Sợ Covid-19 không đi khám, nhiều bệnh nhân biến chứng nặng vì sốt xuất huyết

Diệu Linh Thứ tư, ngày 06/10/2021 19:00 PM (GMT+7)
Dịch sốt xuất huyết cùng lúc với dịch Covid-19 khiến nhiều người không đi khám, chỉ tự điều trị tại nhà. Không ít bệnh nhân đã bị biến chứng nặng do đến viện muộn.
Bình luận 0

Vợ chăm chồng ốm lại nhập viện vì sốt xuất huyết

Ngày 6/10, tại Trung tâm Bệnh viện Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), bệnh nhân Ng.L.A (42 tuổi, ở Hà Tĩnh) đang phải điều trị sốt xuất huyết với biến chứng nặng.

Người nhà cho biết, chị L.A ra Hà Nội chăm chồng mắc nhiễm trùng huyết đang điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 21/9. Đến ngày 29/9, chị bắt đầu xuất hiện sốt cao, đau mỏi người, mệt nhiều kèm tiêu chảy.

Chị được chuyển ra khám sàng lọc Covid-19 để làm xét nghiệm PCR Covid-19 và đồng thời test nhanh Dengue. Kết quả test Covid-19 âm tính, nhưng test Dengue dương tính, được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết.

Hiện chị vẫn đang sốt cao, tiểu cầu hạ thấp, ngày 4/10 xuống còn 20 G/L, men gan tăng, chảy máu chân răng. Hiện bệnh nhân đang được điều trị và theo dõi sát sao.

Sợ Covid-19 không đi khám, nhiều bệnh nhân biến chứng nặng vì sốt xuất huyết - Ảnh 1.

PGS.TS Đỗ Duy Cường (ở giữa) thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết tại Trung tâm. Ảnh BVCC

Một bệnh nhân khác cũng bị sốt xuất huyết khi đang điều trị bệnh khác. Bệnh nhân H.M (quê Thanh Hóa) đang chạy thận chu kỳ tại Đơn nguyên Thận nhân tạo (Bệnh viện Bạch Mai). Để tiện điều trị, bệnh nhân đến nhà cô chú ở Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội) ở.

Ngày 1/10, khi đang thực hiện lọc máu chu kỳ tại Bệnh viện, bệnh nhân xuất hiện rét run kèm sốt cao nên được đưa vào Trung tâm Cấp cứu A9 và chuyển vào Trung tâm Bệnh nhiệt đới sau khi xét nghiệm Dengue dương tính, test Covid-19 âm tính. Kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân cho thấy bạch cầu, tiểu cầu đều hạ, thiếu máu, có dịch trong ổ bụng.

PGS.TS. Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, riêng Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp sốt xuất huyết Dengue phải nhập viện.

"Đặc biệt có nhiều trường hợp nặng trên các cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, bệnh nhân có các bệnh nền: suy tim, suy thận, bệnh gan, phổi mạn tính… Các bệnh nhân đến từ hầu hết các địa bàn quận, huyện ngoại thành và các vùng lân cận của Hà Nội như Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc.

Số ca nhập viện rải rác từ đầu hè nhưng tăng mạnh vào cuối tháng 9 đến nay với các triệu chứng đặc trưng là sốt cao đột ngột, đau mỏi người, phát ban, hạ tiểu cầu… ", PGS Cường cho biết.

Theo PGS Cường, đáng nói, dịch sốt xuất huyết năm nay là có nhiều bệnh nhân nặng, tràn dịch ổ bụng, tiểu cầu hạ thấp kèm xuất huyết phải vào viện truyền khối tiểu cầu.

Nguyên nhân do dịch sốt xuất huyết xảy ra khi Hà Nội đang trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19, người dân không đi bệnh viện, khiến bệnh có biến chứng nặng.

Sợ Covid-19 không đi khám, nhiều bệnh nhân biến chứng nặng vì sốt xuất huyết - Ảnh 2.

Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện với các biến chứng nguy hiểm. Trong ảnh là một bệnh nhân sốt xuất huyết tại Trung tâm Bệnh viện Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh BVCC

Đừng chủ quan với sốt xuất huyết

Theo PGS Cường, sốt xuất huyết và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do virus gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như: biểu hiện sốt, đau đầu, đau mỏi người.

Tuy nhiên, đây là hai bệnh có yếu tố dịch tễ và đường lây truyền cũng như bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau. Covid-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn, còn sốt xuất huyết lây qua đường máu do muỗi truyền.

Ngoài ra sốt xuất huyết điển hình có biểu hiện da xung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc. Đối với bệnh nhân mắc Covid-19 thì ngoài yếu tố dịch tễ có tiếp xúc với người mắc Covid-19 thì còn có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, khó thở, mất ngửi,… nặng sẽ có biểu hiện viêm phổi và suy hô hấp.

"Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong.

Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng thì các triệu chứng của sốt xuất huyết cần hết sức lưu ý vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với Covid-19 như: sốt, đau mỏi cơ.

Do đó nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ rất cẩn thận và kỹ càng, đồng thời yêu cầu làm xét nghiệm khẳng định, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra các hậu quả đáng tiếc", PGS Cường khuyến cáo.

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến ngày 5/10, cả nước ghi nhận 50.473 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 18 trường hợp tử vong tại Bình Phước (6 ca), TP.HCM (2 ca), Đồng Nai (2 ca), Bình Dương (2 ca), Bà Rịa -Vũng Tàu (1 ca), Phú Yên (2 ca), Sóc Trăng (1 ca), Tây Ninh (1 ca), Bình Thuận (1 ca).

So với cùng kỳ năm 2020 số mắc giảm, tuy nhiên số tử vong tăng 5 trường hợp.

Hiện nay đang là thời điểm mùa dịch, số mắc hàng tuần có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại Hà Nội và một số tỉnh khu vực miền Nam.

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh, tổ chức phun hóa chất xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài.

Xác định các điểm có nguy cơ cao và tổ chức phun hóa chất chủ động theo quy định của Bộ Y tế. Đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể.

Tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, lồng ghép với truyền thông phòng chống Covid-19 và các hoạt động khác nhưng đồng thời vẫn đảm bảo các biện pháp an toàn trong phòng chống Covid-19.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem