Sinh viên, phụ huynh "kêu trời" khi Bộ GDĐT đề xuất tăng học phí

Hà My Thứ sáu, ngày 13/11/2020 08:21 AM (GMT+7)
Tâm tư chung của học sinh, sinh viên và phụ huynh đều tỏ ra lo lắng trước đề xuất tăng học phí của Bộ GDĐT.
Bình luận 0

Lo âu tăng theo học phí

Mới đây, Bộ GDĐT đã đề xuất tăng học phí đối với toàn bộ các cấp học. Cụ thể, học phí bậc mầm non, phổ thông tăng 7,5%, học phí bậc đại học tăng 12,5% kể từ năm học tới đây 2021 - 2022.

Trong bối cảnh toàn xã hội đang từng bước khắc phục thiệt hại về kinh tế do dịch Covid-19 để lại, bên cạnh đó là miền Trung ảnh hưởng nặng nề vì thiên tai, bão lũ thì đề xuất của Bộ GDĐT đã nhận phải nhiều ý kiến trái chiều. Tâm tư chung của học sinh, sinh viên và phụ huynh đều tỏ ra lo lắng trước đề xuất kể trên.

tăng học phí

Sinh viên lo âu trước đề xuất tăng học phí. Ảnh minh họa (IT).

Chị Hoàng Thị Thắm (Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội) có con đang học lớp 12, thấy thật sự sự khó hiểu đối với đề xuất này. "Không hiểu Bộ GDĐT đã có lộ trình trong việc tăng học phí từ trước hay mới soạn thảo dự thảo để lấy ý kiến gần đây. Nhưng cá nhân tôi cho rằng, đây là một đề xuất khá vô cảm trong tình hình kinh tế khó khăn chung trong toàn xã hội. Bên cạnh đó, tôi cũng lo là lượng tăng mà chất không tăng, học sinh sẽ cảm thấy thoải mái vì có có sở vật chất tốt hơn nhưng chất lượng trong giảng dạy không tăng thì là điều đáng lo ngại", chị Thắm nói.

Chị Phùng Thị Hải (Thiệu Hóa - Thanh Hóa) cho biết, chị cũng biết rằng tăng học phí nhằm để tăng chất lượng dạy và học. Thế nhưng với gia đình làm nông như nhà chị, chỉ gửi thêm 100 - 200 nghìn đồng hàng tháng cho con đi học cũng phải tính toán rất nhiều. "Làm nông tùy thuộc vào thời tiết, mùa vụ nên không ổn định, bấp bênh. Với thu nhập của gia đình tôi hiện nay sẽ khó khăn trong việc vừa đóng học phí, vừa lo chi phí sinh hoạt hàng tháng cho con”, chị Hải nói. Được biết, con trai chị Hải đang theo học tại Trường Đại học Thương mại với mức học phí 15.750.000 đồng/1 năm.

Em Nguyễn Tùng Lâm (sinh viên năm 3 Trường Đại học Giao thông Vận tải) không giấu được sự lo lắng trước việc học phí ngày càng tăng: “Gia đình có điều kiện thì học phí tăng không sao, nhưng gia đình khó khăn hoặc chỉ có thu nhập trung bình như nhà em thì đó là con số không nhỏ. Hiện một nửa các bạn lớp em phải đi làm thêm vì số tiền gia đình chu cấp vừa phải đóng học phí và trang trải cuộc sống như thuê nhà, tiền ăn... là không đủ. Việc đi làm thêm quá tải ảnh hưởng không nhỏ tới thời gian học tập của các bạn".

Thực tế việc sinh viên đại học đi làm thêm để trang trải học phí và sinh hoạt không hiếm. Tuy nhiên vì công việc vất vả khiến cho các sinh viên này không đảm bảo được thể trạng tinh thần và sức khỏe tốt nhất để hoàn thành việc học tập tại trường.

Cùng chung lo lắng trên, em Minh Hoa (sinh viên năm 2 Trường Đại học Ngoại thương) cho rằng, việc tăng học phí cần phải có lộ trình và đảm bảo được chất lượng cho người học. "Hiện tại để sinh hoạt và học tập tại Hà Nội, em được gia đình gửi 4 triệu đồng/tháng. Nhưng đây chỉ là số tiền tối thiểu cho học phí và thuê nhà, tiền sinh hoạt thêm, hoạt động trường lớp em phải đi làm thêm để trang trải", em Hoa chia sẻ. Hoa đang làm thêm cho một cửa hàng sách 4 tiếng/1 ngày, số tiền em thu được từ đây là 1,5 triệu đồng. Hoa cho biết may mắn công việc không quá áp lực và em có thể học bài khi không có khách mua sách tại cửa hàng. Tuy nhiên, nhiều bạn cùng lớp em phải làm ở các quán ăn, quán cà phê thì rất mệt mỏi và áp lực.

Không để học sinh nghèo học giỏi thiệt thòi

Thực tế việc tăng học phí theo tinh thần tự chủ của các trường đại học đã tạo ra một cơn "bão" nhỏ ngay từ giữa năm 2020. Hàng loạt các trường đào đạo ngành sức khỏe, y dược tăng học phí "vọt" lên so với năm trước đó khiến không ít sinh viên, phụ huynh phải ngỡ ngàng.

Trường Đại học Y Dược TP.HCM công bố chuyển sang mô hình tự chủ với mức học phí tăng mạnh cho sinh viên khóa mới. Theo đề án tuyển sinh, mức thu dự kiến của trường từ 30 - 70 triệu đồng/năm, tùy khối ngành cho sinh viên trúng tuyển khóa 2020, trong khi mức học phí của trường trước đó chỉ khoảng 13 triệu đồng/năm. Tương tự, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM quy định, học phí đại học chính quy năm học mới là 684.000 đồng/tín chỉ và không tăng quá 10% mỗi năm. Trường Đại học Mở TP.HCM công bố học phí chương trình đại trà năm học mới này ở mức 17 - 22 triệu đồng/năm. Các ngành chương trình chất lượng cao 34,5 - 37,5 triệu đồng/năm.

Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) cũng xây dựng mức học phí dự kiến năm học 2021 là 50 triệu đồng; năm 2022 là 55 triệu đồng; năm 2023 là 60 triệu đồng; năm 2024 là 65 triệu đồng và năm 2025 là 66 triệu đồng. Tầm nhìn đến năm 2030, trường này đề xuất mức học phí là 72 triệu đồng.

Theo lý giải của các trường, đây là năm đầu tiên trường thực hiện cơ chế tự chủ nên học phí sẽ tăng cao do không còn được Nhà nước bao cấp kinh phí. Đối với các trường đào tạo ngành sức khỏe, y dược thì mức học phí 13 - 14 triệu đồng/năm không thể nào đào tạo được một sinh viên y khoa. 

Nói về những lo ngại việc sinh viên nghèo sẽ khó có khả năng theo học tại trường, một lãnh đạo Trường Đại học Y dược TP.HCM cho biết nhà trường đã xây dựng chính sách học bổng, trong tổng số 2.100 chỉ tiêu đại học năm nay, trường dự kiến sẽ trao 800 suất học bổng (từ 25%-100% học phí). Tuy nhiên, ông này cho biết cần có sự điều phối của Nhà nước, bên cạnh đó cần có những chính sách cụ thể, ví dụ như cung cấp kinh phí và "đặt hàng" đào tạo thầy thuốc. 

Một cách hỗ trợ sinh viên khác, Đại học Quốc gia TP.HCM đã có chương trình cho sinh viên vay ưu đãi học tập với lãi suất 0%. Theo đó, chương trình cho sinh viên vay ưu đãi học tập với lãi suất 0% nhằm hỗ trợ sinh viên trong hệ thống đại học này, có hoàn cảnh khó khăn có thể trang trải một phần kinh phí trong quá trình học tập, giúp sinh viên có đủ khả năng đóng học phí không phải ngừng học. Toàn bộ nguồn kinh phí thực hiện chương trình được vận động tài trợ và đóng góp tự nguyện từ các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước. 

Bộ GDĐT lý giải đề xuất khung học phí năm học 2021-2022 được đưa ra căn cứ vào kịch bản tăng trưởng kinh tế của Tổng cục Thống kê thông báo giai đoạn 2021-2025, vấn đề bảo đảm an sinh xã hội và chia sẻ với gia đình người học. Việc tăng học phí đối với bậc mầm non - tiểu học (cấp học đang được Nhà nước hỗ trợ học phí) sẽ tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng giáo dục ở cấp học này, mà người thụ hưởng trực tiếp là người học.

Nguyên tắc xác định giá dịch vụ giáo dục đào tạo:

- Đối với dịch vụ giáo dục đào tạo sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước: Giá các dịch vụ giáo dục đào tạo được xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành và được Nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoặc phần chưa tính đủ chi phí trong giá, phí được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Trong đó chi phí tiền lương trong giá dịch vụ giáo dục đào tạo tính theo mức lương cơ sở, hệ số tiền lương ngạch, bậc, chức vụ đối với đơn vị sự nghiệp công, định mức lao động do các bộ, cơ quan Trung ương, ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo thẩm quyền và phụ cấp đặc thù nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ.

- Đối với dịch vụ giáo dục đào tạo không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thì giá dịch vụ được xác định theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí hợp lý theo quy định của Luật Giá, trong đó các dịch vụ được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, Nhà nước không cấp kinh phí.

- Giá dịch vụ giáo dục đào tạo được xác định theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí hợp lý, không tính vào chi phí hợp lý để xác định giá dịch vụ giáo dục đào tạo đối với các khoản chi phí đã được ngân sách nhà nước bảo đảm và các chi phí đã được tính trong giá dịch vụ khác của đơn vị và thực hiện công khai, minh bạch được quy định tại Luật Giá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem