Sắp xét xử phúc thẩm vụ “rút ruột” 1.128,9 tỷ đồng các quỹ tín dụng ở Đồng Nai
Sắp xét xử phúc thẩm vụ “rút ruột” 1.128,9 tỷ đồng các quỹ tín dụng ở Đồng Nai
Quốc Hải
Thứ hai, ngày 11/05/2020 09:46 AM (GMT+7)
Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM sẽ đem ra xét xử phúc thẩm vụ án “rút ruột” 1.129 tỷ đồng các quỹ tín dụng ở Đồng Nai liên quan đến bị cáo Văn Văn Nghĩa, vào ngày 2/6 tới.
Trước đó, như Dân Việt đã đưa tin, Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM đã ra quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm vụ "rút ruột" 1.128,9 tỷ đồng ở các quỹ tín dụng ở Đồng Nai. Đồng thời, đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.
Theo Viện KSND Cấp cao TP.HCM, có 5 điểm bất thường liên quan đến bản án sơ thẩm, xét xử bị cáo Văn Văn Nghĩa về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" tại 3 quỹ tín dụng nhân dân (quỹ TDND) gồm: Quỹ TDND Tân Tiến, Quỹ TDND Thanh Bình và Quỹ TDND Dầu Giây.
Cụ thể, điểm thứ nhất mà Viện KSND Cấp cao TP.HCM chỉ ra, là bị cáo Văn Văn Nghĩa chiếm đoạt tài sản của 3 quỹ TDND nêu trên, với số tiền hơn 1.128,9 tỷ đồng, có dấu hiệu đồng phạm.
Để chiếm đoạt số tiền, Nghĩa đã trực tiếp chỉ đạo và cùng các giám đốc, kế toán, thủ quỹ, ban kiểm soát (gồm 22 người) và một số nhân viên tín dụng của 3 quỹ, làm hồ sơ vay vốn giả, lập hồ sơ tín dụng cho vay không có khách hàng thật, tại Quỹ TDND Tân Tiến, Dầu Giây để chiếm đoạt số tiền hơn 73 tỷ đồng.
Đồng thời, Nghĩa cũng thực hiện nâng khống hạn mức khi khách hàng vay vốn tại Quỹ TDND Tân Tiến để chiếm đoạt số tiền 168,7 tỷ đồng, huy động vốn để ngoài sổ sách kế toán tại Quỹ TDND Tân Tiến để chiếm đoạt số tiền 170,09 tỷ đồng, chi lương cho 2 người thực tế không nhận lương tại Quỹ TDND Tân Tiến để chiếm đoạt 319,3 triệu đồng.
Ngoài ra, Nghĩa sử dụng 82 giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô giả của Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai và 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để hợp thức hóa các hồ sơ làm giả với mục đích chiếm đoạt tài sản của 3 quỹ TDND là có dấu hiệu phạm tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017).
Tuy nhiên, vấn đề này không được đưa ra xem xét tại phiên xử sơ thẩm của Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Nai ngày 21/11/2019.
Thứ hai, theo Viện KSND Cấp cao TP.HCM, việc để bị cáo Văn Văn Nghĩa trong một thời gian dài thực hiện hành vi phạm tội Chiếm đoạt tài sản của 3 quỹ TDND, còn có hành vi thiếu trách nhiệm của các cá nhân tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chi nhánh tỉnh Đồng Nai.
Cụ thể, Ban Giám đốc, đoàn kiểm tra, thanh tra giám sát của NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai, trong suốt thời gian từ khi bị cáo Văn Văn Nghĩa thành lập 3 quỹ TDND, NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát nhưng thực hiện không đúng quy định về quản lý quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát, không phát hiện ra thủ đoạn làm hồ sơ giả, nâng khống, ký giả chữ ký khách hàng… tạo cơ hội cho Văn Văn Nghĩa chiếm đoạt hơn 1.128,9 tỷ đồng.
Thế nhưng, trách nhiệm này của NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai cũng chưa được xem xét, xử lý.
Thứ 3, bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Nai nhận định: "Đối với các giao dịch mà bên nhận thế chấp để cho vay, nhận chuyển nhượng, nhận mua bán tài sản ngay tình, không biết nguồn gốc tài sản đó được hình thành từ việc phạm tội của bị cáo Văn Văn Nghĩa được bảo vệ quyền lợi. Từ đó quyết định đối với các tài sản của bị cáo Văn Văn Nghĩa hoặc các doanh nghiệp của bị cáo Nghĩa thế chấp tài sản cho các ngân hàng để vay tín dụng được tiếp tục hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp theo thỏa thuận trong hợp đồng, được xử lý tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật. Đồng thời, hủy bỏ các lệnh kê biên tài sản của Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Đồng Nai và hủy bỏ biện pháp ngăn chặn giao dịch của Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai theo Văn bản số 16/ANĐT ngày 16/1/2018 của Cơ quan an ninh Điều tra Công an tỉnh Đồng Nai".
Theo Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM, quyết định này của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai là không có căn cứ, không đúng quy định của pháp luật.
Bởi lẽ, căn cứ vào kết quả của quá trình điều tra cũng như kết quả xét xử sơ thẩm, tài sản mà bị cáo Văn Văn Nghĩa sử dụng để thế chấp vay vốn các ngân hàng trong vụ án có được là do Nghĩa lấy tiền chiếm đoạt của các quỹ TDND nêu trên. Vì vậy, đây là các tài sản do phạm tội mà có, quá trình điều tra Cơ quan điều tra đã thu giữ, kê biên là đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Thứ 4, liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 36, tờ bản đồ số 4 (P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa), ký ngày 25/11/2017, giữa Công ty CP vật tư xây lắp Phương Nam với Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Quốc tế, bản án sơ thẩm đã hủy bỏ lệnh kê biên số 28/LKB-P92 ngày 30/9/2018 của Cơ quan an ninh Điều tra Công an tỉnh Đồng Nai, hủy bỏ văn bản ngăn chặn của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đồng Nai, hủy biện pháp ngăn chặn giao dịch của Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai…
Tuy nhiên, Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng, quyết định này của Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Nai là không có căn cứ, không đúng quy định của pháp luật.
Thứ 5, Công ty CP vật tư xây lắp Phương Nam là công ty do Văn Văn Nghĩa thành lập lấy nguồn tiền chiếm đoạt từ các quỹ TDND để hoạt động. Tại công ty này, Nghĩa thuê anh rể là Nguyễn Văn Hiền làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc, Trần Công Quốc Hưng là em vợ và Huỳnh Thị Mỹ Dung là cháu đứng tên cổ phần. Tại phiên tòa sơ thẩm, Nghĩa xác định tiền mua các thửa đất trên cùng tài sản trên đất là do phạm tội mà có. Để thực hiện hợp đồng chuyển nhượng là hợp đồng giả tạo thì Nghĩa đã trả 4,5 tỷ đồng lãi suất tiền cầm cố thửa đất nêu trên cho bên vay.
Do đó, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với thửa số 36, tờ bản đồ số 4 nêu trên giữa Công ty CP vật tư xây lắp Phương Nam và Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Quốc tế là giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo.
"Theo quy định tại điều 124 Bộ luật Dân sự, khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực", Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM nhận định.
Hiện, thửa đất này có giá trị định giá là hơn 219,7 tỷ đồng và giá trị thực bên ngoài là cao hơn.
"Bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã vận dụng không đúng các Điều 46, 47, 48 Bộ luật Hình sự và Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự về việc thu hồi tài sản đã chiếm đoạt trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp và không đúng theo quy định tại Điều 124 Bộ luật Dân sự về giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo. Do đó, số tài sản trên cần thu hồi để chi trả tiền cho người gửi nhằm ổn định tình hình chính trị tại địa phương", Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM cho biết.
Trước đó, Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ra bản án sơ thẩm số 90/2019/HS-ST ngày 21/11/2019, tuyên phạt bị cáo Văn Văn Nghĩa 19 năm tù, buộc bị cáo Nghĩa bồi thường cho 3 quỹ tín dụng trên với tổng số tiền 1.128,9 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.