Ông Phan Đình Hoàn - Chủ tịch UBND xã Hưng Nhân chia sẻ: Tại địa bàn xã hiện có khoảng 50 ha đồng ruộng có rươi hàng năm, tập trung tại các xóm 1, 2, 6, 7, 8. Đầu vụ năm nay, sản lượng rươi đánh bắt chưa cao nhưng bù lại rươi được giá. Vào khoảng thời gian rằm tháng 10 tới đây sẽ là cao điểm của rươi, hiện nhiều bà con đang tân trang, cải tiến lại dụng cụ để đánh bắt rươi vào thời điểm chính vụ. Ảnh: Quang An.
Rươi là thực phẩm giàu đạm, chế biến được nhiều món ăn ngon như: luộc, kho, xào, cuốn lá lốt, nấu canh măng… Và nổi tiếng nhất vẫn là món chả rươi, mắm rươi.
Theo anh Ngô Văn Thắng - một thương lái thu mua rươi tại xã Hưng Lợi chia sẻ: Rươi năm nay sản lượng không cao, tuy nhiên chất lượng lại tăng lên, nhiều con rươi có kích thước lớn, béo mậm. Trung bình mỗi đêm tôi nhập trên dưới 1 tạ rươi, sau đó đi phân phối cho các nhà hàng, khách sạn tại TP.Vinh. Ảnh: Quang An.
Rươi sau khi vớt lên sẽ được đưa lên bờ để phân loại để cho vào thùng xốp nhập cho các nhà hàng, những con rươi đã chết hoặc kém chất lượng đều bị loại bỏ. Hiện giá rươi đầu mùa dao động từ 500.000 - 550.000 đồng/kg. Cao hơn chính vụ khoảng 100.000 đồng/kg. Ảnh: Quang An.
Trung bình mỗi đêm, mỗi hộ vớt được từ 1 - 3 kg rươi, cao điểm, có người vớt được cả yến rươi. Bán tại ruộng cũng được 4 - 5 triệu đồng. Người dân cho biết, có năm một hộ dân trên địa bàn đã bắt được cả tạ rươi trong một đêm, thu về trên 40 triệu đồng, tuy nhiên năm nay chưa có ai may mắn như vậy. Ảnh: Lâm Tùng.
Mặc dù mưa nặng hạt nhưng người dân vẫn kiên trì vớt rươi. Tại các cánh đồng xã Hưng Lợi, Hưng Nhân, bên cạnh nghề trồng lúa, việc bắt rươi dù chỉ diễn ra khoảng một tháng nhưng "ăn cả năm" vì nguồn thu nhập khủng mà rươi mang lại. Đó cũng là lý do vì sao chất lượng lúa gạo tại nơi đây luôn đảm bảo sự trong sạch, vì nếu sử dụng thuốc BVTV thì rươi sẽ bị tuyệt chủng dần. Ảnh: Lâm Tùng.
Tuy nhiên, có những đêm, tùy vào con nước mà rươi không ngoi lên, người dân phải ngồi chờ trong mưa rét hoặc xuống ruộng "mót rươi" với hy vọng kiếm được vài lạng để đỡ mất công chờ đợi. Ảnh: Quang An.
Bước chân đến thủ phủ rươi Hưng Nhân, hình ảnh dễ nhận thấy nhất là những tấm lưới trải dài, thẳng tắp trên khắp các cánh đồng. Trước đây cả làng cùng đi vớt rươi, nhưng từ khi đặc sản này mang lại giá trị kinh tế cao lên từng ngày, các hộ dân đã trải lưới để vừa đánh dấu vùng rươi của từng hộ, vừa là vật dụng sẽ khiến rươi bám vào mỗi khi nước rút. Ảnh: Lâm Tùng.
Theo anh Hùng, người dân có kinh nghiệm săn rươi trên 10 năm nay tại xã Hưng Nhân cho biết: Đi vớt rươi phải chuẩn bị các dụng cụ chu đáo và thức "xuyên đêm". Rươi có khi lên lúc 2 giờ sáng, cũng có thể lúc 5 giờ sáng, vớt xong là đi chợ luôn. Khi nào nhìn lên trời, nơi nào có đám mây tụ lại, vùng trời nơi đó tự nhiên mát mẻ là hôm đó có rươi nhiều. Ảnh: Quang An.
Trái ngược với sự tĩnh mịch khi mọi người chìm vào giấc ngủ, từ 2 giờ đến 5 giờ sáng, cánh đồng rươi Hưng Nhân lại nhộn nhịp, náo nhiệt lạ thường. Tiếng cười nói vang lên trong đêm hòa cùng những ánh sáng lập lòe tạo nên một khung cảnh lung linh trên cánh đồng rươi khiến ai cũng muốn trải nghiệm. Ảnh: Quang An.