Dân Việt

Nuôi bò để thoát nghèo bền vững

Trọng Bình 31/10/2014 08:41 GMT+7
Hội Nông dân (ND) xã Tấn Mỹ (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) đang triển khai nhân rộng mô hình nuôi bò vỗ béo, qua đó từng bước giúp nhiều hội viên, ND thoát nghèo một cách bền vững.

Nâng cấp từ mô hình “2B”

Từ lâu, ND huyện Chợ Mới (An Giang) đã phổ biến rộng rãi cho nhau thực hiện mô hình “2B”, là trồng bắp (ngô) thu trái non và tận dụng thân, vỏ trái bắp để nuôi bò. Tuy nhiên mô hình “2B” này thường phải kéo dài thời gian nuôi bò và lệ thuộc vào nguồn thức ăn là cây bắp nên chưa phù hợp với đối tượng là hộ nghèo. Với hộ nghèo vốn ít, hoặc những hộ ND không còn đất sản xuất thì cần rút ngắn thời gian nuôi bò. Chính vì thế mà hình thức nuôi bò vỗ béo ra đời được “nâng cấp” từ mô hình “2B”.

img Ông Nguyễn Thành Tâm ở xã Tấn Mỹ (huyện Chợ Mới, An Giang) khấm khá nhờ nuôi bò vỗ béo.

“Do nguồn thức ăn từ bắp khó chủ động, lúc đắt, lúc rẻ không ổn định, nên tôi đã chuyển 7 công đất lúa của mình sang trồng cỏ để nuôi 10 con bò vỗ béo. Nhờ có nguồn thức ăn ổn định, chủ động cho bò ăn “thúc” nên tôi chỉ nuôi bò trong 9 tháng là được xuất chuồng. Nuôi bò vỗ béo mau thu hồi vốn, đồng vốn xoay vòng nhanh và chắc ăn hơn, theo kiểu lấy ngắn nuôi dài” – anh Nguyễn Thành Tâm, ND ấp Tấn Bình (Tấn Mỹ) chia sẻ.

Thấy hiệu quả rõ rệt, nhiều hộ không có đất sản xuất mạnh dạn thuê đất trồng cỏ để nuôi bò vỗ béo và đã có thu nhập khá. Ông Phạm Văn Thành, ND ấp Tấn Lợi sau lần nuôi thử bò vỗ béo thấy có lãi nên đã thuê đất trồng cỏ và tính làm ăn lâu dài. “Tôi không còn mua bắp cho bò ăn vì không hiệu quả bằng trồng cỏ. Hai công đất thuê giá 3 triệu đồng/năm, trồng cỏ đủ nuôi 3 con bò. Nhờ chủ động được nguồn thức ăn nên tôi dễ “thúc” bò béo lên. Chỉ sau 9 tháng nuôi, mỗi con bán được 40 triệu đồng. Trừ tiền vốn bò giống 16 triệu đồng và thức ăn khoảng trên dưới 4 triệu đồng coi như lãi 20 triệu đồng/con…” – ông Thành hạch toán.

Nhân rộng mô hình cho hội viên

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch Hội ND xã Tấn Mỹ cho biết: “Nuôi bò vỗ béo đầu tư 1 đồng lãi 1 đồng nên ND nhanh thu hồi vốn. Hội ND xã đã nhanh chóng phổ biến kinh nghiệm, kiến thức, nhân rộng mô hình nuôi bò vỗ béo trong hội viên, ND”. Đến nay, Hội ND xã Tấn Mỹ đã tiến hành đợt 2 tổ chức tín chấp với ngân hàng cho hội viên, ND vay vốn đầu tư nuôi bò theo Nghị định 41 của Chính phủ. Theo đó, 100% hội viên, ND sau khi được tư vấn, hướng dẫn đều chọn hình thức nuôi bò vỗ béo. Đợt đầu vay vốn đã minh chứng, 100% hộ vay nuôi bò vỗ béo đều có lãi ở mức khá và 100% hộ vay hoàn trả vốn gốc và lãi đúng hạn.

Chị Lê Thị Nhị, ND ấp Tấn Phước cho biết: “Qua tín chấp của Chi hội ND ấp, tôi được vay đợt đầu 50 triệu đồng để nuôi bò vỗ béo. Kết thúc đợt vỗ béo, tôi đã trả vốn gốc, lãi cho ngân hàng, còn dư được hơn 16 triệu đồng/con bò”. Năm 2014, chị Nhị tiếp tục vay đợt 2 được 50 triệu đồng, đầu tư trồng 4 công bắp xen cỏ để nuôi vỗ béo 6 con bò. Chỉ vài ba tháng nữa là bò được xuất chuồng.

   Năm 2013, Hội ND xã Tấn Mỹ đã hướng dẫn cho hội viên ND lập được 6 tổ vay vốn chăn nuôi bò vỗ béo, đã tín chấp cho 118 hộ với tổng  số tiền là 5,4 tỷ đồng. Năm 2014 này, Hội ND xã thành lập thêm được 7 tổ vay vốn với 154 hộ có dư nợ 7,4 tỷ đồng để chăn nuôi bò vỗ béo.