Dân Việt

Vụ lấy kiếm đánh trộm: Phòng vệ thế nào để không bị tội giết người?

Minh Phong 03/12/2017 09:07 GMT+7
Luật sư nhận định, người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng định tội danh thế nào phải công bằng với người truy bắt trộm.

Đánh trộm vào nhà, bị buộc tội “Giết người”

Như Dân Việt đã thông tin,  Cơ quan CSĐT - CAQ Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can tội danh “Giết người” đối với Lê Minh Phương (SN 1967) trú tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, đồng thời ra lệnh tạm giam 4 tháng để điều tra. 

img

Lê Minh Phương bị truy tố tội "Giết người" sau khi đánh người đột nhập vào nhà mình lúc nửa đêm. Ảnh ANTĐ. 

Theo điều tra, Lê Minh Phương phát hiện Nguyễn Đăng Tùng (Sn 2002) đột nhập vào tiệm tạp hóa của gia đình lúc nửa đêm. Phương đã dùng kiếm chém kẻ đột nhập vì nghi là trộm.

Ngày 24.11, Cơ quan CSĐT - CAQ Bắc Từ Liêm đã ra quyết định trưng cầu giám định gửi Trung tâm Pháp y TP Hà Nội để giám định tỷ lệ thương tích của Nguyễn Đăng Tùng. Kết quả giám định pháp y nêu rõ, Tùng bị tổn hại sức khỏe 61%.

Thông tin trên báo chí, Chỉ huy Đội Điều tra tổng hợp – Công an quận Bắc Từ Liêm nhìn nhận đây là một vụ việc hết sức đáng tiếc. Nguyễn Đăng Tùng do thiếu sự giáo dục của gia đình đã dẫn tới hành vi đột nhập vào nhà dân để trộm cắp tài sản. 

Căn cứ vào thương tổn của Tùng và hành vi của Lê Minh Phương, CQĐT đã khởi tố về tội danh "Giết người" theo điều 93 Bộ luật Hình sự đối với Lê Minh Phương.

Vì sao truy tố tội “Giết người”?

“Đã có những trường hợp chủ nhà truy bắt trộm nhưng bị trộm đâm tử vong nên có thể hiểu được tâm lý bức xúc của những gia chủ bị trộm viếng thăm. Nhưng cũng không ít trường hợp chủ nhà lại đi tù vì gây thương tích cho kẻ trộm, còn trộm chỉ bị xử phạt hành chính vì giá trị tài sản trộm cắp được xác định chưa vượt quá 2 triệu đồng” – luật sư nói.Trao đổi với Dân Việt, luật sư Trần Tuấn Anh – Đoàn luật sư TP Hà Nội cũng cho rằng vụ việc này rất đáng tiếc khi một lần nữa, chủ nhà lâm vào lao lý khi có hành vi gây thương tích cho kẻ trộm vào nhà.

Trong trường hợp này, luật sư Tuấn Anh cho rằng cần phải xem xét lại nhiều yếu tố để tìm hiểu tại sao cơ quan cảnh sát điều tra lại truy tố chủ nhà Lê Minh Phương tội “Giết người”.

Ví dụ, nếu khi phát hiện có người đột nhập, bị can đã dùng hung khí đánh liên tục vào đầu, mặt, ngực nạn nhân. Sau khi có người khác can ngăn, bị can vẫn tiếp tục thực hiện hành vi đến cùng, tấn công tiếp với mong muốn tước đoạt tính mạng của nạn nhân hoặc tấn công xong nhưng không cho mọi người đưa nạn nhân đi cấp cứu. Việc nạn nhân không chết là do được cơ quan chức năng can thiệp và đưa đi cấp cứu kịp thời. Nếu như vậy thì việc khởi tố về tội giết người là có căn cứ

"Trong trường hợp bị can chỉ đánh bị hại có một, hai lần, sau đó tự động dừng hành vi lại, phối hợp đưa nạn nhân đi cấp cứu thì không cấu thành tội giết người mà có căn cứ phạm tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 Bộ luật Hình sự hoặc thậm chí có thể chuyển sang tội danh "Cố ý gây thương tích trong trường hợp tinh thần bị kích động mạnh" theo Điều 105 Bộ Luật Hình sự với mức hình phạt nhẹ hơn rất nhiều" - luật sư Tuấn Anh phân tích.

Luật sư Tuấn Anh cho biết thêm, ngay như trong một số vụ người dân đánh chết trộm chó, các cơ quan chức năng thường xem xét hành vi ở hai nhóm tội, một là cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, hai là tội giết người trong trường hợp phòng vệ vượt quá giới hạn chính đáng. Còn trong trường hợp này, người đột nhập vào nhà bị thương tật 61%.

Trong hai nhóm tội trên, khung hình phạt đã rất chênh lệch. Nhóm tội thứ nhất hình phạt có thể lên đến Chung thân, còn nhóm tội thứ hai tối đa là 5 năm tù giam. Đối với vụ việc vừa xảy ra ở quận Bắc Từ Liêm, khi bị truy tố tội “Giết người”, chủ nhà có thể đối mặt với án Tử hình vì đánh trộm vào nhà gây thương tích 61%.

"Thế nên phải tuỳ từng điều kiện, hoàn cảnh phạm tội, mức độ thực hiện tội phạm, hành vi khách quan của người phạm tội cũng như ý chí chủ quan của họ thì mới có căn cứ để có thể nhận định về tội danh cụ thể" - ông Trần Tuấn Anh nói.

Luật sư đưa ra lời khuyên, trong trường hợp không thể bắt giữ được người đang thực hiện hành vi trộm cắp thì gia chủ có thể đánh động bằng cách bật điện sáng trong nhà, hô hoán mọi người hàng xóm cùng nhau đuổi bắt đối tượng nhưng sau khi bắt được phải báo ngay với cơ quan chức năng. "Trong trường hợp đối tượng trốn thoát thì nên báo ngay cơ quan công an có thẩm quyền để họ thực hiện các biện pháp điều tra, thu thập chứng cứ và tiến hành truy bắt nếu có căn cứ cho rằng đó là hành vi phạm tội" - luật sư Tuấn Anh đề nghị.

img

Hung khí được xác định do Phương dùng để đánh người đột nhập vào nhà. Ảnh ANTĐ

Trong khi đó, trả lời báo chí luật sư Trần Đình Triển – Văn phòng luật sư Vì Dân cho rằng ngay trong trường hợp kẻ trộm bị đánh chết cũng phải tùy theo tình huống để áp dụng các quy định pháp luật.  

Nếu kẻ trộm không có vũ khí, không có hành vi tấn công lại người truy đuổi, vây bắt thì người đánh chết người bị buộc tội Giết người theo Điều 93 của Bộ luật Hình sự.

“Còn nếu trong trường hợp kẻ trộm có tổ chức, chủ nhà vì quá sợ hãi bị đe dọa đến tính mạng của bản thân nên có hành vi đánh, tấn công dẫn đến chết kẻ trộm thì chỉ áp dụng khung hình phạt tại Điều 96 là Tội giết người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Nếu áp dụng tội giết người trong trường hợp này là không công bằng với người truy bắt. Hành vi đánh lại trộm chỉ là biện pháp phòng vệ chính đáng nhưng quá tay làm đối tượng bị chết. Đây là hành động giết người không dự mưu tính toán trước” – luật sư Triển cho hay.

Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009:

Điều 15. Phòng vệ chính đáng

1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự.