Nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục là quấy rối tình dục: Nếu là đồng giới có phải quấy rối?

PVCT Thứ ba, ngày 31/05/2022 18:38 PM (GMT+7)
Theo ĐBQH Đỗ Thị Lan, việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc phải phù hợp, đầy đủ, các hành vi thế nào là quấy rối, quấy rối với đối tượng nào. Ví dụ, chỉ có đối tượng khác giới quấy rối hay có cả đồng giới quấy rối, nếu có thì sao, quy tắc đã điều chỉnh đến chưa?
Bình luận 0

Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đang lấy ý kiến bộ ngành liên quan Bộ quy tắc ứng xử phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Dự thảo phân chia quấy rối tình dục tại nơi làm việc dưới 3 hình thức.

Quấy rối bằng hành vi mang tính thể chất như có hành động, cử chỉ, tiếp xúc cơ thể hoặc cố tình động chạm, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp... cho tới cưỡng dâm, hiếp dâm.

Quấy rối bằng lời nói trực tiếp, qua điện thoại, phương tiện điện tử có nội dung tính dục, kể truyện cười gợi ý về tình dục, có lời lẽ khiếm nhã về trang phục, cơ thể của người nào đó khi có mặt hoặc nhằm vào họ, mời đi chơi mang tính cá nhân, riêng tư một cách liên tục...

Quấy rối tình dục phi lời nói gồm dùng ngôn ngữ cơ thể, nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, biểu hiện không đứng đắn, dùng cử chỉ ngón tay, phô bày tài liệu khiêu dâm, gửi ảnh, đồ vật, tin nhắn liên quan tới tình dục.

Nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục là quấy rối tình dục: Nếu là đồng giới có phải quấy rối? - Ảnh 1.

ĐBQH Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội: Việc xây dựng quy tắc phòng, chống hành vi quấy rối tình dục là hết sức cần thiết. Ảnh QH

Xây dựng Bộ quy tắc để phòng, chống hành vi quấy rối tình dục là hết sức cần thiết

Liên quan đến dự thảo Bộ quy tắc trên, trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết:

Việc xây dựng quy tắc ứng xử nói chung trong các cơ quan, tổ chức là hết sức cần thiết, trong đó có quy tắc để phòng chống quấy rối tình dục. Nếu không có quy tắc nào, quy định nào để làm cơ sở cho việc xem xét xử lý đối với những trường hợp có hành vi quấy rối tình dục thì rất khó thực hiện.

Theo ĐB Lan, trong thực tế đã có tình trạng quấy rối tình dục xảy ra trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, chính vì thế việc xây dựng quy tắc để ứng xử, đồng thời cũng để phòng, chống hành vi quấy rối tình dục là hết sức cần thiết.

"Tất nhiên việc xây dựng quy tắc phải phù hợp, đầy đủ, hành vi thế nào là quấy rối, quấy rối tình dục và với đối tượng nào. Ví dụ, chỉ có đối tượng khác giới quấy rối hay có cả đồng giới quấy rối, nếu có thì sao, quy tắc đã điều chỉnh đến chưa? Thứ hai, những hành vi nào thực sự là quấy rối tình dục. Nếu chỉ nhìn nhau, nháy mắt liên tục để tạo không khí vui vẻ trong cơ quan, đơn vị mà không có động cơ để quấy rối tình dục thì việc đó cần được quy định thế nào cho phù hợp.

Việc xây dựng quy tắc cần phải có sự tham gia của các thành viên trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, từ đó mới có thể xác định được hành vi nào thực sự là quấy rối hay không, không phải cứ có những hành vi như dự thảo quy tắc đặt ra là quấy rối tình dục, nếu như vậy sẽ không chính xác", ĐBQH Đỗ Thị Lan nói.

Vẫn theo ĐB Lan, việc xây dựng văn hóa công sở, nếp sống văn minh cũng như thực hiện tốt việc xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh, ngoài những quy định về xây dựng văn hóa cơ quan, đơn vị rất cần xây dựng thêm các quy tắc khác như Bộ quy tắc phòng, chống quấy rối tình dục nơi làm việc. Tiếp nữa là thực hiện các quy định của pháp luật về trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Với việc cùng thực hiện các quy định như trên mới mang tính tổng hợp, vừa có tính giáo dục, răn đe, đồng thời cũng để phòng, chống.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem