Giới phân tích cho rằng thảm họa này đạt tới mức tàn khốc như vậy không đơn thuần chỉ do thiên tai, mà còn vì sự sơ suất của con người.
Cảnh hoang tàn ở thành phố Tacloban
Trung tâm hình thành bãoThực chất, đó là sự kết hợp giữa các yếu tố địa lý, khí tượng học, đói nghèo, xây dựng cẩu thả, dân số bùng nổ... Cuối cùng, và ở mức độ thấp nhất, mới do tác động của biến đổi khí hậu. Tất cả những thứ đó đã khiến Philippines dễ bị tổn thương trước cơn siêu bão vừa qua, theo một số nghiên cứu khoa học.
Và dĩ nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do siêu bão Hải Yến quá mạnh. Bão Hải Yến quét ngang Philippines với những cơn gió mạnh nhất từ trước tới nay từng đo được trong số các cơn bão nhiệt đới, với sức gió lên đến 195 dặm/giờ (312,8 km/giờ). Vô số nhà cửa đã bị thổi bay, và hàng chục ngàn người được tin là đã chết. ”Đó là sự kết hợp của thiên nhiên và con người”, theo giáo sư Kerry Emanuel, chuyên gia khí tượng nhiệt đới của Viện MIT. “Nếu thiếu một trong các yếu tố kể trên, bạn sẽ không có một thảm họa như hiện nay”.
Về vị trí địa lý, 7.000 hòn đảo của Philippines nằm ở giữa khu vực dễ xảy ra bão nhất trên thế giới, và cũng là khu vực dễ hình thành các cơn bão lớn nhất vì vùng nước ấm rất rộng, có vai trò như nơi “nuôi dưỡng” và thổi thêm năng lượng cho các cơn bão. Một nửa các cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào đất liền trong thế kỷ 20 và 21 đã đi ngang Philippines - theo nghiên cứu của Jeff Masters, giám đốc Weather Underground.
Các cơn bão thường đổ bộ vào đất liền khi lên ở đỉnh sức mạnh hoặc trước đó, và cơn bão Hải Yến đã đánh vào Philippines lúc nó mạnh nhất, theo các dữ liệu từ vệ tinh thời tiết của Mỹ.
Cảnh hoang tàn ở Coron, Palawan
Dân số đông đúc, nhà cửa tạm bợTrong khi đó, con người thậm chí còn đóng một vai trò lớn hơn trong việc tạo thành thảm họa, theo các nhà khí tượng học. Nhà nghiên cứu bão Brian McNoldy của Đại học Miami tính ra rằng có tới 75-80% thiệt hại của siêu bão Hải Yến vừa qua ở Philippines là xuất phát từ các yếu tố con người.
Đầu tiên, đó là sự đói nghèo và tăng dân số quá mức, khiến mật độ dân cư ở các vùng ven biển tăng mạnh, trong khi chất lượng nhà cửa lại rất kém, ngay cả những công trình dùng để trú bão cũng không chịu nổi bão Hải Yến.
Bình quân cứ 10 người Philippines thì có hơn 4 người sống trong những thành phố dễ bị tổn thương trước bão với dân số hơn 100.000 người, theo một nghiên cứu năm 2012 của Ngân hàng Thế giới (WB). Bão Hải Yến đã gây thiệt hại nặng nề nhất tại thành phố Tacloban, nơi dân số tăng gần gấp 3 từ 76.000 người lên 221.000 người chỉ trong vòng 4 năm.
Khoảng 1/3 nhà cửa ở Tacloban có tường làm bằng gỗ và 1/7 ngôi nhà lợp bằng lá - theo Cục Dân số. Những yếu tố này, đặc biệt là việc kiến trúc quá yếu ớt, là nhân tố cực kỳ quan trọng khiến một cơn bão yếu ớt cũng có sức tàn phá lớn, theo McNoldy. “Người Philippines có những quả bom hẹn giờ ở thành thị, nơi các thành phố tăng kích cỡ gấp đôi, gấp ba hoặc thậm chí gấp bốn trong vòng chỉ 50 năm mà không hề có chuẩn mực về chất lượng xây dựng” - theo Richard Olson, Giám đốc Extreme Events Institute, thuộc Đại học Florida International.
Các nhà khoa học nói rằng con người đã làm trái đất nóng lên, góp phần làm mực nước biển tăng và cũng tăng thêm sức mạnh của các cơn bão nhiệt đới mạnh nhất. Nhưng với cơn bão Hải Yến, họ nói những yếu tố này chỉ đóng góp một phần nhỏ.
Một nghiên cứu năm 2008 cho biết ở vùng tây bắc Thái Bình Dương, nơi bão Hải Yến hình thành, 1% các cơn bão nhiệt đới mạnh nhất 30 năm qua có sức gió mạnh hơn 1 dặm/giờ mỗi năm, một hiện tượng bị đổ lỗi cho sự nóng lên toàn cầu. “Các cơn bão mạnh nhất ngày càng mạnh hơn” - theo đồng tác giả nghiên cứu, James Kossin của National Climatic Data Center - “Hải Yến có lẽ là một minh chứng tốt cho những gì chúng tôi đã phát hiện”.
Tương tự, mực nước biển ở Philippines đã dâng lên cao hơn 1/2 inch (1,27cm) trong 20 năm qua, gần gấp đôi mức tăng của toàn cầu - theo R. Steven Nerem của Đại học Colorado. Mực nước biển cao hơn có thể tăng thêm sức mạnh cho các cơn bão, và cũng tạo ra những cơn lũ lớn hơn.
Đáng chú ý, trong khi những yếu tố nhân tạo gây biến đổi khí hậu có thể làm các thảm họa trầm trọng hơn, thì con người vẫn có thể làm giảm nhẹ tác động của các thiên tai bằng chất lượng công trình xây dựng, hệ thống cảnh báo sớm và phản ứng nhanh nhạy của chính quyền. Ông Emanuel cho biết đất nước Bangladesh nghèo đói trong những năm 1970 chịu thiệt hại nhiều hơn trước các cơn bão so với ngày nay. Hiện các cộng đồng quốc tế đã góp sức xây dựng nhiều kiến trúc trú ẩn kiên cố ở đó. Trong khi đó, Philippines nằm trong khu vực chịu thiên tai nhiều nhất thế giới, nhưng lại rất thiếu các công trình trú ẩn. “Họ có đủ thứ thiên tai, từ động đất, núi lửa, lũ lụt, bão, lở đất...” - theo Kathleen Tierney, Giám đốc Natural Hazards Center của Đại học Colorado.
Cảnh báo muộn, phản ứng chậmHệ thống cảnh báo và phản ứng của chính quyền Philippines trong cơn bão vừa qua bị chỉ trích là quá muộn, quá chậm chạp. Chỉ vài giờ trước khi siêu bão Hải Yến đổ bộ, các cơ quan chức năng Philippines mới di dời người dân đến những nơi trú ẩn như nhà thờ, trường học và các tòa nhà công cộng. Nhưng các công trình bằng gạch và vữa chỉ đơn giản là không chịu nổi trước những cơn gió mạnh như máy bay phản lực và các bức tường sóng khổng lồ cuộn lên bờ. Các thành phố, thị trấn và làng mạc bị tàn phá, hàng ngàn người bị giết chết, trong đó có nhiều người trong số những người đã tụ tập tại những nơi trú ẩn của chính phủ.
Vấn đề là hệ thống cảnh báo ở Philippines quá chậm. Các nhà phân tích so sánh thảm họa Hải Yến với siêu bão Phailin tấn công vào bờ đông Ấn Độ trước đây. Khi đó, nhờ cảnh báo sớm và chuẩn bị trước hàng tuần lễ, cộng với việc Ấn Độ có nhiều hơn Philippines hàng ngàn nơi trú ẩn vững chắc, nên cơn bão chỉ giết chết có 25 người. Giới quan sát cũng khen ngợi Việt Nam vì đã kịp di tản gần 600.000 người từ cuối tuần trước, trong khi bão Hải Yến dự báo sáng thứ 2 mới đổ bộ.
Nhưng các nhà chức trách Philippines không đưa ra được cảnh báo sớm, kết quả có rất nhiều người dân thờ ơ, không đến trú ẩn tại các nơi trú ẩn vì không nhận thức đủ về sức tàn phá của cơn bão. Điều nhiều người dân không ngờ tới là sự tàn phá của những con sóng, chứ không phải gió. Nhiều con tàu bị quăng lên bờ và đổ sập xuống nhà dân như thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004.
Số người chết có thể còn tăngGiới quan sát tin rằng số người thiệt mạng vì siêu bão Hải Yến có thể còn cao hơn nhiều so với con số 10.000 người đưa ra trước đó, khi các nhà cứu trợ tiếp cận sâu hơn các khu vực bị bão tàn phá. Những nỗ lực cứu trợ đang bắt đầu tăng tốc, với hàng chục nước và tổ chức từ thiện đã huy động được hàng triệu USD cứu tế.
Nhưng việc tiếp cận các nạn nhân khá khó khăn vì đường sá bị hư hại, sân bay và cầu cống bị tàn phá do gió mạnh và nước dâng. Khoảng 660.000 người đã bị rơi vào cảnh không nhà và không tiếp cận được thức ăn, nước uống hay thuốc thang, theo LHQ. Chính phủ của Tổng thống Aquino đã tuyên bố tình trạng thảm họa quốc gia, do đó chính phủ được phép sử dụng ngân sách để cứu trợ và kiểm soát giá. Ông cho biết chính phủ đã dành ra 18,7 tỷ peso (432,97 triệu USD) để khắc phục thiệt hại của siêu bão.
Nhưng những người cứu trợ vẫn chưa tiếp cận được các vùng xa xôi với bờ biển, như Guiuan, một thị trấn nằm ở phía đông tỉnh Samar, có dân số khoảng 40.000 người và cũng bị tàn phá nặng nề. Cơn bão cũng san bằng Basey, một thị trấn ven biển ở tỉnh Samar, cách Tacloban khoảng 10km. Khoảng 2.000 người đã bị mất tích ở Basey, theo tỉnh trưởng Samar. Thiệt hại cho vùng trồng dừa và lúa này cỡ hơn 69 triệu USD, theo Citi Research.
Anh Khoa (Thế giới & Hội nhập) (Anh Khoa (Thế giới & Hội nhập))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.