Nhân chứng sống 81 tuổi thăm lại di tích Trung ương Cục miền Nam nhân ngày 30/4
Tại di tích Trung ương Cục miền Nam, người lính già 81 tuổi nói: Cách mạng khó thành công nếu không được dân bao bọc
Trần Khánh
Thứ sáu, ngày 30/04/2021 06:05 AM (GMT+7)
Thăm lại di tích lịch sử Trung ương Cục miền Nam, "anh bộ đội cụ Hồ" Nguyễn Văn Khanh, 81 tuổi thổ lộ, nếu không có sự bao bọc của dân, dù bao nhiêu hi sinh gian khổ, cách mạng sẽ khó thành công. Ông cũng gửi gắm nhiều tâm tư mong muốn giai cấp nông dân được quan tâm nhiều hơn...
Clip: "Anh bộ đội cụ Hồ" Nguyễn Văn Khanh chia sẻ những tâm sự và niềm trăn trở không nguôi về người nông dân trong kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ...
Nhân chứng sống của Trung ương Cục miền Nam
Khi biết tin sẽ có chuyến về thăm Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh), những địa danh như Lò Gò, Xa Mát, Kà Tum... lại ùa về trong ký ức người người lính già Nguyễn Văn Khanh.
4 giờ sáng hôm sau, ông Khanh là một trong những người có mặt sớm nhất tại trụ sở Hội Nông dân TP HCM để chuẩn bị khởi hành về Trung ương Cục miền Nam.
Ông Khanh là thiếu úy quân đội, người từng sống và chiến đấu ở chiến trường Trung ương Cục miền Nam từ tuổi đôi mươi. Hiện ông đang cư ngụ ở huyện Củ Chi, năm nay đã 81 tuổi.
Sức khỏe không tốt như xưa nhưng cứ hễ có dịp, ông vẫn muốn về thăm lại quê hương thứ hai của mình-đó là Trung ương Cục miền Nam.
Ông Khanh kể, từ Chiến khu D, ông được điều về Trung ương cục miền Nam phụ trách trung đội vệ binh.
Núi rừng miền Đông âm u, cọp beo đầy dẫy mà không một bóng người. Ban đêm nằm ngủ, mọi người phải mắc võng tít trên cây cao để không bị thú rừng ăn thịt.
Cuộc chiến chống Mỹ nhiều gian khổ. Trên trời thì máy bay ném bom; dưới đất thì bộ binh địch đi càn, bắn pháo.
Ông Khanh kể, nhiều lần ông tham gia đi tải gạo. Đường đi gian khổ, hễ mình còn khỏe thì còn gạo đem về cho đồng đội ăn. Chẳng may mình bị ốm thì bao nhiêu gạo cũng hết sạch. Nhiều khi thiếu thốn, bộ đội phải ăn lại cơm thối, cơm thiu...
Nhiều người bị thương nhưng không có thuốc gây tê. Lúc dùng lưỡi liềm để tháo khớp cho bệnh binh, chỉ có lời ca xoa dịu nỗi đau, rồi nhai lá thuốc hái trong rừng trị bệnh.
Đứng trước tấm bia tưởng niệm của Hội Hông dân giải phóng miền Nam đặt tại Trung ương Cục miền Nam, ông Khanh nói, đã có không biết bao nhiêu là hy sinh và gian khổ của nông dân, cán bộ Hội Nông dân giải phóng miền Nam.
"Không có người dân che chở, bao bọc; chiến sĩ, cán bộ không thể sống sót; cách mạng khó có thể thành công để có được hòa bình rồi đất nước thống nhất, phát triển như hôm nay...", ông Nguyễn Văn Khanh xúc động nói.
"Vì vậy, chính quyền, và nhất là Hội Nông dân các cấp càng phải quan tâm sâu sát hơn tới nông dân. Chính quyền phải biết lắng nghe dân, vì dân mà phục vụ. Trong đó, cán bộ Hội Nông dân cũng góp phần quan trọng vào công cuộc phục vụ nông dân" - ông Khanh nhắn nhủ.
Hội Nông dân giải phóng miền Nam
Ông Phạm Văn Cuộc - nguyên Bí thư Đảng ủy Hội Nông dân Giải phóng miền Nam kể: Ngày 21/4/1961, Hội Nông dân Giải phóng miền Nam chính thức ra đời, trở thành thành viên của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Hội Nông dân Giải phóng miền Nam ra đời, hoạt động công khai; đã phát triển nhanh chóng về số lượng, chất lượng; làm nòng cốt trên các mặt trận đấu tranh cách mạng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn của Hội Nông dân giải phóng, nông dân miền Nam đã vượt qua khó khăn, gian khổ, bám đất giữ làng, giữ vững sản xuất, đã xuất nhiều gương nông dân chiến đấu dũng cảm kiên cường giữ đất, giữ làng…
Theo ông Cuộc, trong cuộc chiến tranh cứu nước, Hội Nông dân đã tích cực tham gia đóng góp, giai cấp nông dân đã hi sinh rất nhiều.
"Đi tới đâu, tôi cũng tự hào giới thiệu mình là cựu cán bộ Hội Nông dân giải phóng miền Nam, đã từng sống, chiến đấu ở Trung ương cục miền Nam" - ông Cuộc chia sẻ.
Ngày xưa, nông dân chỉ biết cái cày, cái cuốc, con trâu...Nông dân bây giờ hiện đại hơn, năng động, sáng tạo, thích ứng với phát triển của khoa học công nghệ và thị trường. Ông Cuộc đề nghị, các cấp Hội Nông dân TP HCM cần tiếp tục cố gắng hết sức mình để xứng đáng với lòng tin của nông dân, với trách nhiệm mà Đảng giao phó và xứng đáng với những cán bộ Hội Nông dân đã anh dũng hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ...
Bà Nguyễn Thanh Xuân – Chủ tịch Hội Nông dân TP HCM cho biết, nhân dịp kỷ kiệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975-30/4/2021, Hội Nông dân TP tổ chức chuyến về nguồn nhằm ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang, những hy sinh, đóng góp to lớn của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Giải phóng miền Nam.
Đây cũng là hoạt động hòa chung trong không khí chào mừng Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hội Nông dân giải phóng miền Nam (21/4/1961 - 21/4/2021).
Bà Xuân cho biết, tự hào với truyền thống cách mạng; các cấp Hội, cán bộ, hội viên, nông dân Thành phố sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của giai cấp nông dân.
Hội nông dân thành phố Hồ Chí Minh sẽ nêu cao trách nhiệm tích cực, chủ động tham gia phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững; góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
"Hội Nông dân thành phố nỗ lực xây dựng hình ảnh người nông dân mới TP HCM để xứng đáng với thành phố mang tên Bác, một thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình", bà Nguyễn Thanh Xuân chia sẻ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.