Vợ chồng tôi cưới nhau gần bốn năm và có một con trai hơn hai tuổi. Cách đây một năm, chúng tôi dành dụm mua được một căn chung cư có ba phòng ngủ, khá rộng rãi. Đúng lúc đó, em gái út của vợ đậu đại học nên ba mẹ vợ gửi gắm em ở chung với vợ chồng tôi một thời gian cho quen môi trường sống.
Tôi không tính toán gì bởi em gái vợ hiền lành, chăm chỉ lại nấu ăn rất ngon. Mỗi lần chúng tôi về quê, em đều xung phong vào bếp làm nhiều món ngon đãi anh chị. Do tôi không có em gái nên tôi luôn coi em vợ như em ruột mình.
Em gái vợ hiền lành, chăm chỉ lại nấu ăn rất ngon. Ảnh minh họa
Từ khi có em lên ở chung, nhà cửa lúc nào cũng sạch sẽ, gọn gàng, cơm nước chu tất, vợ chồng đỡ vất vả hơn. Ngoài thời gian đi học, em chủ yếu ở nhà học bài và làm việc nhà chứ ít đi chơi đâu.
Thỉnh thoảng tôi cho em thêm tiền tiêu vặt để mua sắm thêm ngoài khoản tiền học phí và sinh hoạt mà ba mẹ vợ đã gửi. Em vợ là người khá tinh tế, em biết hết sở thích của vợ chồng tôi.
Vào ngày nghỉ, em thường bày biện nấu nướng những món ngon, đặc biệt là món tủ của tôi để cả nhà cùng ăn. Nhưng lâu dần, tôi cảm thấy em vợ có chút gì khác lạ trong cách đối xử với mình.
Áo quần tôi thay ra dù để ở ngóc ngách nào em tìm đi giặt, phơi khô và ủi thật phẳng rồi treo vào tủ. Thỉnh thoảng em bỏ những mẫu giấy nhớ vào trong túi áo tôi có ghi chữ nắn nót: “Chúc anh làm việc vui vẻ”, “Ngày mới an lành anh nhé”... Em còn chủ động chuẩn bị sẵn áo quần để tôi đi làm cả tuần. Vợ tôi bận rộn nên ít khi quan tâm đến mấy chuyện đó.
Khi nào tôi trở về nhà, em đều ra đón, cất cặp lấy nước ân cần. Tôi thấy ngại khi em vợ thể hiện như vậy chăm sóc chu đáo cho tôi từ bữa ăn đến chuyện ăn mặc. Tôi bảo em làm việc nhà ít thôi, dành thời gian để học và đi ra ngoài tham gia hoạt động xã hội bởi thời sinh viên rất ngắn nhưng em chỉ cười.
Một buổi sáng, khi tôi đi đánh cầu lông về, vợ con còn ngủ chưa dậy đã thấy em vợ ngồi đánh giày cho tôi. Tôi thấy vậy mới nói: “Lần sau em đừng làm thế nữa, em lên đây để học chứ không phải phục vụ anh chị”. Em cúi mặt bảo: “Nhưng em muốn chăm sóc cho anh”.
Câu nói đó khiến tôi giật mình nhận ra tình cảm em vợ dành cho tôi đã vượt lên giới hạn thông thường. Từ ngày đó, tôi luôn tìm cách lảng tránh thậm chí xa lánh em, cố ý đi làm thật sớm và về nhà muộn.
Dù biết tình cảm sai trái nhưng em vẫn suy sụp, khóc lóc, nhịn ăn để tra tấn bản thân. Ảnh minh họa
Nhưng em vẫn tìm cách nói chuyện với tôi bằng cách nhắn tin, dù tôi ít khi trả lời. Thậm chí buổi trưa, em chuẩn bị cơm rồi đưa đến tận công ty cho tôi. Hơn một lần, tôi nói thẳng với em đừng làm như thế nữa nhưng em chỉ khóc. Em thừa nhận yêu thầm tôi, dù biết vậy là sai nhưng không thể ngừng tình cảm lại được. Em xin tôi đừng kể với chị gái về những việc làm của em.
Tôi không dám nói với vợ vì sợ chị em bất hòa, gia đình xáo trộn mà tìm cách gợi ý với vợ để em gái chuyển ra ngoài ở. Em vợ biết được tin đó thì suy sụp, khóc lóc nhịn ăn để tra tấn bản thân. Em đi học về là vào phòng đóng cửa không muốn nói chuyện, khóc sưng mắt cả ngày lẫn đêm.
Vợ tôi không biết nguyên nhân lại đổ lỗi do tôi nhẫn tâm đuổi em gái ra ngoài. Cô ấy trách móc tôi tính toán ích kỷ rất nặng lời. Tôi bối rối khi ở trong tình huống oái ăm đầy khó xử này.
Vợ có gọi điện về cho ba mẹ, ông bà chuẩn bị lên để giải quyết. Tôi biết phải giải thích thế nào với ba mẹ vợ, nói thẳng mọi điều để họ hiểu hay tìm một lý do nào đó để em vợ chuyển đi thà bị mang tiếng là người hẹp hòi, ích kỷ.
(*) Tít bài đã được Dân Việt đặt lại.