĩ, khiến họ ngưỡng mộ và tôn sùng.
Hoa Đà trị thương cho Quan Vũ.
Tuy nhiên theo Tam quốc chí của sử gia Trần Thọ chép, Quan Vũ từng bị trúng tên, bắn xuyên cánh tay trái, sau vết thương tuy đã khỏi nhưng mỗi lúc mưa dầm trở gió, xương cốt vẫn thường đau nhức, thầy thuốc chẩn đoán rằng: “Mũi tên có thuốc độc, chất độc ấy thấm vào xương cốt, giờ phải khoét thịt ở cánh tay bị thương, nạo xương trừ bỏ chất độc, rồi sau mới điều trị được gốc bệnh”. Quan Vũ liền duỗi tay sai thầy thuốc chữa trị. Lúc ấy, Quan Vũ cùng chư tướng uống rượu nói chuyện, máu trên cánh tay chảy đầm đìa đầy cả chậu, mà ông vẫn cắt thịt nướng uống rượu, cười nói như không.