Trả lời phỏng vấn báo chí, ông cho biết trong tháng 7 sẽ làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân đơn vị liên quan đến hư hỏng tàu 67. Thời điểm này đã là tháng 8, Bộ NNPTNT đã làm rõ và có hình thức xử lý gì rồi?
- Đối với vụ việc này, Bộ NNPTNT đánh giá rất cao tinh thần vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, nếu tỉnh nào cũng vào cuộc cao như Bình Định thì sẽ không còn hiện tượng các cơ sở đóng tàu làm ăn gian dối, đóng tàu kém chất lượng, gây tổn hại cho ngư dân và ảnh hưởng đến chính sách lớn có ý nghĩa kinh tế chính trị xã hội cao.
Sau khi sự cố xảy ra, Bộ NNPTNT đã phối hợp rất chặt chẽ với tỉnh Bình Định, hiện nay Bình Định đã yêu cầu hai cơ sở đóng tàu vào Bình Định để khắc phục sự cố, đền bù cho ngư dân. Bộ NNPTNT cũng đã cử một đoàn cán bộ vào kiểm tra giám sát quá trình sửa tàu của hai công ty này. 9 tàu vỏ thép ở Bình Định có máy hỏng đã được Công ty TNHH MTV Nam Triệu thay máy mới hoàn toàn, còn Công ty Đại Nguyên Dương đã đưa 5 còn tàu lên lấy mẫu chất lượng vỏ thép để đi thẩm định, nếu đảm bảo chất lượng mà không đúng hợp đồng thì chủ xưởng phải bù lại tiền chênh lệch cho chủ tàu, còn nếu thép không đảm bảo chất lượng thì lập tức phải thay ngay.
Về xử lý vụ việc cũng như xử lý trách nhiệm các cá nhân đơn vị liên quan, Bộ NNPTNT đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an vào cuộc điều tra làm rõ. Tôi được biết Thủ tướng đã giao cho Bộ Công an vào cuộc làm rõ.
Tàu “67” của ngư dân Bình Định đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đang được đưa lên đà chờ sửa chữa. ảnh: Đ.T
Việc xử lý trách nhiệm đối với Trung tâm Đăng kiểm thuộc Bộ NNPTNT đã làm đến đâu, thưa ông?
- Bộ NNPTNT đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản kiểm điểm đối với Trung tâm Đăng kiểm và các cán bộ liên quan. Riêng vụ việc ở Bình Định, Bộ NNPTNT đã đình chỉ 2 trưởng nhóm công tác của tổ đăng kiểm của Tổng cục Thủy sản, hiện nay đang cho kiểm điểm. Đối với trách nhiệm của Bộ NNPTNT, hiện nay đang giao cho Tổng cục Thủy sản sẽ kiểm điểm và tới đây sẽ xem xét xử lý trong tháng 8. Lẽ ra phải có kết luận và xử lý trong tháng 7, nhưng chúng tôi nhận thấy đây là vấn đề hết sức phức tạp, và để thận trọng, Tổng cục Thủy sản đã thành lập tổ giám sát kỹ thuật đối với Trung tâm Đăng kiểm để làm việc khách quan, hiện nay tổ giám sát đang làm việc. Chúng tôi cũng sẽ xem xét và xử lý nghiêm đối với các cá nhân liên quan, quan điểm sai đến đâu xử lý đến đó, xử lý đúng theo quy định của pháp luật. Thứ hai, chúng tôi cũng sẽ tổng rà soát lại các quy chuẩn, tiêu chuẩn, những quy định về đăng kiểm và cũng như của hoạt động tàu cá để rút kinh nghiệm.
Từ vụ việc tại Bình Định, các cơ sở đóng tàu phải thấy đây là bài học xương máu, 2 công ty trên phải đưa từng con tàu lên bờ, dỡ tàu ra để thay máy mới, tất cả những điều đó không chỉ tốn chi phí mà ảnh hưởng đến uy tín, nên tôi tin các cơ sở đóng tàu khác sẽ thấm thía bài học trên” Thứ trưởng Vũ Văn Tám |
Việc rà soát các đơn vị đóng tàu được Bộ NNPTNT tiến hành đến đâu, đánh giá tổng thể của bộ về chất lượng của các đơn vị đóng tàu này?
- Bộ NNPTNT đã có 2 văn bản gửi UBND các tỉnh, thứ nhất tổng rà soát lại tất cả các con tàu đã đóng theo Nghị định 67 xem có hư hỏng gì không để xử lý nghiêm. Thứ hai, sẽ kiểm tra rà soát tất cả cơ sở đóng tàu, đặc biệt các cơ sở đóng tàu vỏ thép xem các cơ sở này có đảm bảo đủ điều kiện theo quy định không, để từ đó đánh giá năng lực các cơ sở đóng tàu, nếu các cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện thì đưa ra khỏi danh mục. Tập trung vào các cơ sở đóng tàu tại các tỉnh có phản ánh là đang có vấn đề. Hiện tổ công tác đã đi được một số tỉnh và đã phát hiện 40 tàu có vấn đề, tuy nhiên không trầm trọng như ở Bình Định.
Qua vụ việc tàu “67” hư hỏng tại nhiều địa phương đã bộc lộ nhiều hạn chế bất cập của Nghị định 67, nổi bật nhất và việc ngư dân rất khó khăn tiếp cận vốn vay, phía ngân hàng cũng rất ngần ngại và không dễ dàng giải ngân. Vậy vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào trong Nghị định mới thưa ông?
- Bộ NNPTNT đang tham mưu cho Chính phủ trong việc ban hành nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 67, cố gắng làm sao sẽ khắc phục được tất cả những nhược điểm của Nghị định 67 hiện nay, đồng thời đề xuất một số giải pháp chính sách để hoàn thiện hơn. Quan điểm là vẫn tiếp tục chủ trương hiện đại hóa tàu cá, đồng thời đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm tương thích với đội tàu hiện đại.
Trước đây chúng ta chỉ tập trung đầu tư hiện đại hóa tàu cá, còn đầu tư cơ sở hạ tầng và đào tạo thuyền viên lái tàu chưa chú trọng. Trong nghị định mới sẽ tăng cường đầu tư hai vấn đề này nhằm tương thích, đồng bộ với đầu tư hiện đại hóa tàu cá. Trong thời gian tới, đóng tàu chỉ là một nội dung trong nghị định, chúng ta phải căn cứ vào nguồn lợi hải sản trên biển để khai thác bền vững.
Về vấn đề bảo hiểm, ngư dân phản ánh khi nộp bảo hiểm thì rất dễ, nhưng khi bảo hiểm chi trả thì rất lâu. Làm sao để khai thông vấn đề này thưa ông?
- Đây là một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay để thực hiện Nghị định 67. Bộ NNPTNT đã có 2 công văn gửi Bộ Tài chính về vấn đề này, Văn phòng Chính phủ cũng ra thông báo chỉ đạo của Thủ tướng tiếp tục chính sách bảo hiểm cho ngư dân. Bởi vì không có bảo hiểm thì ngân hàng không dám cho vay và ngư dân cũng không đủ điều kiện để đưa tàu ra khai thác, vì vậy chính sách bảo hiểm rất quan trọng. Trong tháng 7, Bộ Tài chính tiếp tục ra văn bản hướng dẫn để các công ty bảo hiểm tiếp tục nối lại chính sách bảo hiểm này.
Chính sách bảo hiểm còn bất cập ở chỗ đó là có những địa phương chỉ định một công ty bảo hiểm; thứ hai, không có nhiều lựa chọn các hình thức bảo hiểm, hiện chỉ có một hình thức bảo hiểm.
Xin cảm ơn ông!