Trao đổi với PV Dân Việt chiều ngày 27.8, bà Dương Tuyết Nhung, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Hà Nội cho biết, cuộc sống của các cháu bé, người tàn tật, đối tượng người già cơ nhỡ từ chùa Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội) chuyển về các Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) của TP. Hà Nội cơ bản đã ổn định.
Các trẻ nhỏ được chuyển từ chùa Bồ Đề về trung tâm bảo trợ xã hội của TP. Hà Nội đã ổn định cuộc sống.
“Trước khi đón các cháu bé và người già cơ nhỡ ở chùa Bồ Đề, chúng tôi đã chỉ đạo các Trung tâm bảo trợ xã hội của thành phố chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận và chăm sóc. Vậy nên sau khi đón các cháu bé và người cơ nhỡ là ổn định ngay nơi ở, sinh hoạt của các cháu. Dù vậy, cũng có một số khó khăn vì trong đợt 1 này, chủ yếu là các cháu khuyết tật, bước đầu các cháu chưa quen với môi trường mới, nhớ nhà, các cô các mẹ mới nên các cháu có nhiều bỡ ngỡ. Còn những người cao tuổi khi chuyển về trung tâm bảo trợ xã hội 3 ở Từ Liêm (Hà Nội) thì tinh thần rất thoải mái vui vẻ, xin ở lại trung tâm” bà Dương Tuyết Nhung cho biết.
Khi PV hỏi về việc, phòng Bảo trợ xã hội đã nhận được kế hoạch chuyển đợt 2 các đối tượng trẻ em, người cơ nhớ ở chùa Bồ Đề về các trung tâm BTXH chưa?, bà Nhung cho biết, kế hoạch chuyển do quận Long Biên do quận Long Biên thực hiện.
“Sở LĐ-TB-XH chỉ thẩm định, ra quyết định tiếp nhận các đối tượng về các trung tâm sau khi xem xét hồ sơ đối tượng. Còn kế hoạch chuyển như thế nào là nhiệm vụ của quận Long Biên. Đến nay thì chúng tôi chưa nhận được kế hoạch”, bà Nhung tiết lộ.
Trước đó, liên quan đến công tác chăm sóc các đối tượng trẻ em, người khuyết tật được chuyển từ chùa Bồ Đề về Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ em tàn tật, huyện Ba Vì, Hà Nội, ông Đỗ Đức Hồng, Giám đốc Trung tâm cho biết, ngày 22.8, trung tâm tiếp nhận 18 người từ chùa Bồ Đề chuyển về, trong đó có 17 trẻ tàn tật, 1 người già. Trung tâm đã bố trí cho số người mới chuyển đến ở khu nhà mái bằng khang trang.
Các em nhỏ được các cô, các mẹ ở Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ em tàn tật, huyện Ba Vì chăm sóc chu đáo.
“Hiện tại các em nhỏ đang dần làm quen với môi trường mới nên cũng còn nhiều bỡ ngỡ, lạ lẫm. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ làm giấy khai sinh cho các em nhỏ.
Đối với những em đến độ tuổi đi học, bác sĩ sẽ kiểm tra năng lực, nhận thức nếu đủ điều kiện chúng tôi sẽ liên hệ với bên xã gửi các em đến trường học. Những em nhỏ khả năng nhận thức kém, không đến trường được, trung tâm sẽ cho các em vào lớp học kỹ năng sống, học nhạc, vẽ, văn hóa”, ông Hồng nói.
Ông Hồng cho biết thêm, hiện nay khu đất của trung tâm rộng hơn 5ha nên có tăng gia trồng rau, nuôi lợn, thả cá để cải thiện bữa ăn của trẻ nhỏ, người già. Theo quy định, chế độ ăn của người già tàn tật là 700 nghìn đồng/ tháng; trẻ em là 875 nghìn đồng/tháng.
“Trong thời gian tới, trung tâm sẽ bàn bạc với Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội tiếp nhận thêm một số trẻ nhỏ, người già ở chùa Bồ Đề. Hiện tại, cơ sở vật chất của trung tâm có thể tiếp nhận ngay 30 đến 35 cháu nhỏ”, ông Hồng chia sẻ.