Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Chụp ảnh để hết buồn
Có lẽ Lê Thị Ngân - cô thợ may bé nhỏ ở thôn La Phẩm, xã Tân Hồng (Ba Vì, Hà Nội) là tác giả có số phận đặc biệt nhất của Cuộc thi ảnh “Đất và Người”. Năm nay Ngân 29 tuổi, nhưng vì di chứng chất độc da cam từ người cha, cơ thể của em chỉ bé nhỏ như một bé gái 7 tuổi và một bên chân tật nguyền. Khỏi phải nói những đắng cay của Ngân và mẹ Ngân đã trải qua từ khi cô gái chào đời. Như Ngân đã kể: “Có lần thiếu tiền chữa bệnh, gà, lợn, chó trong nhà đã bán hết, đến cái xe đạp cọc cạch là phương tiện đi lại duy nhất kế mưu sinh cuối cùng, mẹ cũng bán để trả tiền thuốc cho tôi. Đời mẹ mỏi mòn vì tôi, đứa con gần 30 tuổi mà vẫn chỉ bằng đứa trẻ lên 7”.
Một phóng viên của Báo NTNN phát hiện Ngân từ Dự án Photo Voice của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường, động viên cô đến với Cuộc thi “Đất và Người”. Ngân bảo ban đầu em cũng không dám hy vọng đoạt giải gì đâu, nhưng em vẫn chụp bởi mỗi khi cầm cái máy ảnh lên, em lại hào hứng và quên đi nỗi buồn.
Làm sao kể hết những đắng cay mà Ngân đã trải qua khi cầm máy ảnh đi chụp, ở làng quê không như thành phố, mọi người chưa thực sự hiểu công việc của cô. Có người mắng chửi, xua đuổi khi thấy Ngân tiến về gần họ, có người tưởng cô đến để ăn xin, xua đuổi ra chợ mà xin tiền. Có người mai mỉa cô gái: “Đã đi không nổi một bước còn vác theo máy ảnh làm gì, lắm chuyện”. Những lúc ấy Ngân buồn lắm, đau lòng lắm, chỉ muốn buông tay thôi. “Đã có lúc em định không chụp ảnh nữa vì không chụp thì sẽ không phải đi, không đi thì sẽ không phải nghe, không phải thấy những thứ khiến mình buồn. Nhưng rồi nghĩ đến mẹ, đến những người luôn động viên em, em lại cố gắng vượt qua, không để nỗi buồn kéo ghì mình xuống”.
Sức chụp của cô gái có thân hình bé nhỏ và một bên chân tật nguyền ấy thật đáng nể, hàng chục tấm ảnh đơn, 3 bộ ảnh gửi đến cuộc thi. Ảnh của Ngân trong sáng, hồn nhiên mà táo bạo lạ lùng. Nó không chỉ là ước mơ thầm kín trong cô về một cuộc sống bình thường như bao người khác mà còn là sự “giải phóng” khỏi những mặc cảm đeo đẳng bao năm. Tại kỳ sơ kết, bộ ảnh “Bình dị xung quanh tôi” nằm trong 5 tác phẩm được quà tặng. Tại hội đồng chung khảo, Ngân có 3 tác phẩm lọt vào vòng cuối. Ngoài bộ ảnh được giải Nhì, ảnh đơn “Chiếc bao cao su” cũng được điểm rất cao. Việc đưa tác phẩm của nhóm tác giả đặc biệt vào chấm chung có lẽ là một quyết định khá khó khăn của Ban giám khảo, họa sĩ Lê Thiết Cương- người đưa ra ý kiến đó tuyên bố: “Cái mà những người yếu thế sợ nhất chính là sự thương hại, nếu chấm riêng, các bạn có thể được thêm giải nhưng tôi tin các bạn ấy không vui về điều đó”.
Nụ cười của mẹ
Bộ ảnh “Mẹ tôi” của Ngân được cô gái thực hiện như một lời cảm ơn tới mẹ, một người phụ nữ nông thôn suốt đời vất vả vì cô và các em cô. Hình ảnh thường thấy nhất của mẹ là đôi mắt hơi buồn với giọt mồ hôi trên mặt. Mẹ từ đồng về trong buổi chiều. Mẹ đi dựng lại từng khóm lúa sau trận mưa lớn. Mẹ với gánh lúa trĩu nặng. Mẹ kéo đất san ruộng. Mỗi buổi đi san đất thuê này được 40.000 đồng, tất cả những ngày nông nhàn mẹ đều cố tìm việc làm thuê: Gánh gạch, phụ hồ, san ruộng… Tiền kiếm được phần lớn dành thuốc thang cho Ngân. Gần đây nhất mẹ lại mua cho cô chiếc máy tính từ những đồng tiền làm thuê này. Sau buổi đồng mẹ lại tranh thủ bòn tro từ những đống rơm đốt ngoài đồng để bán thêm khoảng 10.000 đồng/bao. Đêm, mẹ thường ngủ rất muộn để may vá thêm quần áo cho khách. Bộ ảnh về mẹ kết lại với một nụ cười, nụ cười mà Ngân rất yêu, rất thích nhìn thấy trên gương mặt mẹ.
Bộ ảnh khiến người xem thấy nhói trong lòng, thấy cay nơi khóe mắt. Tình mẹ dành cho con như biển trời lai láng, bao nhiêu công việc vất vả nặng nhọc, làm thuê làm mướn, bòn mót dành dụm từng đồng để mua cho cô con gái tật nguyền một chiếc máy tính, giúp Ngân dù ngồi một chỗ vẫn kết nối được với thế giới bên ngoài. Những nụ cười trên ảnh là kết tinh của bao giọt mồ hôi và nước mắt mà chỉ có tình yêu vô bờ bến của mẹ mới làm được mà thôi.
Ngân bảo cuộc sống của em hiện nay có phần bận rộn hơn xưa, khi em chưa biết chụp ảnh, vì khi nào buồn chán, em vác máy đi chụp ảnh. Buổi sáng cô nhận hàng công nghiệp về may, đến chiều giả hàng, tối lại nhận về may đến 12 giờ đêm, nếu không xong thì 4 giờ sáng dậy may nốt để kịp trả. Hôm nào hết hàng may lại móc đồ len, nhặt nhạnh quẩn quanh vậy thôi.
Từ hôm biết tin được giải Nhì Cuộc thi ảnh “Đất và Người”, Ngân xúc động đến trào nước mắt vì một cảm xúc lạ lắm, cảm xúc Ngân chưa từng biết đến trong đời. Bởi vì Ngân biết giải thưởng có được hôm nay là nhờ vào tình yêu của mẹ và sự động viên, cổ vũ của những người yêu quý cô. Nhưng Ngân đâu biết rằng, chính chúng tôi mới là những người phải cảm ơn cô nhiều lắm, vì tình yêu cuộc sống của cô, vì những đắng cay cô đã trải qua để có được các tác phẩm gửi đến cuộc thi mới là món quà tặng vô giá mà Ngân đem cho cuộc đời.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.