Dân Việt

Quy trách nhiệm với chính quyền địa phương nếu để trẻ em đuối nước

Trọng Bình- Dương Út 02/04/2014 11:24 GMT+7
Chủ tịch UBND cấp huyện bị kiểm điểm nếu để tới 3 trẻ chết đuối/năm. Đó là chỉ đạo nghiêm khắc của tỉnh Đồng Tháp trước thực trạng trẻ đuối nước gia tăng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu địa phương nào cũng nghiêm khắc và tăng cường trông trẻ thì đuối nước sẽ giảm đi.

“Chỉ một chút lơ đễnh thôi mà…”


Ông Lê Hữu Dụng - Trưởng phòng chăm sóc trẻ em, Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Tháp cho biết: Trong năm 2013 và đầu năm 2014, trên địa bàn tỉnh xảy ra 57 trường hợp trẻ em chết do đuối nước. Giờ đang là mùa khô, nhưng tỷ lệ trẻ chết do đuối nước vẫn ở mức cao, đa số là trẻ nhỏ, do gia đình lao động, không người trông coi, một số gia đình còn lơ là… Chỉ riêng trong tháng 3 vừa qua, Đồng Tháp có 4 trẻ (từ 2 - 5 tuổi) bị chết đuối.

Tình huống thiếu quan tâm đến trẻ em thường thấy ở các vùng sông nước.
Tình huống thiếu quan tâm đến trẻ em thường thấy ở các vùng sông nước.

Trong số các vụ đuối nước ở Đồng Tháp gần đây, tang thương nhất là vụ 2 trẻ là con anh Bùi Thanh Giang (huyện Lai Vung) chết vì lật xuồng. Do không có đất ở, anh mang theo cả ba đứa con nhỏ cùng đi trên xuồng ra sông Hậu bắt cá.

Sóng to, gió lớn đã làm lật xuồng và cướp đi sinh mạng 2 con của anh là Phạm Ngọc Thúy (SN 2009) và Phạm Tuyết Nhi (SN 2011). Anh Bùi Thanh Giang nói trong đau xót và hối hận: “Cũng vì chén cơm manh áo chú ơi, mà cũng tại vợ chồng tui, cứ lo cào cá mà không lo đến tính mạng mấy đứa nhỏ, phải chi…”.

Còn chuyện trẻ em lọt sông chết đuối, dù đã được cảnh báo nhưng vẫn xảy ra với tần suất lớn. Cứ mỗi lần nhắc tới cái chết của con trai Võ Đức Tường (SN 2012), chị Phạm Thị Tuyết Nga (ngụ ấp khánh Nghĩa, xã Tân Khánh Đông, thị xã Sa Đéc, Đồng Tháp) lại khóc tới nghẹn lời.

Chị Tuyết Nga vừa khóc vừa kể: “Hôm đó, trong lúc mọi người đang làm bánh phía sau nhà, thì Tường và chị là Võ Ngọc Trâm (SN 2011) đi xuống cầu ở dưới sông phía trước nhà chơi. Tôi mải làm bánh nên không để ý. Khi nghe cháu Trâm kêu lên, mọi người trong nhà chạy ra thì không thấy Tường đâu nên nhảy xuống kênh mò tìm, sau đó vớt được thi thể cháu. Chỉ một chút lơ đễnh thôi mà...”.

Cần hành động ngay…

Không chỉ Đồng Tháp mà thời điểm này các tai nạn đuối nước thương tâm ở trẻ xảy ra ở rất nhiều địa phương với nhiều nguyên nhân. Tỉnh An Giang dù đã tăng cường tối đa các biện pháp phòng tránh nhưng cũng có tới vài chục trẻ bị đuối nước mỗi năm. Ông Phan Văn Lê - Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang cho biết: “Thường thì trẻ em, nhất là các bé 1 - 2 tuổi đuối nước nhiều trong mùa lũ, nhưng giờ đuối nước quanh năm”.

Theo thống kê của Liên đoàn Cứu sinh quốc tế, mỗi năm Việt Nam có hơn 6.000 trẻ em chết do đuối nước. Từ năm 2007 - 2011, tỷ lệ trẻ em chết do đuối nước có chiều hướng gia tăng, chỉ xếp sau tai nạn giao thông. Tỷ lệ trẻ em chết vì đuối nước ở Việt Nam cao gấp 3 tỷ lệ bình quân của thế giới.

Tại các tỉnh miền Đông, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, thời tiết đang nắng nóng, số trẻ tắm ao hồ không có sự quản lý của người lớn là khá nhiều.

Mới đây nhất, ngày 31.3, 3 học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Huệ (ngụ tại xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) là các em Hồ Thị Hoa, Lê Hoàng Sương, Trần Thị Hiền cũng bị tử thần kéo đi tại khu vực sông Trường, đoạn chảy qua thôn 2, xã Trà Giang…

Chiều 30.3, hai nữ sinh Lê Hồng Thanh (SN 2000) và Trần Thị Hương (SN 2003) ở xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, cũng chết đuối khi đi chăn bò. Theo phỏng đoán, 2 em xuống hồ nước sâu bắt ốc và sẩy chân...

Trước thực trạng đuối nước ngày càng nhiều, ngay cả cơ quan phụ trách về lĩnh vực này cũng đã lên tiếng: Không thể chỉ kêu gọi ý thức chung chung được mà cần hành động và có các biện pháp cụ thể phòng chống đuối nước cho từng lứa tuổi của trẻ. Ông Phan Văn Lê cho rằng cần phân loại những tình huống đuối nước của trẻ theo những tiêu chí riêng để có những giải pháp cụ thể.

Với trẻ nhỏ 1-2 tuổi dễ đuối nước khi ở sông, rạch thì cần nhân rộng các mô hình giữ trẻ trong các khu dân cư trên kênh rạch. Với học sinh thì phải tổ chức đưa rước... Ông Lê nêu dẫn chứng: “Huyện An Phú, Tân Châu là những nơi đầu nguồn, nhiều học sinh băng nước lũ đến trường nên ngoài việc thành lập các điểm giữ trẻ còn phải tổ chức đưa rước học sinh đi đến nơi, về đến chốn”.

Ở Đồng Tháp, trước tình hình trẻ chết do đuối nước tăng cao nên UBND tỉnh đã “làm mạnh” bằng cách quy trách nhiệm cụ thể cho chủ tịch UBND các huyện, thị, thành. Theo đó, chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phải kiểm điểm và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh khi địa phương mình có từ 3 trẻ trở lên bị đuối nước hằng năm.

Ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Trên tinh thần trách nhiệm cao như vậy, lãnh đạo UBND huyện phải có hành động cụ thể, chịu trách nhiệm cụ thể. Kiểm soát đuối nước không chỉ là chuyện của các gia đình, mà cần có sự hỗ trợ để họ có thể gửi trẻ an toàn, hoặc nâng cao ý thức hơn khi trông con nhỏ trên ghe, xuồng”.

Đã đến lúc phải nghiêm khắc nhìn nhận vấn đề và tìm ra giải pháp hữu hiệu hơn trong việc phòng tránh trẻ em đuối nước; không chỉ dừng lại ở việc báo động suông hay kêu gọi nâng cao ý thức chung chung mà còn phải có những giải pháp, những quy định cụ thể mang tính chế tài cho cả cơ quan quản lý địa phương như Đồng Tháp.