Tại sao nhiều người không được "chứng nhận đã tiêm vaccine Covid-19 trên Cổng thông tin tiêm chủng?

Diệu Linh Thứ tư, ngày 15/09/2021 06:13 AM (GMT+7)
Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) đã có báo cáo chỉ ra nhiều sai sót phần mềm Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 và Sổ Sức khỏe điện tử.
Bình luận 0

Theo báo cáo của Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), chiều 14/9, hiện nay hai nền tảng của Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 và Sổ Sức khỏe điện tử vẫn còn hoạt động chưa ổn định, quá trình hoạt động còn xảy ra lỗi. 

Điều này dẫn đến việc nhiều người dân không tìm được thông tin đã tiêm vaccine Covid-19 của mình trên Cổng Thông tin tiêm chủng. 

Vì sao đã tiêm vaccine Covid-19 lại chưa có "chứng nhận"

Lý giải về những rắc rối này, đại diện Cục Công nghệ thông tin chỉ ra các lỗi trên nền tảng quản lý tiêm vaccine Covid-19. 

Cụ thể như: Nhiều cơ sở tiêm vaccine Covid-19 chưa triển khai tiêm trên nền tảng, chưa nhập dữ liệu hồi cứu kịp thời dẫn đến người dân đã tiêm nhưng chưa có chứng nhận điện tử trên hệ thống Sổ Sức khỏe điện tử và Cổng thông tin tiêm chủng. 

Nền tảng hoạt động chưa ổn định, các thành phần của hệ thống còn chưa hoàn thiện, trong quá trình hoạt động còn xảy ra lỗi, trục trặc. Dữ liệu các thành phần của nền tảng chưa hoàn toàn liên thông dữ liệu dẫn đến báo cáo chưa chính xác, gây khó khăn cho các cơ sở tiêm chủng khi lập kế hoạch và cơ quan quản lý không nắm chính xác được tình hình tiến độ tiêm.

Tại sao nhiều người không được "chứng nhận đã tiêm vaccine Covid-19 trên Cổng thông tin tiêm chủng? - Ảnh 1.

Thông thường người tiêm vaccine Covid-19 sẽ tìm thấy "chứng nhận" đã tiêm trên Cổng thông tin tiêm chủng và Sổ Sức khỏe điện tử. Ảnh BYT

Đặc biệt, dữ liệu kết quả tiêm của nền tảng tiêm chủng chưa kết nối liên thông với hệ thống chứng nhận tiêm được ký sổ theo tiêu chuẩn EU và WHO. Điều này dẫn đến người nước ngoài đã tiêm chủng tại Việt Nam và người Việt Nam/người nước ngoài đã tiêm ở nước ngoài và hiện sống ở Việt Nam, có nhu cầu được cấp "thẻ xanh", "thẻ vàng" (tiêm đủ 1 mũi vaccine Covid-19 và tiêm 1 mũi vaccine Covid-19- PV), nhưng 2 nền tảng này lại chưa có chức năng theo nhu cầu.

Trong vài ngày qua, hai phần mềm Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 và Sổ Sức khỏe điện tử này đã nhận được phản ánh của hơn 800.000 người về việc gặp các rắc rối khi truy vấn thông tin tiêm chủng cá nhân.

Trong đó, 60% phản ánh có liên quan việc "đã tiêm rồi nhưng cổng chưa cập nhật thông tin" hoặc "tiêm đủ 2 mũi nhưng mới chỉ cập nhật 1 mũi", "sai thời gian tiêm", "đã gửi thông tin lên hệ thống nhưng chưa được cập nhật"...

Ngoài ra, nhiều người phản ánh không gửi được thông tin đến cổng, do không tìm thấy điểm tiêm và hiện có hàng ngàn điểm tiêm chưa được cập nhật, điểm tiêm sắp xếp lộn xộn, khó tìm.

Ngoài ra, hệ thống quản lý điều hành chưa hoàn thiện, còn thiếu một số chức năng phục vụ công tác quản lý điều hành cấp trung ương, cấp địa phương, số liệu thống kê chưa chính xác.

Việc phân quyền và cấp tài khoản cho các cấp quản lý chưa được thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu khai thác và quản lý của địa phương. Các địa phương chưa được cấp tài khoản để xem danh sách người dân đăng ký tiêm trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử và Cổng Thông tin tiêm chủng. 

Hoàn thiện phần mềm, sớm cấp "thẻ xanh", "thẻ vàng" cho người dân

Đại diện các nhóm quản lý phần mềm nhận định, các  dữ liệu thành phần của 2 nền tảng chưa hoạt động tốt, dẫn đến dữ liệu báo cáo, chưa chính xác, gây khó khăn cho cơ sở tiêm chủng khi lập kế hoạch và cơ quan quản lý không nắm được chính xác tiến độ tiêm.

Với người dùng, hiện có trên 2 triệu mũi tiêm vaccine Covid-19 chưa được cập nhật. Hiện công tác vận hành cũng đang gặp một số vướng mắc. 

Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 và Sổ Sức khỏe điện tử hoạt động chưa ổn định - Ảnh 1.

Phần mềm Sổ Sức khỏe điện tử vẫn chưa hoạt động hoàn hảo khiến người dùng còn gặp rắc rối khi tra cứu thông tin tiêm chủng. Ảnh BYT

Đại diện Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, Cục sẽ họp hằng tuần với nhà cung cấp 2 nền tảng trong quá trình hoàn thiện sản phẩm, giải quyết các lỗi đã chỉ ra phía trên. 

Đáng chú ý, nền tảng này đang trong quá trình kết nối với hệ thống chứng nhận tiêm theo tiêu chuẩn EU và Tổ chức Y tế thế giới. 

Đồng thời, thành lập các tổ công tác hỗ trợ người dùng, hỗ trợ cơ quan quản lý và cơ sở tiêm chủng để cập nhật trên 2 triệu mũi tiêm còn thiếu, sớm cung cấp "thẻ xanh", "thẻ vàng" cho người dùng trong tham gia giao thông, học tập, làm việc thời gian tới đây.

Theo báo cáo của Cục Công nghệ thông tin, nền tảng khai báo y tế điện tử cũng gặp không ít trục trặc. Cụ thể: Cấu trúc thông tin khai báo điện tử trên các app ứng dụng NCOVI, Bluezone và trên hệ thống quản lý di biến động dân cư của Bộ Công an chưa được thống nhất, chưa liên thông được dữ liệu các hệ thống;

Mã quét QR code ứng dụng quản lý di biến động dân cư của Bộ Công an và QR khai báo y tế của một số địa phương chưa tương thích theo chuẩn QR của Trung tâm công nghệ chống Covid-19 Quốc gia dẫn đến các ứng dụng chưa đọc được QR của nhau.

Hệ thống quản lý điểm kiểm soát QR Code và hệ thống Tờ khai y tế chưa liên thông dữ liệu với nhau. Hệ thống tờ khai y tế chưa cấp tài khoản đến cấp huyện xã, gây khó khăn cho địa phương trong việc khai thác thông tin tờ khai, xử lý phản ánh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem