Quê nội ở một huyện ngoại thành của thành phố, có vườn cây rộng và thoáng mát với nhiều loại cây ăn trái. Là con gái, tôi không biết trèo cây hái trái mà chỉ thích theo nội ra vườn, phụ nội tưới rau, bắt sâu và hái rau để nấu canh. Đặc biệt là món canh rau tập tàng đã gắn bó với tuổi thơ, cho đến bây giờ, tôi cũng không thể nào quên được cái hương vị đó.
Canh rau tập tàng là loại canh được nấu bằng những loại rau mọc sẵn trong vườn. Một nhúm đọt ớt, vài đọt lá sam, nhúm rau má, vài nhánh rau bồ ngót, mấy cọng dền cơm, vài lá mồng tơi tím, lá mã đề non, thêm vài lá lốt nữa, thế là có được một nồi canh ngon lành.
Lần nào về tôi cũng giành phần hái rau và đã khám phá được biết bao điều thú vị từ những lá rau mình hái. Lá ớt có mùi hăng hăng dễ chịu, hoa mã đề như con sâu, cây sam nở đầy hoa bé li ti màu tím nhạt, bụi rau ngót già có trái màu trắng ngà be bé, những chùm trái mồng tơi chín tím rịm – một thế giới thần tiên thu nhỏ đối với tôi.
Bà nội bảo, canh rau tập tàng nấu với thịt heo không ngon, chỉ thích hợp với tôm khô, tép bằm hoặc khô cá tra. Khô cá tra mua nguyên con, phần thịt để chiên, còn phần xương đầu dùng nấu canh. Nồi canh được nấu với xương đầu khô có mùi vị rất đặc trưng nhờ nội có “bí quyết” giã nhuyễn một ít gốc hành lá với trái ớt và cho vào khi nước đang sôi mạnh. Rau cắt nhỏ và cho vào nồi khi nước đang sôi mới giữ được màu sắc xanh tươi. Bữa cơm dân dã với đĩa khô chiên, tô canh rau mà cả nhà ai cũng ăn ngon lành.
Từ khi nội mất, tôi không còn được ăn món canh nội nấu nữa. Mỗi lần về quê, tôi cũng thử nấu canh rau tập tàng nhưng sao mùi vị vẫn không giống như nồi canh ngày xưa. Chú Út vẫn giữ lại vườn rau như để nhắc nhở mọi người về tình cảm của nội dành cho con cháu.