Tại sao Trung Quốc mua loại nông sản này nhiều nhất thế giới, mua của Việt Nam bao nhiêu?
Tại sao Trung Quốc mua loại nông sản này nhiều nhất thế giới, gom của Việt Nam, Thái Lan chưa đủ còn mua của Lào?
K.Nguyên
Thứ ba, ngày 05/04/2022 12:01 PM (GMT+7)
Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu sắn và tinh bột sắn lớn nhất thế giới, trong đó Trung Quốc chủ yếu mua sắn và sản phẩm sắn của Thái Lan, Việt Nam.
Trung Quốc mua nhiều sắn và tinh bột sắn nhất thế giới
Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu sắn và tinh bột sắn lớn nhất thế giới, trong đó Trung Quốc chủ yếu mua sắn và sản phẩm sắn của Thái Lan, Việt Nam.
Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong năm 2021, Trung Quốc là thị trường mua nhiều sắn và tinh bột sắn nhất thế giới, kim ngạch nhập khẩu 2 mặt hàng này của Trung Quốc đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020.
Theo đó, trong 11 tháng năm 2021, nhập khẩu sắn của Trung Quốc đạt 1,41 tỷ USD, tăng 97,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam đạt 140,86 triệu USD, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong khi đó, nhập khẩu tinh bột sắn của Trung Quốc trong 11 tháng năm 2021 đạt 1,52 tỷ USD, tăng 51,6% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng lượng mua từ Việt Nam đạt 258,22 triệu USD.
Bước sang năm 2022, ngay từ đầu năm Trung Quốc đã tăng tốc thu mua một lượng lớn sắn và sản phẩm từ sắn.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc đạt 325,93 triệu USD, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Thái Lan, Việt Nam và Lào là 3 thị trường cung cấp sắn lát cho Trung Quốc. Việt Nam là thị trường cung cấp sắn lát lớn thứ hai cho Trung Quốc, riêng kim ngạch nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 36,77 triệu USD.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc từ Thái Lan đạt 282,31 triệu USD, tăng 63,1% so với cùng kỳ năm 2021, thị phần sắn lát của Thái Lan chiếm tới 86,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc.
Ngoài sắn lát, Trung Quốc cũng mua một lượng lớn tinh bột sắn. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc mua tới 710.400 tấn tinh bột sắn, trị giá 370,93 triệu USD, tăng 32,9% về lượng và tăng 53,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Thái Lan vẫn là thị trường lớn nhất cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc với 472.110 tấn, trị giá 249,67 triệu USD, tăng 47% về lượng và tăng 69,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2022, với 182.900 tấn, trị giá 93,95 triệu USD, tăng 15,6% về lượng và tăng 33,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, trong 2 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu tinh bột sắn từ Lào.
Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, sở dĩ Trung Quốc mua nhiều sắn và sản phẩm từ sắn nhiều nhất thế giới là vì ngoài sản xuất ethanol, với sự hồi phục của ngành chăn nuôi lợn sau khi bị dịch tả lợn châu Phi, trong khi nguồn cung ngô ở Nam Mỹ gặp khó khăn do thời tiết bất lợi, nên Trung Quốc tăng cường nhập khẩu sắn lát và tinh bột sắn để làm thức ăn chăn nuôi.
Việt Nam bán cho Trung Quốc bao nhiêu sắn và sản phẩm từ sắn?
Do sức tiêu thụ lớn nhất thế giới nên năm 2021 Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 93,6% về lượng và chiếm 92,9% về trị giá trong tổng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước, với 2,69 triệu tấn, trị giá 1,1 tỷ USD, tăng 4,1% về lượng và tăng 18,5% về trị giá so với năm 2020.
Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2021 ở mức 409 USD/tấn, tăng 13,9% so với năm 2020.
Trong năm 2021, tinh bột sắn là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 80,8% tổng trị giá sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu của cả nước, với 2,03 triệu tấn, trị giá 957,63 triệu USD, giảm 6,3% về lượng, nhưng tăng 9,8% về trị giá so với năm 2020.
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 95,7% về lượng và chiếm 95,4% về trị giá trong tổng xuất khẩu tinh bột sắn của cả nước, với 1,94 triệu tấn, trị giá 913,37 triệu USD, giảm 5% về lượng, nhưng tăng 11,4% về trị giá so với năm 2020.
Đáng chú ý, trong năm 2021, xuất khẩu sắn lát khô có xu hướng tăng mạnh, với 858.880 nghìn tấn, trị giá 224 triệu USD, tăng 44,5% về lượng và tăng 66% về trị giá so với năm 2020.
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 89,1% về lượng và chiếm 86,2% về trị giá trong tổng xuất khẩu sắn lát khô của cả nước.
Bước sang năm 2022, dù Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách "zero Covid", kiểm soát chặt hoạt động xuất nhập khẩu nhưng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam vẫn có xu hướng tăng trở lại.
Theo đó, trong 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn ước đạt khoảng 970.000 tấn, trị giá 420 triệu USD, giảm 0,6% về lượng, nhưng tăng 15,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ tinh bột sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 95,6% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước với 314.370 tấn, trị giá 156,51 triệu USD, giảm 22% về lượng và giảm 12,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.