Daniel Ellsberg, người được coi là nguy hiểm nhất nước Mỹ trong những năm chiến tranh Việt Nam.
Tháng 10/1969, Daniel Ellsberg – một sỹ quan nghiên cứu chiến lược của Lầu Năm Góc - đã quyết định sao chụp hàng nghìn trang tài liệu mật chứa đựng nhiều sự dối trá của chính phủ Mỹ về cuộc chiến tranh Việt Nam. Hai năm sau, ông công bố các tài liệu nói trên trong một sự kiện được mô tả là “tấn công vào sự toàn vẹn của chính phủ” và khiến “cả nước Mỹ kinh hoàng”.
Hành động quả cảm này khiến Ellsberg bị giới cầm quyền coi là “người nguy hiểm nhất nước Mỹ”, đặt ông đối mặt với một mức án lên tới 115 năm tù giam, nhưng đồng thời nó đã góp phần tạo ra một làn sóng phản chiến lớn chưa từng có. Cùng với vụ bê bối “Watergate”, bản “Tài liệu Lầu Năm Góc” đã góp phần dẫn đến sự ra đi của Tổng thống Nixon.
Luận án tiến sỹ của ông có nhan đề “Rủi ro, Mơ hồ và Quyết định”, được coi như một bước ngoặt dẫn tới sự ra đời của lý thuyết về quyết định và kinh tế hành vi. Ellsberg có 3 năm phục vụ trong lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ, từ 1954 đến 1957.
Từ năm 1959-1964, ông là một chuyên gia phân tích chiến lược tại RAND - một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại California - và là chuyên gia của Bộ Quốc phòng và Nhà Trắng chuyên về các vấn đề chỉ huy và kiểm soát vũ khí nguyên tử, lập kế hoạch chiến tranh nguyên tử và ra quyết định trong các tình huống khủng hoảng.
Năm 1964, Ellsberg gia nhập Bộ Quốc Phòng với tư cách là Trợ lý Đặc biệt cho John McNaughton – trợ lý cho Bộ trưởng Quốc phòng McNamara. Các báo cáo của Ellsberg đã dẫn đến quyết định của McNamara triển khai kế hoạch leo thang đánh bom miền Bắc Việt Nam, bắt đầu vào tháng 2/1965 và kéo dài trong hơn 3 năm sau đó.
Cảm thấy có điều gì đó không ổn về cuộc chiến, Ellsberg xin chuyển sang Bộ Ngoại giao và sang công tác tại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn 2 năm để được tận mắt chứng kiến những gì đang diễn ra.
Khi trở về Mỹ, quan điểm của Ellsberg đã thay đổi từ chỗ đánh giá Việt Nam là một “vấn đề cần giải quyết” thành “đó là một bãi lầy” mà Mỹ cần rút khỏi. Ông quay trở lại RAND năm 1967, phục vụ cho một dự án nghiên cứu tối mật của McNamara về Việt Nam giai đoạn 1945-1968.
Đây chính là bản tài liệu sau này nổi tiếng với tên gọi “Tài liệu Lầu Năm Góc”. Sau khi đọc hết toàn bộ 7.000 trang tài liệu (chỉ có 3 người làm được việc này), Ellsberg vỡ ra rằng cuộc chiến tranh Việt Nam thực chất là một cuộc chiến do Mỹ khơi mào và nó được duy trì qua bốn đời tổng thống liên tiếp mặc dù họ đều biết đây là một cuộc chiến “không thể thắng”. Ông tiếp tục tìm hiểu và biết lý do đằng sau là họ không muốn “mất mặt”.
Với những gì đọc được từ Tài liệu Lầu Năm Góc và chứng kiến tận mắt tại Việt Nam, Ellsberg kết luận cuộc chiến tại Việt Nam không chỉ là một “bãi lầy”, hay “một mục đích cao cả sai lầm”, mà còn là một tội ác – một cuộc tàn sát tập thể. Ông tuyên bố một câu nổi tiếng về sự can dự của Mỹ tại Việt Nam: “Không phải chúng ta đứng về phe phi nghĩa, mà chúng ta là phe phi nghĩa”.
Tháng 10/1969, với sự giúp đỡ của Anthony Russo, một cựu thành viên của RAND, Ellsberg bắt đầu sao chụp 7.000 trang Tài liệu Lầu Năm Góc. Từ đó đến đầu năm 1971, ông trao một số trang cho một vài nghị sỹ, trong đó có William Fulbright, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và thượng nghị sỹ George McGovern – người tranh cử tổng thống bằng bản cương lĩnh chống chiến tranh.
Tuy nhiên, những nỗ lực của các nghị sỹ này nhằm tạo ra sự thay đổi đối với Quốc hội cũng như chính phủ Mỹ đã không mang lại hiệu quả.
Tháng 3/1971, Ellsberg trao bản sao của tài liệu tối mật cho tờ New York Times, nơi chúng bắt đầu được công bố một số nội dung chính kể từ ngày 13/6 năm này và tạo ra một cơn chấn động trong dư luận Mỹ. Không khó để Cục Điều tra Liên bang xác định Ellsberg là đầu mối tình nghi số một nơi bản tài liệu bị rò rỉ và một trong những vụ truy nã nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ đã được tiến hành.
Trong 2 tuần lẩn trốn ở thành phố Cambridge, bang Massachusettes, Ellsberg tiếp tục tiết lộ tài liệu cho hơn một chục tờ báo khác, trong đó có tờ Bưu điện Oasinhtơn. Ông còn gửi cho thượng nghị sỹ Mike Gravel, người đã chuyển nó thành tư liệu âm thanh để lưu tại Thượng viện.
Vụ xét xử Russo-Ellsberg được tiến hành vào ngày 3/1/1973, ngay sau khi Richard Nixon tái đắc cử Tổng thống với một chiến thắng vang dội. Vụ xử kéo dài được 4 tháng thì bất ngờ xuất hiện một tình tiết quan trọng liên quan đến vụ “Watergate” cũng đang trong giai đoạn điều tra.
Một nhóm người núp bóng “Đội Điều tra Đặc biệt” của Nhà Trắng đã bị phát hiện từng đột nhập vào văn phòng của bác sỹ tâm lý của Ellsberg vào năm 1971. Vài ngày sau, một tờ báo đưa tin Thẩm phán Matthew Byrne, chủ tọa phiên tòa xét xử Ellsberg-Russo, đã từng được trợ lý hàng đầu của Nixon đến thăm và hứa hẹn chức vụ Giám đốc FBI.
Tiếp đến, dư luận lại sục sôi sau khi biết được các cuộc điện thoại của Ellsberg đã từng bị ghi lén trong gần 2 năm. Ngày 11/5/1973, vụ xét xử Ellsberg-Russo đã được tuyên hủy do chính phủ có quá nhiều vi phạm. Tất cả các tội danh chống lại hai người đều bị hủy bỏ và họ được trả tự do.
Trong khi đó, vụ đột nhập vào văn phòng bác sỹ tâm lý của Ellsberg đã dẫn tới hai trong bốn luận điểm được đưa ra trong bản cáo buộc bất tín nhiệm đối với Tổng thống Nixon, khiến ông cuối cùng đã phải từ chức vào ngày 8/8/1974.
Một ngày trước khi vụ án Russo-Ellsberg bị hủy, ngày 10/5/1973, Quốc hội Mỹ bỏ phiếu ngừng viện trợ cho cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Binh lính Mỹ lần lượt rút quân và cuộc chiến chính thức chấm dứt vào ngày 30/4/1975 khi Quân Giải phóng cùng các lực lượng cách mạng và nhân dân Việt Nam kết thúc thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.