Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Chia sẻ với PV báo Dân Việt về những điểm mới trong tuyển sinh năm 2024, Ths Nguyễn Quang Trung, Phó trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Thương mại, cho biết: "Tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy của Trường Đại học Thương mại năm 2024 là 4.950, tăng 50 chỉ tiêu so với năm 2023 và có sự điều chỉnh chỉ tiêu giữa các ngành.
Hiện trường có 38 chương trình đào tạo, trong đó 27 chương trình đào tạo chuẩn, 3 chương trình đào tạo định hướng nghề nghiệp và đặc biệt ưu tiên chỉ tiêu cho 8 chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (IPOP) bắt đầu tuyển sinh từ năm 2024. Các chương trình IPOP có tính thực tiễn, tính toàn diện, đáp ứng nhu cầu xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sinh viên có cơ hội việc làm phù hợp với lĩnh vực đào tạo ngay khi còn học ở giảng đường và sau khi tốt nghiệp.
8 chương trình đào tạo theo IPOP là Quản trị kinh doanh; Marketing thương mại; Kế toán tích hợp chứng chỉ quốc tế; Logistics và xuất nhập khẩu; Thương mại quốc tế; Tài chính – Ngân hàng thương mại; Quản trị nhân lực doanh nghiệp; Quản trị khách sạn".
Cũng theo Ths Trung, năm 2024, Trường Đại học Thương mại giữ ổn định các phương thức tuyển sinh đại học chính quy như năm 2023, có điều chỉnh kỹ thuật nhằm tạo điều kiện thuận lợi và tăng cơ hội xét tuyển cho thí sinh. Các phương thức bao gồm: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển; Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024; Xét tuyển theo kết quả học tập cấp THPT đối với thí sinh trường chuyên/trọng điểm quốc gia; Xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy; Xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế với kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Thời gian nộp hồ sơ dự kiến từ 20/4.
Trước câu hỏi về việc các trường thường xét vượt chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển sớm nhằm tránh lượng thí sinh ảo. Điều này gây tâm lý lo lắng cho thí sinh dự xét tuyển bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT sau này, Ths Trung cho hay: "Điều này tôi hiểu, xét tuyển sớm thì các trường phải tính đến lượng thí sinh ảo để gọi nhiều hơn chỉ tiêu. Điều đó dẫn đến trường hợp nhiều ngành hot, thu hút thí sinh thì chỉ tiêu xét tuyển sớm thôi cũng đã đủ chỉ tiêu rồi khiến chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT còn ít.
Tôi nghĩ các trường đã phải tính toán kỹ. Trường Đại học Thương mại rất quan tâm đến vấn đề này nên phải tính toán kỹ khi chọn điểm xét tuyển tương ưng với ngành. Chúng tôi phân bổ theo chỉ tiêu với điểm chuẩn từng ngành và phải đảm bảo để tỉ lệ cho các em sử dụng thi tốt nghiệp THPT xét vào trường. Thí sinh hoàn toàn yên tâm khi trường vẫn dành 40% chỉ tiêu cho kết quả thi tốt nghiệp THPT".
TS Thân Thanh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, cho biết, năm 2024, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tuyển sinh 7.650 chỉ tiêu, tăng 150 chỉ tiêu cho ngành mới mở là An toàn thông tin. Nhà trường xác định ngành An toàn thông tin phù hợp với nhu cầu trong giai đoạn tới, đặc biệt là theo xu hướng thương mại điện tử, các doanh nghiệp, tổ chức rất cần nhân lực trong ngành này. Bên cạnh đó, trường bổ sung thêm chỉ tiêu cho ngành "hot" khác như Năng lượng tái tạo, Kỹ thuật sản xuất thông minh, Công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh… Mặc dù mới mở năm 2023 nhưng đã thu hút lượng lớn thí sinh tham gia.
Về phương thức xét tuyển, năm nay Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có 6 phương thức xét tuyển, vẫn giữ ổn định như năm 2023.
Chia sẻ về xu hướng chọn ngành, TS Sơn cho biết: "Theo xu hướng chung, những ngành thuộc nhóm Kinh tế quản lý, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, ngoài ra một số ngành đào tạo ngôn ngữ cũng được thí sinh quan tâm".
Bà Nguyễn Thị Hồng Huệ, Phó phòng Đào tạo, Học viện công nghệ bưu chính viễn thông, cho hay, năm nay Học viện tuyển 5.000 chỉ tiêu, tăng so với năm trước và sử dụng 4 phương thức xét tuyển. Năm 2024, Học viện dự kiến tuyển sinh mới một số ngành, chương trình đào tạo như Quan hệ công chúng, chương trình Thiết kế vi mạch, Công nghệ thông tin Việt Nhật, Thiết kế và phát triển game và chương trình chất lượng cao ngành Kế toán chuẩn quốc tế ACCA.
Chia sẻ trong ngày hội tư vấn tuyển sinh mới đây, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GDĐT cho biết: "Hiện nay có khoảng 250 trường đại học, hơn 300 trường cao đẳng, ngoài ra còn có các trường trung cấp. Số ngành ở bậc đại học là gần 500, số nghề ở trình độ cao đẳng, trung cấp cũng tương tự. Do vậy các sự lựa chọn rất lớn".
Tuy nhiên, dù có nhiều cơ hội trúng tuyển cũng như nhiều thí sinh đã yên tâm khi đỗ phương thức xét tuyển sớm, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT nhắn nhủ thí sinh: "Theo quy định của Bộ GDĐT, thí sinh sẽ chỉ đăng ký nguyện vọng theo ngành/trường mà không cần đăng ký nguyện vọng theo phương thức, tổ hợp xét tuyển.
Thí sinh cần nhớ phải cập nhật lên hệ thống xét tuyển của Bộ GDĐT tất cả những dữ liệu có thể phục vụ cho việc xét tuyển như điểm học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ đánh giá năng lực, các chứng nhận để cộng điểm ưu tiên, khuyến khích theo quy chế Bộ GDĐT ban hành thì mới hợp lệ
Sau khi đăng ký, hệ thống sẽ chỉ xác nhận thí sinh trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất. Vì vậy, thí sinh cần sắp xếp thứ tự nguyện vọng yêu thích nhất lên trên. Thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng nào, hệ thống sẽ dừng lại ở nguyện vọng đó, không xét tiếp.
Trước câu hỏi của thí sinh về việc có phải đặt nguyện vọng 1 cho ngành đã trúng tuyển sớm không, bà Thủy khẳng định trên hệ thống của Bộ GDĐT thí sinh chỉ cần quan tâm tới một nguyên tắc: ngành nào thích nhất đặt lên trước. Trường hợp các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm nhưng không phải ngành thích nhất, thí sinh có thể xếp sau. Nếu các ngành thí sinh thích không đủ điều kiện trúng tuyển thì hệ thống sẽ vẫn xét đến ngành các em đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.