Thưa ông, vụ việc dâm ô bé gái trong thang máy ở TP.HCM mới đây có phải là sự báo động cho nạn XHTD trẻ em đang diễn ra ngày càng nhiều, ở mọi nơi?
- Tình trạng XHTD trẻ em có dấu hiệu gia tăng là bởi chúng ta chưa quan tâm đúng mức tới việc ngăn chặn phòng ngừa. Việc phòng chống XHTD trẻ em đã được quy định cụ thể trong Luật Trẻ em năm 2016. Theo đó, phải tập trung phòng ngừa 3 cấp độ theo luật. Tuy nhiên, vì chúng ta không có cộng tác viên trẻ em ở địa phương, vấn đề chăm sóc, bảo vệ trẻ em được giao cho cán bộ lao động trẻ em ở địa phương mà họ lại ôm đồm nhiều việc khác nên việc chăm sóc bảo vệ trẻ em cũng không thể sâu sát được.
Ông Nguyễn Trọng An. Ảnh: T.A
Thêm vào đó, góc độ phòng ngừa, giáo dục kỹ năng sống giúp các em bảo vệ bản thân cũng chưa thực sự hiệu quả. Hiện nay câu chuyện giáo dục giới tính và giáo dục tình dục còn bị bỏ bê. Việc giáo dục giới tính, giáo dục tình dục phải được dạy theo từng cấp độ, phù hợp với từng độ tuổi. Những quốc gia xung quanh việt Nam đã đang làm rất tốt, duy chỉ Việt Nam là còn chậm.
Bên cạnh đó, cũng dễ nhận thấy về góc độ quản lý xã hội, giáo dục xã hội rất kém, nên dù chúng ta có đủ các ban bệ nhưng nhưng không hoạt động, hoặc hoạt động không hiệu quả.
Nhiều người cho rằng pháp luật chúng ta chưa đủ mạnh, thiếu quy định để xử lý các tội phạm tình dục. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?
- Tôi cho rằng ý kiến đó hoàn toàn đúng. Nhiều người không tin tưởng hoàn toàn vào hệ thống pháp luật. Tôi đã từng làm việc với nhiều gia đình nạn nhân bị XHTD, họ cũng nói không tin vào pháp luật. Hiện nay chúng ta không có quy định cụ thể về hành vi dâm ô. Trong khi đó, chúng ta đã ký công ước quyền trẻ em. Theo đó, văn bản luật quốc tế đã quy định, bất cứ những đụng chạm nào trên cơ thể em bé, kể cả là ở vị trí nhạy cảm hay không nhạy cảm của em bé, hoặc là những hành vi kể chuyện gợi tình, nói chuyện thiếu tế nhị… cũng được khép vào tội dâm ô. Tuy nhiên Việt Nam chỉ quy định “khi dùng sức mạnh trấn áp và đụng chạm vào những vị trí nhạy cảm của nạn nhân mới gọi là dâm ô”, điều này là không đúng.
Tôi đã chứng kiến rất nhiều những vụ phạm tội nhưng đối tượng gây án, thậm chí là người thi hành luật pháp đánh tráo khái niệm để nhằm giảm nhẹ tội, hoặc chạy tội. Vụ cưỡng hôn, tấn công tình dục thì lại cho rằng là thể hiện tình yêu, vụ thầy giáo sờ đùi học sinh thì được lý giải là do thầy giáo quan tâm, vụ sờ soạng bé gái trong thang máy thì được gọi là “nựng”… Gần đây là “kỳ án” XHTD cô gái trong thang máy chung cư ở Thanh Xuân (Hà Nội) lại chỉ bị phạt 200.000 đồng. Rất nhiều những vụ việc đã bị cho qua, hoặc xử lấy lệ vì thế dễ hiểu vì sao có người nói là nhờn luật. Khi không còn niềm tin vào pháp luật nạn nhân chọn cách im lặng cũng dễ hiểu.
Vậy ông có lời khuyên nào cho các gia đình khi mà họ đang rất hoang mang, lo sợ và không còn đủ niềm tin vào pháp luật?
- Tôi nghĩ rằng trước khi đợi người cứu thì ta phải tự cứu lấy mình. Trong bất cứ trường hợp nào, cha mẹ luôn luôn phải để mắt tới trẻ. Sau giờ đi làm, cha mẹ phải dành thời gian dạy con kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn, kỹ năm phòng tránh XHTD. Cao hơn nữa, cha mẹ và những người trong gia đình cần làm gương cho trẻ. Chỉ khi chủ động dạy các con cách phòng tránh thì các con của bạn mới được an toàn.
Xin cảm ơn ông!