Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (ảnh TTXVN).
Chiều 25.6, sau một ngày làm việc Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng đã kết thúc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã phát biểu kết luận Hội nghị.
Theo đánh giá của Tổng Bí thư, công tác PCTN thời gian qua có nhiều kết quả nổi bật. Ban chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan tham mưu của Đảng đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp mới, mạnh mẽ, quyết liệt về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và PCTN; nhiều quy định, nghị quyết được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đi vào cuộc sống, có tác dụng cảnh báo, phòng ngừa có hiệu quả.
Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng đã quan tâm rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều quy định pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN; khắc phục một bước những sơ hở, bất cập trong các quy định của pháp luật làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng.”, Tổng Bí thư cho biết.
Vẫn theoTổng Bí thư, ở một số địa phương, cấp ủy Đảng, chính quyền đã quan tâm lãnh đao, chỉ đạo, tạo chuyển biến trong công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều cán bộ, đảng viên có sai phạm liên quan đến tham nhũng, kể cả những đồng chí trong ban thường vụ, thường trực cấp ủy; tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” đã bước đầu được khắc phục tại một số địa phương điển hình như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Sơn La, Cần Thơ…
“Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinnh tế nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước đã được phát hiện, xử lý nghiêm minh, công khai, đúng pháp luật, rất nghiêm khắc nhưng cũng rất có nhân văn; có lý, có tình, thể hiện rõ quan điểm “nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền”, góp phần nâng cao uy tín, sức chiến đấu của Đảng và cũng là biện pháp cảnh tỉnh, răn đe có hiệu quả.”- Tổng Bí thư nói và đưa ra ví dụ như vụ án Dương Chí Dũng, vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, vụ án phạm Công Danh, vụ án Hà Văn Thắm, vụ án Giang Kim Đạt, vụ án Đinh La Thăng, vụ án Trịnh Xuân Thanh, vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) vụ án Đinh Ngọc Hệ (Út trọc), vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương….
Theo Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN, vấn đề thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng được chú trọng hơn, việc kê biên, thu giữ tài sản trong một số vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đạt khá cao như vụ Giang Kim Đạt là hơn 300 tỷ đồng; vụ Hứa Thị Phấn hơn 10.000 tỷ đồng; vụ Ngân hàng Đông Á hơn 2.000 tỷ đồng; vụ Phạm Công Danh (giai đoạn 1) hơn 6.000 tỷ đồng; vụ Đinh La Thăng hơn 20 tỷ đồng; vụ Trịnh Xuân Thanh hơn 45 tỷ đồng, vụ AVG hơn 8.500 tỷ đồng.
Nói về giải pháp cho công tác PCTN thời gian tới, Tổng Bí thư cho rằng, công tác tuyên truyền phải khẳng định rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước về PCTN. Phải tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN; quy định về việc ngăn chặn những người có chức, có quyền lợi dụng cương vị công tác để trục lợi; quy định về cho thôi, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; quy định về điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp; cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung...
Theo Tổng Bí thư, cần tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm soát quyền lực để PCTN. Bởi quyền lực luôn có nguy cơ bị tha hóa, tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, cho nên phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn. Do vậy, phải tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát để bảo đảm quyền lực được vận hành công khai, minh bạch, đúng đắn, không bị tha hóa.
“Phải tăng cường giám sát việc sử dụng quyền lực của cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu, tăng cường giám sát trong nội bộ tập thể lãnh đạo; công khai quy trình sử dụng quyền lực theo pháp luật để cán bộ, nhân dân giám sát. Cán bộ lãnh đạo các cấp phải ghi nhớ, bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật, bất kỳ ai sử dụng quyền lực đều phải phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và tự giác chịu sự giám sát của nhân dân. Công quỹ là của công, cho nên một xu, một hào cũng không được chi dùng bừa bãi; công quyền là vì dân cho nên không được mảy may vì riêng tư; phải thật sự chí công vô tư, công tư phân minh, công trước tư sau, vì công mà quên tư; mọi việc đều xuất phát từ dân và vì dân.”, Tổng Bí thư nói.