"Rất khó xác định hành vi nháy mắt là quấy rối tình dục, không có tiêu chí cụ thể dễ là công cụ tố nhau"

Thùy Anh Thứ tư, ngày 01/06/2022 06:58 AM (GMT+7)
Các chuyên gia cho rằng bản chất cốt lõi của vấn đề chính là “đồng thuận hay không đồng thuận". Căn cứ vào đó để xác định là có quấy rối tình dục nơi làm việc hay không?
Bình luận 0


Ban hành dễ, nhưng phòng chống quấy rối tình dục nơi làm việc rất khó

Trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Trịnh Hòa Bình - Nguyên Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng rất khó để xác định việc quấy rối tình dục nơi công sở, nhất là với hành vi lời nói thoáng qua, hay cử chỉ như nháy mắt, nhìn gợi tình...

"Tôi cho rằng không cần tới bộ quy tắc ứng xử quấy rối tình dục nơi làm việc, những công nhân, lao động, cán bộ công nhân, viên chức vẫn thực hiện tốt điều này. Quan trọng nhất là mỗi thành viên cần thực hiện tốt, chuẩn mực các nguyên tắc ứng xử nơi công cộng, nơi làm việc vì trong nội quy nơi làm việc cũng có đề cập tới các vấn đề này", ông Bình nói.

quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Ông Trịnh Hòa Bình cho rằng rất khó để có thể làm rõ khái niệm, hành vi. Ảnh: I.T

Cũng theo ông Bình, rất khó để có thể làm rõ các khái niệm, định nghĩa, hành vi (nhất là hành vi kiểu nháy mắt - PV) để quy kết liệu nó có phải là quấy rối tình dục hay không. Đó là chưa kể, ngoài mặt có thể người tiếp nhận không thể hiện là không đồng thuận, nhưng trong lòng thì không thấy thoải mái vui vẻ về các hành vi này. Nhiều trường hợp nạn nhân bị quấy rối là cấp dưới và việc thể hiện "không đồng thuận" là rất khó.

Mặt khác theo ông Bình: "Ban hành thì dễ nhưng thực hiện thế nào cho đúng, chuẩn mực thì rất khó. Đó là chưa kể tới việc nếu không đưa ra được cái tiêu chí đánh giá, giám sát, báo cáo cụ thể thì có thể nó sẽ là kênh để chính các lao động tố nhau khi không vừa lòng một ai đó", ông Bình nói.

Cần thiết phải ban hành bộ tiêu chí phòng chống quấy rối tình dục nơi công sở

Ngược lại với quan điểm của ông Bình, trao đổi với PV Báo Dân Việt, bà Hoàng Tú Anh - Trưởng Mạng lưới phòng chống bạo lực giới Việt Nam (GBVNET) - Phó giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) cho rằng vẫn nên ban hành bộ tiêu chí phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

"Cần thiết bởi các hành vi quấy rối, xâm hại tình dục rất đa dạng, rất dễ bị nhìn nhận không đúng. Có những hành vi bị coi là bình thường, nghĩ là đùa cợt cho nên theo tôi cần có những quy định cụ thể thay vì các quy tắc ứng xử ở nơi làm việc", bà Hoàng Tú Anh nói.

quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Bà Hoàng Tú Anh cho rằng cốt lõi của câu chuyện xác định có quấy rối tình dục ở nơi làm việc hay không không phải chỉ nằm ở hành vi mà phải nằm ở việc xác định "đồng thuận hay không đồng thuận". Ảnh: CCIHP

Thực tế các hành vi xâm hại tình dục trong Luật hình sự chỉ có mấy điều thôi, nhưng trong Quyết định số 9 của Hội đồng thẩm phán phải ban hành cả list vài chục đầu mục về các hành vi không đúng mực về tình dục thì mới xử được. Nói vậy để thấy câu chuyện xử lý vấn đề quấy rối tình dục không hề đơn giản và được nhìn nhận khác nhau bởi những người khác nhau.

"Việt Nam đang tham gia nhiều vào quá trình hợp tác quốc tế và ký kết nhiều hiệp định kinh tế quốc tế, việc đảm bảo quyền con người, quyền người lao động tại nơi làm việc là điều kiện tiên quyết để hội nhập"

Bà Hoàng Tú Anh

"Nhiều khi chính nạn nhân cũng không nhận ra được rằng, chính họ cũng đang bị quấy rối", bà Tú Anh nói.

Theo bà Hoàng Tú Anh, việc ban hành bộ quy tắc là cần thiết, nhưng việc thực hiện và xem xét chế tài báo cáo vụ việc cũng cần thiết không kém. Nhiều nạn nhân ngại không muốn báo cáo bởi vì gặp rào cản. Ví dụ nhiều nạn nhân bị xâm hại thì việc báo cáo vụ việc dễ dàng hơn bởi vì câu chuyện có vẻ nặng nề hơn, dễ có bằng chứng để tố cáo, nhưng những trường hợp quấy rối đôi khi rất khó. Có nạn nhân bị quấy rối tình dục ở nơi làm việc báo cáo còn bị đồng nghiệp khác cười dè bỉu kiểu "Ôi đụng có tí mà cũng phải làm ầm lên".

"Chính bởi vậy, câu chuyện quấy rối là câu chuyện rất khó báo cáo, bằng chứng không phải lúc nào cũng dễ thu thập được", bà Tú Anh nói.

Cũng theo bà Hoàng Tú Anh, ngoài khó khăn nêu trên thì việc báo cáo còn gặp phải nhiều rào cản bởi vì, thường những người quấy rối thường có chức vị cao hơn, còn nạn nhân có vị trí thấp hơn. Một nguyên tắc ứng xử bình thường trong công sở bình thường mọi người sẽ nói rằng: "Có vấn đề gì báo cáo lên cấp trên", vậy thì nếu cấp trên cũng là người quấy rối thì báo cáo thế nào, báo cáo cho ai? Rõ ràng quy trình không áp dụng được, cần phải có cơ chế báo cáo khác thay vì cơ chế báo cáo thông thường.

Ngoài những vấn đề ở trên, theo bà Tú Anh, vấn đề quan trọng nhất chính là cơ chế hỗ trợ, tư vấn cho nạn nhân bị tổn thương bởi quấy rối tình dục nơi công sở. Những tổn thương có thể rất lâu dài, vì thế cần có những hỗ trợ thay vì chỉ dừng ở việc kỷ luật, xử lý vụ việc.

Muốn nhận diện có quấy rối tình dục nơi làm việc hay không, cần xem có đồng thuận không?

Trước ý kiến rất khó để xác định các hành vi như: "Nháy mắt, nhìn gợi tình..." là quấy rối tình dục. Lý do là bởi nó không phải là thứ vật chất hữu hình, khó lưu lại làm bằng chứng, bà Tú Anh cho rằng cốt lõi vẫn là: "Anh tin lời ai nói. Tin nạn nhân hay người bị tố là quấy rối. Còn vấn đề bằng chứng xâm hại, quấy rối tình dục luôn là vấn đề bức xúc.

Khi đề cập tới câu chuyện xâm hại hay quấy rối tình dục thì cốt lõi của vấn đề chính là sự đồng thuận. Anh nói gì, làm gì, có nhìn, có sờ gì đi nữa... cũng được nhưng phải có sự đồng thuận. Còn kể cả khi anh có những hành vi cực kỳ nhẹ nhàng đơn giản, nhưng người chịu hành vi đó không cảm thấy nhẹ nhàng, vui vẻ thì rõ ràng anh đang quấy rối", bà Tú Anh nhấn mạnh.

quấy rối tình dục nơi làm việc

Những hành vi nhạy cảm, không được đối phương chấp nhận được xem là quấy rối tình dục nơi làm việc. ẢNh: I.T

Vì thế theo bà Tú Anh, chuyện không đồng thuận mới là tiêu chí để xác định quấy rối chứ không phải là vấn đề "nháy mắt hay nhìn gợi tình...".

"Nếu nạn nhân đã thể hiện sự không hài lòng rồi mà anh vẫn cố ý lặp đi lặp lại hành vi đó thì rõ ràng anh đang cố ý quấy rối người ta. Cũng không loại trừ 2 bên có cách nhìn, có nền văn hóa khác nhau dẫn tới hiểu lầm, nhưng điều này không thể lặp lại khi nạn nhân thể hiện sự không thoải mái", bà Hoàng Tú Anh nói thêm.

Trước ý kiến lo ngại, về vấn đề các tiêu chí đưa ra chưa rõ ràng, dễ nhầm lẫn có thể là "kênh" để một bộ phận đấu đá nhau, khi ghét ai đó thì tố cáo bà Hoàng Tú Anh cho rằng, hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau.

"Một bên là câu chuyện quấy rối tình dục, một bên là câu chuyện tố cáo, điều tra sai phạm để xử lý nếu có. Không thể vì chuyện khó điều tra xác minh mà nạn nhân không được bảo vệ hay không thực hiện phòng ngừa quấy rối tình dục nơi công sở", bà Hoàng Tú Anh chia sẻ góc nhìn.

Bà Tú Anh cho rằng, luật pháp cần lấy nạn nhân là trung tâm, câu chuyện báo cáo của nạn nhân đúng sai thế nào phải do cơ quan luật pháp chứng minh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem